Chủ tịch Hoàng Quân đề xuất mức cho vay để người dân tiếp cận nhà giá rẻ

Theo ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân, với mức cho vay khoảng 5%/năm và thời gian từ 15 năm trở lên thì người dân mới có thể tiếp cận được nhà ở giá rẻ.

 Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân. (Ảnh: VNREA).

Ngày 9/6, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ V (2022 - 2027). Tại đại hội, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân (mã chứng khoán: HQC) đã chia sẻ thực trạng và giải pháp phát triển nhà ở xã hội - nhà ở công nhân.

Ông Tuấn cho biết, đầu năm nay, Quốc hội đã có Nghị quyết bố trí 2 gói hỗ trợ cho cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Bộ Xây dựng cũng đã có đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng để cho các doanh nghiệp vay phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Trong đó, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, gồm cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định; cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định.

Hai là, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng sau được vay ưu đãi: Công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định.

"Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay cần tháo gỡ trong thời gian tới là việc lãi suất chênh lệch, cơ chế hùn vốn giá rẻ. Tôi đề xuất với mức cho vay khoảng 5%/năm và thời gian từ 15 năm trở lên thì người dân mới có thể tiếp cận nhà ở giá rẻ được.

Bên cạnh đó, cơ chế nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần rõ ràng hơn. Cụ thể, đối tượng công nhân phải là đối tượng cho thuê dài hạn hoặc ngắn hạn chứ không phải để mua dài hạn.

Chính vì vậy cần có cơ chế đặc thù hơn để đảm bảo nhà ở công nhân, đặc biệt là nhà ở công nhân ở các thành phố lớn như TP HCM, Bình Dương thì chúng ta mới giải quyết được bài toán căn cơ về nhà ở công nhân. Đặc biệt là các chính sách đồng hành của chính quyền địa phương tại các dự án khu công nghiệp", theo ông Tuấn.

chọn
'Dòng tiền đổ về bất động sản chưa có hoặc rất ít'
Lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho rằng trong thời điểm này, khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa phục hồi rõ rệt thì dòng tiền đổ về bất động sản chưa có hoặc rất ít.