'Chuyện tôi và em bé lớp ba bị phạt uống nước giẻ lau bảng'

"Cho đến một ngày, tôi lấy hết dũng khí để gọi cô vào. Tim tôi đập liên hồi. Cô không hỏi gì cả, cứ thế đánh phấn đánh son cho tôi, và bảo tôi đứng cạnh cây hoa mào gà tạo dáng, chụp cái ảnh này."
chuyen toi va em be lop ba bi phat uong nuoc gie lau bang Bác sĩ nói gì qua vụ học sinh uống nước giẻ lau bảng
chuyen toi va em be lop ba bi phat uong nuoc gie lau bang Cô giáo phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng: UBND huyện thông tin chính thức toàn bộ sự việc

Học hết lớp một ở quê ngoại, tôi mù chữ. Tôi vẫn nhớ như in ngày học cuối cùng của năm ấy, khi một bạn trong lớp đứng dậy đọc bài vèo vèo thì tôi cứ lật sách từ trang này sang trang khác, không nhận ra bạn đọc bài nào. Mẹ vẫn xin cho tôi lên lớp hai, nhưng chuyển tôi lên nông trường mẹ công tác và dạy lại từ đầu.

Tôi bắt đầu lớp mới, trường mới với cô Oanh. Cô Oanh da trắng môi đỏ, xinh gái và hiền hậu lắm, nhưng mắt cô bị hiểng nặng (lác). Nhà cô ở xa hơn nhà tôi. Nhà tôi ở trong khe. Cứ mỗi buổi trưa, tôi đều ra ngã tư đường cái đứng đợi cô đi qua đèo tôi đến trường.

Cô rất thương tôi, cầm tay dạy viết từng chữ một.... Vài tháng sau, cô tự vẫn. Nhiều câu chuyện kể lại xung quanh việc tại sao cô lại chọn tự kết liễu cuộc đời mình khi cô còn rất trẻ, nhưng khi đó, tôi chỉ biết từ nay tôi không còn cô Oanh nữa.

Người tiếp nhận lớp tôi thay cho cô Oanh là cô H. Và tôi, trở thành con mọi trong mắt cô, mà sau này lớn lên đi ra tôi mới biết tôi là nạn nhân của nạn "bạo lực học đường", hay "bạo hành giáo dục".

Cô ghét tôi, đánh tôi không cần lí do. Cô xé vở bài tập của tôi trước lớp dù không may tôi chỉ dây ra một vết mực. Rồi cô ném vở vào mặt tôi. Cô đè tay tôi lên bàn, dùng thước gỗ đánh tới tấp. Cô đánh đầu tát tai tôi thường xuyên.

Tôi sợ cô đến mức ngồi trong lớp buồn đi tè nhưng không dám xin, rồi tè dầm trong lớp. Sau này không học cô nữa, tôi vẫn thêm một lần tè dầm trong lớp vì nỗi ám ảnh ấy. Bạn bè kỳ thị tôi, họ gọi tôi là "đấm trấy", tức là "đấy trấm" (tiếng địa phương, có nghĩa "tè dầm"). Lớp hai và lớp ba của tôi là vậy.

Tôi không dám kể với mẹ, nhưng mẹ tôi bắt đầu để ý. Mẹ thấy tôi sợ đi học, đòi bỏ học. Mẹ thấy tôi vẫn điểm thấp mặc dù ở nhà mẹ đã kèm cặp rất tốt cho tôi, tôi làm bài tập và đọc viết đã rất ổn. Rồi bằng cách nào đó, mẹ biết được những gì cô H làm với tôi. Mẹ có nói chuyện với vài thầy cô khác nhờ nhà trường xử lý. Cô H càng đánh tôi hăng hái hơn.

Tôi từng nghĩ mình đần độn thật, như một con trâu đen xấu xí, chẳng bằng ai. Tôi nhìn các bạn xung quanh, ước ao vở tôi xinh như vở các bạn, và nghĩ bao giờ cô mới cười với tôi một cái?

May mắn cho tôi, nhờ sự sắp xếp của mẹ, lên lớp 4 tôi được học thầy giáo mới - người mà tôi vẫn gọi là "Người thầy đầu tiên" với sự biết ơn vô bờ. Tôi trở thành học sinh giỏi, thành gương mặt sáng mà thầy cô chăm chút nhất.

chuyen toi va em be lop ba bi phat uong nuoc gie lau bang
Nhân vật Nguyễn Thị Vân Anh trong bức ảnh cô giáo chụp.

