Chuyện gọi anh là 'bố' của chú lính chì Thiện Nhân

Khi Thiện Nhân học nói, Nhân gọi em là bố, em sợ lắm, lúc đó em còn nhỏ mà, em cố hướng dẫn em ấy gọi anh, nhưng em ấy chỉ gọi là bố thôi - Thiên Minh, anh hai của cậu lính chì Thiện Nhân chia sẻ.

Tiếng gọi đầu tiên của cậu lính chì Thiện Nhân là "bố"

Nhân "Ngày của Bố", nhà báo Trần Mai Anh, mẹ của cậu lính chì dũng cảm Thiện Nhân, đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình về "người bố" đặc biệt của Thiện Nhân.

Trong câu chuyện của chị Mai Anh, người bố đặc biệt này chính là Thiên Minh, con trai cả của chị, năm nay 17 tuổi.

Được sự cho phép của chị Mai Anh, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với Thiên Minh, người có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình trưởng thành của Thiện Nhân.

Chia sẻ với chúng tôi, Thiên Minh cho biết, mẹ Mai Anh đón Thiện Nhân về khi em mới được 5 tuổi, lúc này Minh còn chưa đi học. "Lúc đó mẹ đi mẹ chỉ nói là mẹ sẽ đem em bé nữa về, em bé này bị ốm, em cũng chưa biết là như thế nào, không biết là mẹ đẻ thêm em hay mẹ nhận nuôi" - Thiên Minh kể.

Cậu con cả của chị Mai Anh cũng cho biết, lúc Thiện Nhân mới được đón về rất bé, bé hơn cả Hải Minh. Khi đó Thiên Minh chưa đi học nên suốt ngày quanh quẩn với Nhân. "Lúc Nhân mới về Nhân rất bám, cả ngày nằm lên trên người em, Nhân bé lắm, em cũng còn bé nên em cứ ngồi đó cả ngày cho Nhân nằm lên trên người thôi" - Thiên Minh nhớ lại.

Nói về chuyện Thiện Nhân gọi mình là bố, Thiên Minh cho biết, Nhân về nhà được một thời gian thì Nhân bắt đầu tập nói, Nhân học nói từng từ một, một trong những từ đầu tiên Nhân nói được đầu tiên là "bố" và dùng để gọi Thiên Minh. "Nhân cứ gọi em là bố, cũng không hiểu tại sao, em đã cố gắng dạy Nhân gọi em là anh thôi nhưng Nhân vẫn cứ gọi em là bố, lúc nào cũng cứ gọi bố".

Minh bảo, có lẽ Nhân nghe ai đó gọi rồi bắt chước theo, Thiên Minh lại là người gần gũi với Nhân nhất nên Nhân cứ gọi Minh là bố, rồi bố Minh.

cau chuyen cua bo 17 tuoi va cau linh chi thien nhan
Từ khi Thiện Nhân được mẹ Mai Anh đón về, Thiên Minh luôn là người gần gũi với Thiện Nhân nhất. Ảnh: NB Trần Mai Anh

Lần đầu tiên nghe Nhân gọi mình là bố, Minh bảo "lúc đầu nghe thì sợ lắm, tại vì lúc đấy em còn nhỏ mà, cứ nghe Nhân gọi bố thì em sợ không biết làm thế nào", về sau thì cũng dần dần quen. Khi Nhân lớn hẳn lên em ấy mới gọi Thiên Minh là anh.

