Giá nhà ở xã hội giá rẻ (loại 100 triệu đồng/30 m2) tại tỉnh Bình Dương đã bất ngờ tăng lên 200 triệu đồng/căn. Nhiều người lao động mong muốn mua để “an cư lạc nghiệp” nhưng gặp khó và săn tìm “đỏ mắt” vì nguồn cung luôn cháy hàng.
Chị Nguyễn Thị Huệ Lan, quê ở Bình Phước đang tạm trú làm việc nhiều năm tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đến nay chưa có nhà ở. Chị cho biết mong muốn mua căn nhà ở xã hội giá rẻ nhưng chưa thể tiếp cận.
Sau bao năm tích cóp, chị Lan định xuống tiền mua căn nhà ở xã hội trong tháng 5/2022 để có chỗ ở lâu dài. Nhưng qua tìm hiểu các dự án nhà ở xã hội Becamex tại phường Định Hòa với các căn hộ xây dựng sẵn đã bán hết và hầu hết nhà đã có chủ. Hiện các dự án mới chưa triển khai và không cho ra sản phẩm mới.
Anh Hữu Phước, quê Bến Tre đang sinh sống làm việc tại Bình Dương vui mừng cho biết, anh vừa dọn về nơi ở mới khu căn nhà ở xã hội Becamex với căn hộ loại sàn 30 m2 có giá 200 triệu đồng.
Theo anh Phước để mua được nhà anh phải đặt chỗ cách đây 12 tháng trước đến nay chủ đầu tư mới bàn giao nhà. Nếu muốn mua nhà vào ở liền thì rất khó để có nhà do nhu cầu nhiều nên chủ đầu tư xây bao nhiêu thì có người đặt mua bấy nhiêu.
Cũng theo anh Phước hiện giá nhà ở 100 triệu đồng/căn phù hợp túi tiền người lao động thu nhập thấp được xây từ mấy năm trước hiện không còn giữ được giá rẻ. Nguyên nhân giá nhà tăng là do giá cả vật liệu xây dựng tăng khá cao, đẩy giá nhà ở xã hội tăng theo khiến người lao động thu nhập thấp tiếp cận sau càng khó mua nhà.
Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cho biết, hiện tại Bình Dương có 28 khu công nghiệp đang hoạt động thu hút hơn 1,5 triệu người lao động (chủ yếu người ngoài tỉnh) đến Bình Dương làm ăn. Qua đó, về nhu cầu nhà ở hiện nay là rất lớn.
Tỉnh Bình Dương đã thực hiện nhiều chính sách về xây dựng hàng ngàn căn nhà ở xã hội với giá bán phù hợp cho người lao động, đã tạo được sự đồng thuận, gắn bó của công nhân đối với tỉnh Bình Dương.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống và làm việc, tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm phát triển mô hình nhà ở xã hội, điều này đã giúp hàng trăm ngàn công nhân lao động, người thu nhập thấp… có mái ấm để an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống.
Hiện tỉnh Bình Dương đã thu hút đầu tư 86 dự án nhà ở xã hội có tổng diện tích sử dụng đất khoảng gần 200 ha, tương đương khoảng 3,9 triệu m2 sàn xây dựng. Tuy nhiên, số lượng vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thực tế.
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống và làm việc, thời gian qua, tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm phát triển mô hình nhà ở xã hội.
Đề án đã được tỉnh triển khai rất sớm; trong đó, các giai đoạn đầu đã xây dựng hoàn thành được 47.500 căn hộ giúp hàng trăm ngàn công nhân lao động, người thu nhập thấp… đã ổn định nhà ở. Tuy nhiên, do nhu cầu còn rất lớn nhưng dự án triển khai hiện nay không kịp tiến độ và nhu cầu của người dân.
Hiện Becamex đang tiếp tục xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn tiếp theo tại khu VietSing (TP Thuận An); khu Định Hòa (TP Thủ Dầu Một); khu Mỹ Phước (thị xã Bến Cát); khu Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) với mức đầu tư khoảng 9.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng đợt 1 vào cuối năm 2023.
Trong giai đoạn mới này sẽ triển khai xây nhà theo yêu cầu và nhu cầu mong muốn của người lao động để họ có sự lựa chọn phù hợp với điều kiện sống. Theo đó, giá bán mỗi căn đa dạng hơn, mỗi căn dao động từ 120 - 280 triệu đồng/căn hoặc loại cao cấp hơn với giá từ 200 - 500 triệu đồng/căn. Ngoài ra, người lao động có thể thuê với giá 750.000 đồng/căn/tháng.
Công dân may mắn được mua và sở hữu được căn hộ tại Khu nhà ở xã hội giá rẻ tại phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: TTXVN).
Để tạo điều kiện sống tốt hơn cho công nhân lao động, người thu nhập thấp, Bình Dương dự kiến xây dựng thêm 1 triệu căn nhà ở xã hội nên đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét, tạo điều kiện về vốn ưu đãi để tỉnh thực hiện kế hoạch; hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện đầu tư dự án khu nhà ở, khu đô thị, lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội…
Theo đó, mục tiêu kế hoạch của tỉnh Bình Dương tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho tất cả các nhóm dân cư. Định hướng của Tỉnh ủy Bình Dương phấn đấu phát triển 1 triệu nhà ở cho công nhân, người lao động trong giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đến năm 2025 dự kiến diện tích nhà ở bình quân đầu người của toàn tỉnh đạt 31,5 m2; trong đó, khu vực đô thị là 32,5 m2, khu vực nông thôn là 26,6 m2.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Võ Hoàng Ngân cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh triển khai 4 loại hình nhà ở cho người lao động, gồm nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà lưu trú trong các khu, cụm công nghiệp và nhà ở giá thấp.
Cụ thể, để tạo điều kiện sống tốt hơn cho công nhân lao động, người thu nhập thấp, tỉnh Bình Dương đang xây dựng kế hoạch phát triển thêm 1 triệu căn nhà ở xã hội. Việc bán và cho thuê nhà ở xã hội được kiểm soát, đúng đối tượng theo quy định.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng đến việc phát triển nhà lưu trú công nhân trong các khu, cụm công nghiệp nhằm chủ động tổ chức sản xuất. Đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai xây dựng nhà ở xã hội được bố trí quỹ đất trong các đồ án quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đang khuyến khích các chủ kinh doanh nhà trọ từng bước cải tạo nhà trọ theo tiêu chuẩn quy định, nhằm nâng cao chất lượng sống cho công nhân, người lao động. Đề xuất mở rộng chính sách hỗ trợ cho vay đối với các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà trọ cho thuê trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, việc xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là rất quan trọng và luôn được tỉnh quan tâm. Quan điểm chung, xuyên suốt về định hướng phát triển nhà ở của tỉnh là thực hiện chính sách xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho đối tượng chính sách, công nhân và người lao động có thu nhập thấp, góp phần ổn định chỗ ở - nơi “an cư lạc nghiệp” cho người dân đến Bình Dương làm ăn, sinh sống lâu dài.