Nhưng tận nhiều năm sau, tôi vẫn không hề quên hai năm đầy tủi hổ và sợ hãi ấy. Tôi tự hỏi không biết cô H nghĩ gì? Chúng tôi hồi ấy, cấp một và cấp hai cùng học chung một dãy nhà, trên triền đồi. Tôi cứ nghĩ, có bao giờ cô nhìn thấy tôi toả sáng và nhớ những gì cô từng làm với tôi? Tôi nghĩ một ngày nào đó cô phải hối hận, tôi sẽ cho cô thấy cô đã sai, và tôi sẽ trả thù.

Rồi tôi biết cô kiêm thêm nghề chụp ảnh dạo. Mỗi ảnh năm nghìn đồng, số tiền không nhỏ với chúng tôi ngày đó, nhiều bạn còn phải ăn sắn thay cơm mà không có sách giáo khoa để học.

Tôi quyết tâm để dành được năm nghìn đồng. Nhà tôi chuyển ra đường cái. Nhà cô ở gần nhà cô Oanh ngày trước, tức là cô đi dạy về, nhất định phải về qua nhà tôi. Tôi đợi. Tôi muốn cô chụp ảnh cho tôi, dù nghe nói ảnh cô chụp xấu hơn cái chú cũng hay đi chụp ảnh dạo từ bên kia sông sang. Tôi muốn tấm chân dung đầu tiên của tôi là do cô chụp.

Tôi cứ đợi. Tôi thấy cô đi về qua nhà tôi nhiều lần. Nhiều lần tôi muốn chạy xuống dõng dạc gọi cô vào chụp ảnh, tôi sẽ cười rất tươi và nhìn thẳng vào mắt cô, và cô, chắc sẽ phải bối rối, phải xin lỗi tôi... Nhưng rồi, chân tôi không chạy nổi, miệng tôi không mở ra nổi, tim tôi cứ đông cứng, hết lần này sang lần khác.

Cho đến một ngày, tôi lấy hết dũng khí để gọi cô vào. Tim tôi đập liên hồi. Cô không hỏi gì cả, cứ thế đánh phấn đánh son cho tôi, và bảo tôi đứng cạnh cây hoa mào gà tạo dáng, chụp cái ảnh này.

Tôi trả cô năm nghìn, và cười rất tươi. Tôi không cần cô xin lỗi nữa. Tôi chỉ mong cô hiểu rằng bất cứ đứa trẻ nào trong lớp của cô cũng cần có cơ hội như nhau. Từ đó, tôi không nghĩ về cô và những uất ức ngày cũ nữa. Tôi hiểu, tự tôi đã xoá được vết sẹo trong tâm hồn mình.

Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có thể xoá đi những vết sẹo ấy.

Câu chuyện em học sinh lớp ba bị cô giáo bắt uống nước giẻ lau bảng là một vết sẹo lớn. Nhưng, vết sẹo ấy sẽ càng lớn hơn khi bố mẹ cháu quá thiếu bản lĩnh, để con mình phải đối diện với các kênh thông tin và mạng xã hội dưới danh nghĩa lên tiếng bảo vệ cháu. Bắt cháu kể lại hết lần này sang lần khác, bắt cháu mô tả, bắt cháu thề là kể thật... rồi điều tra, rồi nhân chứng... chỉ khiến cho cháu thêm tổn thương mà thôi. Không phải cứ chuyện càng chi tiết thì em bé mới càng đáng thương và cô giáo mới càng độc ác.

Cô giáo ấy rồi sẽ phải đối mặt với hình phạt xứng đáng mà cô phải nhận. Nhưng những đứa trẻ con của cô sẽ lớn lên thế nào khi hình ảnh mẹ chúng và những người thân đang được share tràn lan với những lời "chửi rủa và kết tội" hăng hái của xã hội? Không phải các bạn đang lợi dụng chính em bé phải uống nước giẻ lau bảng để công kích những người mà các bạn không ưa sao?

Xin đừng nhân danh điều gì cả, khi đối diện với những đứa trẻ. Bảo vệ quyền trẻ em nghĩa là đừng dùng trẻ em như một phương tiện để giải quyết các vấn đề của người lớn. Nếu không, những vết sẹo sẽ vẫn còn đó, thậm chí còn biến chứng đau đớn hơn. Xin đừng để những đứa trẻ trở thành nạn nhân!

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)

chuyen toi va em be lop ba bi phat uong nuoc gie lau bang Cần sát hạch môn đạo đức sư phạm!
chuyen toi va em be lop ba bi phat uong nuoc gie lau bang Cô giáo phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng: UBND huyện thông tin chính thức toàn bộ sự việc
chuyen toi va em be lop ba bi phat uong nuoc gie lau bang Cô giáo phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng là con Phó phòng Giáo dục huyện
chuyen toi va em be lop ba bi phat uong nuoc gie lau bang Xem xét chấm dứt hợp đồng, thậm chí cho ra khỏi ngành với cô giáo bắt học sinh uống 'nước giẻ lau bảng'
chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.