Vì ở nhà Thiên Minh là người gần gũi với Thiện Nhân nhất nên Nhân rất bám Minh. Khi mẹ đưa Nhân đi khám xa, hoặc các cuộc phẫu thuật ở nước ngoài, Nhân đều đòi phải có "bố Minh" đi theo mới chịu. Tuy nhiên hầu như các cuộc phẫu thuật đều trùng với thời gian Minh đi học nên không đi cùng Nhân được. Khi Nhân phẫu thuật lần gần đây nhất, Minh được nghỉ học nên được mẹ cho đi cùng, năm đó Minh học lớp 4.

cau chuyen cua bo 17 tuoi va cau linh chi thien nhan
Trong những lần đi xa khám bệnh hay phẫu thuật, Thiện Nhân đều muốn "bố" Thiên Minh cùng đi. Ảnh: NB Trần Mai Anh

Thiện Nhân chỉ dừng gọi Thiên Minh là "bố" và chuyển sang gọi anh khi cậu đã lớn và hiểu hơn mối quan hệ gia đình. "Nhân nghịch lắm, có những lúc cũng làm em cáu và anh em đánh nhau (kiểu trẻ con) nên Nhân không gọi là bố nữa" - Thiên Minh cười. Thiên Minh kể nhiều trò nghịch ngợm của Thiện Nhân, tuy khiến Minh vất vả khá nhiều nhưng Minh cũng không thực sự giận em trai. "Em ấy nghịch như thế thì tốt hơn ạ, vì cơ thể em ấy có những khiếm khuyết như thế nhưng em ấy vẫn tự tin để chơi với các bạn thì đó là điều cần thiết, em rất vui vì em ấy đã không tự thu mình" - cậu học sinh chuẩn bị bước vào lớp 12 trường THPT Việt Đức thổ lộ.

Cuộc nói chuyện của 2 người đàn ông và mong ước dành cho cậu em dũng cảm

Nhiều người theo dõi trang cá nhân của mẹ Mai Anh cũng như hành trình trưởng thành của Thiện Nhân đều rất xúc động trước video quay lại cuộc trò chuyện của Thiên Minh và Thiện Nhân. Hai "người đàn ông" mắt đối mắt với nhau bàn về việc xin lỗi mẹ.

cau chuyen cua bo 17 tuoi va cau linh chi thien nhan
Cuộc nói chuyện của Thiên Minh và Thiện Nhân về việc xin lỗi mẹ. Nguồn: Video của NB Trần Mai Anh

Xem video mọi người không khỏi bất ngờ trước sự kiên nhẫn, chững chạc của Thiên Minh khi khuyên bảo em: "Nhân thấy có lỗi Nhân phải xin lỗi nhé, mà xin lỗi là cảm thấy có lỗi ấy, không phải xin lỗi cho xong Nhân hiểu không? Nếu không tốt không ngoan với mẹ mình thì không thể nào tử tế với ai khác được nữa... Lúc nào Nhân thấy phù hợp Nhân xin lỗi mẹ đi, không ỉm cho qua được đâu..."

Chia sẻ về câu chuyện này, Minh cho biết: Nhân rất nghịch, em ấy còn nhỏ, nhiều lúc không biết thế nào là đúng, thế nào là sai cả, lúc đó phải dạy em ấy thôi, nhiều lúc em ấy nghịch không nghe lời, nhưng nếu nghiêm túc thì em ý sẽ hiểu, và nghe theo.

Cách cư xử này của Thiên Minh là học được từ mẹ Mai Anh. Minh cho biết trước kia Minh cũng rất nghịch, mẹ đã phải khuyên bảo giải thích rất nhiều, Minh nhớ lại những gì mẹ đã dạy mình trước kia và đem nó để chia sẻ với em trai. Theo Thiên Minh, em là anh lớn trong nhà, nên việc khuyên bảo các em khi các em trai nghịch ngợm, phạm lỗi cũng là trách nhiệm của Minh. Hơn nữa, Minh là người gần gũi với Thiện Nhân hơn bất cứ ai, nên cậu cũng hiểu em trai và dễ dàng chia sẻ với em hơn.

cau chuyen cua bo 17 tuoi va cau linh chi thien nhan
Dù chỉ hơn Thiện nhân mấy tuổi, nhưng Thiên Minh luôn ra dáng một cậu anh cả chăm sóc tận tình cho em trai. Ảnh: NB Trần Mai Anh

"Nhân rất nghịch như thế nhưng những lúc buồn em ấy không nói với ai, chỉ kể với em và Hải Minh. Em ấy luôn muốn mẹ thấy em ấy vui vẻ, hoạt bát, không muốn mẹ thấy em ấy yếu đuối" - Thiên Minh tiết lộ.

