Học sinh súc miệng bằng nước vắt giẻ lau và những hình phạt phản cảm

Không chỉ vụ việc giáo viên ở Hải Phòng phạt học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng, nhiều nhà giáo lạm dụng vai trò người thầy, áp dụng hình phạt phản cảm với trẻ em.

Vụ việc giáo viên ở Hải Phòng bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng khiến dư luận phẫn nộ.

Điều đáng nói, đây không phải vụ phạt học sinh bằng biện pháp phản cảm duy nhất trong giáo dục nước ta.

Những hình phạt phản giáo dục

Theo lời kể của P.A., nạn nhân trong vụ việc nói trên, cô Nguyễn Thị Minh Hương, giáo viên trường Tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng), phạt em bằng cách súc miệng bằng nước vắt ra từ giẻ lau bảng.

Đây không phải lần đầu tiên học sinh bị phạt một cách phản giáo dục. Cách đây một tháng, câu chuyện phụ huynh ép cô N., giáo viên trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An), quỳ xin lỗi cũng khiến dư luận bất bình. Sự việc bắt đầu từ chính cách giáo dục sai lầm của giáo viên.

hoc sinh suc mieng bang nuoc vat gie lau va nhung hinh phat phan cam

Giáo viên trường Tiểu học Bình Chánh bị phụ huynh ép quỳ xin lỗi sau khi bắt học sinh quỳ. Ảnh: Người Lao Động.

Theo phản ánh của phụ huynh, cô giáo này bắt học sinh quỳ gối nhiều lần, có lần 10 phút, có khi cả tiết học. Cô dùng thước đánh vào tay học sinh; gọi các em là "thằng". Những hình phạt này khiến các em lo sợ, không dám đến trường.

Cuối năm ngoái, bảo mẫu trường Mầm Xanh ở TP.HCM dùng bình nhớt, dao để dạy trẻ nghe lời. Nhiều bé bị bảo mẫu tát vào mặt liên tiếp, bị đánh bằng muỗng múc canh, đập bình nhớt, lưỡi dao vào đầu. Hai bảo mẫu khác dùng nhiều vật dụng như cây, vá múc canh, thìa, ống nhôm, lược, chổi, cây lau nhà đánh trẻ. Bảo mẫu còn giơ chân đạp vào người trẻ.

Tháng 2/2017, vụ việc giáo viên trường Mầm non Sen Vàng (Hà Nội) dùng dép đánh vào đầu trẻ cũng bị phanh phui.

Tháng 12/2016, cô D.T. của trường Tiểu học Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội, cho 43 học sinh lần lượt tát em Tuấn Linh sau khi lớp trưởng báo nam sinh này chửi bạn.

Trước đó, tháng 10/2015, cô Mỹ Hạnh - giáo viên trường THCS Nhân Đạo, Vĩnh Phúc - ép 7 học sinh súc miệng bằng nước xà phòng trong giờ sinh hoạt lớp vì cho rằng các em nói tục nhiều lần.

Cô, trò cùng chịu hậu quả

Hàng loạt vụ việc không hay diễn ra khiến xã hội lo ngại về đạo đức, an toàn trong môi trường giáo dục. Những hình phạt phản giáo dục đó kéo theo hệ lụy và người trực tiếp gánh chịu hậu quả chính là giáo viên và học sinh.

Trong vụ giáo viên ở Hải Phòng bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng, học sinh sẽ bị ám ảnh, thậm chí không ngoại trừ có thể bị ảnh hưởng về sức khỏe thể chất. Cô Hương đã bị sa thải ngay trong chiều 5/4.

hoc sinh suc mieng bang nuoc vat gie lau va nhung hinh phat phan cam

Trường Tiểu học An Đồng đã sa thải cô giáo bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng. Ảnh: Song Linh.

Trong khi đó, cô giáo phạt học sinh quỳ gối ở Bình Chánh khiến học sinh lo sợ không dám đi học, bị chính phụ huynh đến trường đe dọa, ép quỳ gối. Ngoài việc nhận lại sự xúc phạm tương tự, cô giáo này cũng bị kiểm điểm do vi phạm quy định của ngành.

Cô D.T., trường Tiểu học Ninh Sở bị bị cảnh cáo và đình chỉ việc đứng lớp ít nhất một học kỳ sau khi cho 43 học sinh tát một nam sinh.

Những bảo mẫu, giáo viên trong hai vụ bạo hành trẻ mầm non không những chịu sự lên án của xã hội mà còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngoài việc hai cơ sở này bị giải thể, bảo mẫu trường Mầm Xanh bị truy tố hình sự trong khi giáo viên trường Sen Vàng bị phạt hành chính.

Vì những hành vi phản giáo dục, các cô đánh đổi bằng danh dự, thậm chí cả sự nghiệp của mình. Hậu quả đối với học sinh còn nghiêm trọng hơn nhiều, dù có thể chưa bộc lộ ngay.

Những học trò bị chửi, đánh, phạt quỳ hay súc miệng bằng nước lau bảng sẽ sợ giáo viên, trường học. Cách giáo dục phản cảm, mang tính bạo hành, xúc phạm người khác của giáo viên cũng tạo nên suy nghĩ lệch lạc về cách ứng xử trong cuộc sống.

"Đối với tôi, bất cứ trong xã hội nào, hoàn cảnh nào, người thầy sử dụng các biện pháp ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý hay thân thể học trò đều là những điều nên nghiêm cấm", GS.TS Vũ Tuấn - nguyên hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1988-1992, chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Hồng Hà, Hà Nội - nêu quan điểm.

Ông đề xuất sinh viên sư phạm trước khi ra trường phải có lời tuyên thệ trước khi hành nghề như những người theo ngành Y phải đọc lời thề Hippocrates trong lễ tốt nghiệp, góp phần hạn chế những vụ việc đau lòng trong giáo dục.

"Nghề giáo cũng cần những lời tuyên thệ khi làm thầy. Ngoài việc luôn dặn dò mình, lời tuyên thệ cũng có giá trị như tâm linh, ngăn cản con người không làm điều ác, ví dụ như: Tuyệt đối không hành hung học trò, phải yêu thương trẻ như chính con mình sinh ra", GS.TS Vũ Tuấn nói.

Học sinh kể lại chuyện bị cô giáo ép súc miệng bằng nước giẻ lau bảng Học sinh lớp 3 cho biết cô giáo ép em uống nửa cốc nước vắt từ giẻ lau bảng.

Theo TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm CLB "Đọc sách cùng con", giáo viên bắt học sinh quỳ là phương pháp giáo dục tồi.

PGS Đặng Quốc Bảo - nguyên giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục - cho rằng người thầy có ba trách nhiệm lớn, đó là truyền đạo (truyền dạy hệ giá trị của đất nước, thời đại); thụ nghiệp (tạo cho học sinh có nghề) và hóa giải các nghi hoặc, suy nghĩ chưa chuẩn cho học trò.

Nếu không làm được ba việc đồng bộ, không nên thi vào ngành sư phạm để trở thành giáo viên.

hoc sinh suc mieng bang nuoc vat gie lau va nhung hinh phat phan cam Cô giáo phạt học sinh súc miệng bằng nước vắt giẻ lau lên tiếng

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương khóc, bày tỏ sự hối lỗi của mình về việc phạt học sinh súc miệng bằng nước vắt giẻ ...

Nguyễn Sương

Video: VTC News

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.