Là biểu tượng tôn giáo, tâm linh nổi tiếng của khu vực Đàng Trong, chùa Thiên Mụ sở hữu kiến trúc cổ kính, ấn tượng cùng khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, đậm dấu ấn trữ tình.
Nằm trên ngọn đồi Hà Khê, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía Tây, Thiên Mụ hay Linh Mụ là ngôi chùa cổ nổi tiếng của mảnh đất cố đô. Từ Kinh thành Huế, bạn có thể đi thẳng dọc theo đường Đặng Thái Thân, rồi rẽ trái qua Yết Kiêu. Sau đó rẽ trái tiếp ở Lê Duẩn, gặp vòng xuyến rồi rẽ phải vào đường Kim Long. Đi khoảng 2km nữa là tới được chùa Thiên Mụ.
Chùa được xây dựng vào năm 1601 dưới thời chúa Nguyễn Hoàng - vị chúa đầu tiên của Đàng Trong.
Có nhiều câu chuyện khác nhau về sự ra đời của chùa Thiên Mụ. Trong đó, truyền thuyết kể rằng, khi vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa, chúa Nguyễn đã xem xét địa thế nơi đây nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng bờ cõi, mở mang cơ nghiệp cho dòng họ Nguyễn.
Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bên bờ sông Hương, chúa Nguyễn Hoàng bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nằm dọc bên bờ nước trong xanh, uốn khúc. Người thấy địa thế nơi đây giống như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, vô cùng đặc biệt nên đã thầm chọn lựa ngọn đồi này.
Trong nội bộ người dân địa phương cũng thường truyền tai nhau về một câu chuyện kì lạ. Rằng ngọn đồi Hà Khê ban đêm thường xuất hiện một bà lão vận áo đỏ quần lục, luôn miệng: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh".
Và thế là ý chúa hợp lòng dân. Vào năm 1601, Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng một ngôi chùa uy nghiêm, bề thế trên đồi Hà Khê, mặt hướng ra bờ sông Hương với tên gọi là Thiên Mụ.
Đến năm 1862, vua Tự Đức do sợ chữ “Thiên” có ý phạm đến trời nên đổi tên chùa thành “Linh Mụ” với mong muốn sớm có con trai nối dõi. Sau này, đến thời vị vua thứ 4 của nhà Nguyễn, tên gọi Thiên Mụ được sử dụng trở lại.
Không giống như Đại Nội hay các lăng tẩm khác của thành phố Huế, tại chùa Thiên Mụ, du khách sẽ không mất phí tham quan khi lựa chọn ghé thăm nơi đây.
Bên cạnh đó, khách du lịch còn được chiêm ngưỡng vô số những địa điểm nổi tiếng tại ngôi chùa này như: Cổng Tam Quan, Tháp Phước Duyên, Khu mộ tháp cố hòa thượng Thích Đôn Hậu, Điện Đại Hùng, Điện Địa Táng, Điện Quan Thế Âm, Đinh Hương Nguyên...