Những chuyện tổn thương đến trái tim non nớt của cậu lính chì đôi khi là những câu chuyện chưa hài lòng ở trường, ở lớp, cũng có khi là ở bên ngoài bị bạn khác trêu chọc, đối xử với Nhân không tốt. Những lúc đó, Nhân chỉ về nói với Thiên Minh. Tuy tủi thân và uất ức nhưng Thiện Nhân cũng rất hiểu chuyện, những khi nghe Nhân kể, Minh ướm thử "có cần anh hai xử cho không" thì Nhân lại gạt đi và bảo: "thôi không cần, kệ chúng nó".

Theo lí giải của cậu anh cả thì Nhân hiểu là bản thân em cơ thể em ấy có khiếm khuyết nên không tránh khỏi những lời nói không thuận tai của người khác, em ấy phải đối mặt, còn những ai đối xử tốt với mình thì mình sẽ đối xử tốt với người ta. Minh nói rằng, cả mẹ và Thiên Minh đều hướng suy nghĩ em Nhân từ nhỏ chứ không quá bao bọc em, để bản thân em cũng mạnh mẽ hơn.

Thiên Minh cho biết, mẹ Mai Anh và cả gia đình không ai phân biệt Thiện Nhân là con đẻ với con nuôi, do vậy, cách giáo dục và tình yêu thương của mẹ dành cho mấy anh em Minh là như nhau. Bản thân Thiên Minh cũng không có tình cảm chênh lệch giữa Hải Minh và Thiện Nhân, em chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ nói cho Nhân biết Nhân không phải là con đẻ của mẹ. Do đó, khi Nhân nói với Thiên Minh chuyện Nhân biết Nhân được mẹ đón về thì Thiên Minh khá lúng túng.

Thiên Minh nhớ lúc đó Nhân là rất buồn, rơm rớm nước mắt rồi Nhân hỏi "anh gọi Hải Minh là Hải, anh với Hải Minh là con ruột, còn em không phải". "Lúc đấy Nhân không có thái độ tức giận hay bức xúc mà chỉ thấy Nhân buồn, tại vì Nhân nghĩ là nếu như mình là con nuôi thì sẽ không được mẹ yêu bằng, không được đối xử như các anh em, nên Nhân buồn" - Thiên Minh lí giải cho tâm lý của em trai.

Anh hai của cậu lính chì chia sẻ, lúc đó bản thân em cũng không biết phải giải thích với Nhân như thế nào, em chỉ nói là mẹ yêu tất cả các anh em như nhau và anh Hai cũng thế để Nhân hiểu được và đừng buồn. Lúc đó cậu cũng kể cho Nhân chuyện mẹ lên quê của Nhân đón Nhân về như thế nào, rồi chăm sóc, đưa Nhân đi bác sỹ như thế nào thì Nhân nghe xong cũng hiểu.

Nhắc về chuyện này, cậu con cả của mẹ Mai Anh cũng thở phào: "Nhưng cũng có cái tốt là em ấy cũng nói với mình chứ em ấy không tự giữ cho bản thân. Khi Nhân nói thì em cũng mới biết để giải thích cho em ấy hiểu, rằng bọn em là một gia đình".

Trong cả quá trình sống cùng, yêu thương và khuyên bảo các em, Thiên Minh chịu ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ Mai Anh. Thiên Minh cũng chia sẻ rằng, ước mơ sau này của Minh cũng là làm báo như mẹ, để có thể thông qua những bài viết của mình, chia sẻ với mọi người những hoàn cảnh bất hạnh, đồng thời cũng có thể kêu gọi mọi người cùng chung tay giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình.

