Kinh Bắc đặt mục tiêu lãi 4.000 tỷ đồng, ưu tiên đẩy sạch nợ trái phiếu trong năm nay

Kinh Bắc cho biết, hiện công ty đang có nhiều dự án KCN, KĐT tại Long An, Hưng Yên, Hải Phòng,... cần đưa vào triển khai xây dựng. Song, HĐQT công ty ưu tiên dùng tài chính để thanh toán đúng hạn và mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đang lưu hành.

Ưu tiên đẩy sạch nợ trái phiếu 

Theo báo cáo thường niên vừa công bố của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC), năm nay, công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt là 9.000 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng. Kế hoạch này tương đương tăng gấp 1,57 lần và 1,54 lần so với kết quả đạt được năm 2022. 

Kinh Bắc cho biết, hiện công ty đang có nhiều dự án khu công nghiệp, khu đô thị tại Long An, Hưng Yên, Hải Phòng,... cần đưa vào triển khai xây dựng. Song, Hội đồng quản trị công ty ưu tiên dùng mọi nguồn lực tài chính để thanh toán đúng hạn và mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đang lưu hành và đầu tư vào các khu công nghiệp lớn mới được phê duyệt. 

Trong quý I vừa qua, các ngân hàng, quỹ đầu tư và một số định chế tài chính vẫn liên tục đặt vấn đề thu xếp vốn cho công ty trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, chính sách tiền tệ chưa được nới lỏng. 

Hai ngày 31/3 và 5/4, Kinh Bắc đã lần lượt chi tổng cộng 2.000 tỷ đồng để mua lại trước hạn hai lô trái phiếu, bên cạnh đó, trả nợ đúng hạn lô một trái phiếu khác trị giá 400 tỷ đồng, đáo hạn vào ngày 22/2.

Công ty hiện còn một lô trái phiếu đang lưu hành với giá trị 1.500 tỷ đồng và cho biết đang chuẩn bị sản nguồn vốn để thực hiện thanh toán đúng hạn hoặc mua lại trước hạn. 

Theo Kinh Bắc, hiện công ty cũng đang triển khai các kế hoạch thu xếp vốn dưới các hình thức phù hợp nhất để đưa các dự án vào triển khai như kế hoạch.  

Tổng quỹ đất của cả nhóm Kinh Bắc hiện đạt hơn 6.386,54 ha đất khu công nghiệp, 1.262,8 ha đất khu đô thị và 78,9 ha là dự án khác, tập trung ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Công ty cũng đang lập các dự án mới ở Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Tây Ninh, Vũng Tàu, Tiền Giang...

 Các khu công nghiệp, khu đô thị hiện có của Kinh Bắc. (Ảnh: Kinh Bắc). 

Dự thu dòng tiền lớn nhờ cung cấp nước sạch, xử lý nước thải trong các KCN

Kinh Bắc cho biết, Khu công nghiệp (KCN) Nam Sơn hạp Lĩnh tại tỉnh Bắc Ninh được xem là dự án trọng điểm đóng góp vào kế hoạch kinh doanh năm nay của doanh nghiệp. Công ty sẽ tập trung đền bù, hoàn thiện hạ tầng tại dự án, đưa nhà máy nước sạch và xử lý nước thải đi vào hoạt động để đảm bảo đủ điều kiện ghi nhận doanh thu cho phần diện tích đã ký với khách hàng, đồng thời tiếp tục thu hút đầu tư. 

Ngoài KCN này, KCN Quế Võ tại Bắc Ninh và KCN Quang Châu tại Bắc Giang cũng dự kiến được bổ sung nhà máy nước sạch, hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động trong năm nay, qua đó tạo ra dòng tiền đáng kể cho Kinh Bắc. 

Mặt khác, Kinh Bắc cho biết sẽ tập trung hoàn thiện đền bù đạt tỷ lệ 100% diện tích còn lại tại 4 KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, Tân Phú Trung, Quang Châu và Quang Châu mở rộng. Trong đó, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh còn 108,3 ha; KCN Quang Châu mở rộng còn 38,1 ha; KCN Tân Phú Trung 33,2 ha). Công ty cũng sẽ hoàn thiện hạ tầng tại 4 KCN trên để bàn giao đất (ước tính gần 170 ha) đã ký cho khách hàng. 

Ngoài các hợp đồng đã ký, trong năm nay các KCN Quang Châu, Quang Châu mở rộng dự kiến đạt tỷ lệ lấp đầy 100%; KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh và KCN Tân Phú Trung đặt mục tiêu thu hút đầu tư đột phá để đạt thỏa thuận thuê đất mới từ 30 - 50 ha cho mỗi KCN. 

Phối cảnh dự án KCN Tân Tập tại Long An. (Ảnh: Kinh Bắc).  

Bên cạnh đó, các KCN, cụm công nghiệp mới được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư của Kinh Bắc là KCN Tân Tập 654 ha, KCN Lộc Giang 466 ha, các Cụm công nghiệp Tân Tập và Phước Vĩnh Đông có diện tích 219,4 ha tại Long An; Cụm công nghiệp Đặng Lễ, Chính Nghĩa Kim động có diện tích là 225 ha tại Hưng Yên. 

Trong năm nay, công ty sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý và triển khai phương án bồi thường tại các dự án mới này. Theo Kinh Bắc, tổng nhu cầu vốn cho các dự án nêu trên là khoảng 21.940 tỷ đồng. 

Trong quý III tới, công ty cũng dự kiến được phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án KCN Tràng Duệ 3 tại Hải Phòng. Dự kiến sau khi dự án được phê duyệt Chủ trương đầu tư thì đây sẽ là dự án có tốc độ phát triển nhanh nhất của nhóm Kinh Bắc.

Kinh Bắc cho biết thêm, công ty cũng có 2 dự án Nhà máy điện tử Quảng Yên, Nhà máy Phụ tùng động cơ máy nông nghiệp tại Quảng Ninh có tổng quy mô hơn 60,7 ha, đã khởi công xây dựng. Đây là hướng đi mới của công ty để tạo ra các cơ hội cho các đối tác đang hoạt động trong cùng lĩnh vực sẽ cùng tham gia phát triển dự án, rút ngắn thời gian phê duyệt đầu tư dự án cho đối tác.  

Sắp triển khai đầu tư xây dựng các dự án NOXH gần 125 ha

Đối với mảng khu đô thị (KĐT), hiện, Kinh Bắc đang có hai KĐT đã đưa vào kinh doanh là KĐT Tràng Duệ Hải Phòng và KĐT Phúc Ninh, một KĐT đang triển khai xây dựng hạ tầng là KĐT Tràng Cát. 

Trong năm nay, Kinh Bắc cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện 28 căn biệt thự và bàn giao 83 căn biệt thự cuối cùng tương đương 1,27 ha tại KĐT Tràng Duệ Hải Phòng; tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý để bàn giao được cho các nhà đầu tư đã đặt chỗ, thực hiện ghi nhận doanh thu trong năm nay đối với KĐT Phúc Ninh.

Còn dự án trọng điểm là KĐT Tràng Cát, Kinh Bắc cho biết sẽ tiếp tục triển khai san lấp mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng đưa vào kinh doanh hoặc hợp tác kinh doanh. 

 KĐT Phúc Ninh tại Bắc Ninh. (Ảnh: Kinh Bắc).

Mặt khác, công ty cũng có quỹ đất nhà ở xã hội (NOXH), tái định cư hơn 120 ha ở Bắc Giang, Hải Phòng, Củ Chi (TP HCM), Long An. Trong năm nay, công ty dự kiến sẽ bàn giao đưa vào sử dụng 5 toà của lô CT.1 và triển khai tiếp 5 toà lô CT.2 dự án NOXH thị trấn Nếnh - Bắc Giang.

Đồng thời, Kinh Bắc sẽ triển khai phương án đầu tư xây dựng và thu xếp vốn cho các dự án NOXH trong KĐT Tràng Duệ (Hải Phòng; 3,13 ha), Khu dân cư Tân Phú Trung (TP HCM; 47,3 ha); Khu tái định cư Lộc Giang (Long An; 31 ha); Khu tái định cư Phước Vĩnh Đông và Tân Tập (Long An; 43,52 ha). 

chọn
Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP): Có hơn 11.948 tỷ đồng khách trả trước, sắp thu nợ hơn nghìn tỷ từ các công ty chứng khoán
Theo BCTC quý I của  Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), doanh thu chưa thực hiện của doanh nghiệp đạt 11.948 tỷ đồng, có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn hơn 1.353 tỷ đồng từ các công ty chứng khoán.