Đối với cậu em trai nghịch ngợm Thiện Nhân, Thiên Minh mong Thiện Nhân lớn lên khỏe mạnh, luôn vui vẻ hoạt bát, Minh mong Nhân có thể là nguồn cảm hứng cho những bạn có hoàn cảnh như Nhân có thể tự tin hơn. Đồng thời, ông anh cả cũng mong em trai mình sau này có thể giúp được nhiều người tiết lộ, hiện Thiện Nhân cũng đã làm được những việc nhỏ để giúp đỡ mọi người rồi. Ví như mặc dù rất ham chơi, chẳng bao giờ chịu ngồi yên, nhưng khi được giải thích rằng Nhân ký sách thì những cuốn sách bán đi sẽ góp phần giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn khác thì Nhân cũng chịu ngồi nghiêm chỉnh để ký sách cùng mẹ.

Thiên Minh: "Khi đọc được những dòng viết của mẹ biết là mẹ viết cho mình thì em cũng thấy hơi xấu hổ. Sau đó em cũng vui vì thấy mình tốt, không làm mẹ buồn, và là chỗ dựa của em trai".

"Định nghĩa về Bố

Đã hơn 10 năm rồi, kể khi bắt đầu biết gọi tiếng Bố đầu tiên thì Thiện Nhân đã dành tặng từ thiêng liêng này cho anh Thiên Minh.

Rồi sau đó nhiều ngày tháng Nhân vẫn cứ gọi anh Minh lớn là Bố em bởi với Nhân, Bố là để gọi một ai đấy thật đàn ông, bao dung, chở che, chăm sóc và thấu hiểu mình. Chả có ai đúng hơn anh Thiên Minh có thể được nhận lời gọi đầu tiên thiêng liêng đấy. Anh Thiên Minh là người duy nhất Thiện Nhân tin tưởng để tâm sự những nỗi đau tế nhị và thầm kín nhất.

Đó là khi nửa đêm Nhân trùm chăn bặm chặt môi khóc thầm vì đoạn xương cụt nhức lên đau quá.

Đó là ngày Nhân cố tình cấu cậy chân cụt của mình chảy máu ra vì để mẹ đang chăm Minh bé sốt cũng phải chú ý đến mình.

Đó là giây phút Nhân nói được ra bằng lời là Nhân buồn lắm vì đã biết từ lâu lắm rồi mẹ Mai không phải là người đẻ ra Nhân mà chỉ là đón Nhân về thôi…

Trong ca phẫu thuật quan trọng nhất của Thiện Nhân tại Ý 7 năm về trước, người đàn ông bé này mới lớp 5 là người nắm chặt bàn tay Nhân trong đau đớn tột cùng của ca đại phẫu, là người phiên dịch mỗi khi bác sĩ vào cấp cứu các cơn đau đến ngất đi mỗi nửa đêm cho Nhân, là người mỗi ngày, mỗi ngày trong nhiều ngày tháng thay băng rửa vết thương trông ngóng cho con chim xinh xinh hồi phục khi nhiễm trùng…

Anh Thiên Minh cũng là người đàn ông duy nhất mẹ cầu cứu mỗi khi mẹ quá giận vì Nhân hư, mỗi khi mẹ nóng tính vì nói Nhân không nghe lời. Chỉ người Bố này mới có thể biết cách bằng tình yêu và ngôn ngữ riêng của những người đàn ông giải thích để Thiện Nhân hiểu phải trái, để Nhân lủi thủi tìm cách xin lỗi mẹ và yêu mẹ nhiều hơn.

Chả có một ý nghĩa nào của từ Bố trong bất cứ văn bản khai sinh hay từ điển nào đúng với Thiện Nhân cả bởi anh Thiên Minh đã làm điều đó tốt hơn bất kỳ người đàn ông nào trên thế gian này". (Facebook Nhà báo Trần Mai Anh.)

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.