Thời gian qua, liên tiếp những vụ việc liên quan đến giáo viên phạt học sinh khi trò phạm lỗi như cô giáo ở Quảng Bình phạt học sinh lớp 6 bằng 231 cái tát. Mới đây tại Hà Nội, một giáo viên tiểu học cũng bị 'tố' phạt học trò bằng cách yêu cầu bạn tát vào mặt em này 50 cái.
Vậy đâu là căn nguyên của hiện tượng này, giải pháp để ngăn chặn thực trạng này là gì? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ (TS) Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội. Ông cũng là thành viên của Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam.
TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội). (Ảnh: Đình Tuệ). |
- Trước những vụ việc cô giáo phạt học sinh bằng cách cho học trò tát nhau ở một số địa phương thời gian qua, ông có suy nghĩ như thế nào thưa TS?
Nguồn gốc xuất phát của cách thức giáo dục bạo lực như những sự việc cô giáo phạt học sinh bằng cái tát vào mặt gắn liền với tư tưởng coi trọng người thầy giống như bố mẹ, người tái sinh cuộc đời ta về mặt trí tuệ. Và trong xã hội có thứ bậc thì bố mẹ nói là “quân lệnh”, làm con là phải vâng lời và không có quyền cự cãi, phản kháng lại. Theo đúng tinh thần “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung – Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”.
Với quan điểm đó, bố mẹ luôn muốn tạo uy để bắt con nghe theo. Thầy cô muốn dạy được đứa trẻ cũng phải tạo nên cái uy của mình để các em sợ mà vâng lời. Những biểu hiện học sinh không nghe lời, vi phạm nội quy sẽ khiến giáo viên cảm thấy mất uy, cảm thấy mình bị phản kháng và sợ rằng mình sẽ mất khả năng dạy dỗ các em.
Từ nỗi sợ hãi này, giáo viên tin cần phải trừng phạt thật mạnh tay để dập tắt những sự phản kháng từ trong trứng nước. Tin rằng những lỗi hành vi nhỏ mà không có sự can thiệp thì sẽ trở thành vấn đề lớn nghiêm trọng hơn.
Nhưng những hình phạt nặng và không nhân văn như vậy sẽ làm cho những đứa trẻ ấm ức và làm đổ vỡ mối quan hệ tốt đẹp giữa giáo viên và học sinh. Khi đó, học sinh có thể ấm ức và trả đũa bằng những hành vi tương tự hoặc leo thang hơn. Qua đó hình thành một vòng tròn bạo lực luẩn quẩn. Vị trí người thầy mất đi trong mắt học trò.
- Những năm gần đây người ta nói nhiều tới 'kỉ luật tích cực'. Ông có cho rằng, điều này sẽ có thể phá vỡ được 'vòng tròn bạo lực' này hay không?
Thời gian qua, có một số thầy cô đã được đi học về ‘kỉ luật tích cực’ nhưng áp dụng kỷ luật tích cực phải có điều kiện tiên quyết là kiến tạo mối quan hệ gần gũi và thân thiết với học trò. Khi cô giáo đã thực sự trở thành “người mẹ hiền” thì những hình thức kỷ luật tích cực cô đưa ra mới được học trò tự nguyện thi hành.
Việc trang bị kĩ năng ứng xử với học trò là rất quan trọng với mỗi giáo viên khi đứng lớp. (Ảnh minh họa: Đình Tuệ) |
Để áp dụng kỷ luật tích cực với học sinh, đầu tiên giáo viên cần hiểu được nguyên nhân tại sao học sinh ứng xử sai. Ví dụ các em có thể đang bị tổn thương sức khỏe tinh thần, stress từ gia đình, áp lực tài chính, thay đổi chỗ ở, phản ứng lại kì vọng quá cao và bất hợp lý của người lớn.
Thứ hai, thầy cô phải có kĩ năng nhận diện và kiểm soát cảm xúc của mình. Phải nhận ra ‘điểm tới hạn’ cảm xúc để có thể làm dịu đúng lúc.
Mỗi cá nhân sẽ có những kỹ năng làm dịu khác nhau. Cá nhân tôi đã đối diện với tình huống học trò chửi bậy xúc phạm giáo viên đồng nghiệp trong lớp. Hơn nữa còn có thái độ thách thức. Tôi cảm nhận mình có thể mất bình tĩnh nếu học sinh tiếp tục có thái độ thách thức.
Tôi sẽ cúi mặt để tránh nhìn thái độ của em học sinh, tự cắn môi một chút để cảm giác đau làm sao lãng cảm xúc tức giận. Hít một hơi sâu để bình tĩnh lại rồi nói: “Thầy tin là có nguyên nhân dẫn đến việc em phát ngôn như vậy. Nhưng hành động này không phù hợp và gây cản trở lớp học nên thầy muốn mời em ra ngoài. Thầy sẽ nói chuyện với em ngay sau tiết dạy để hiểu rõ việc này”
Việc giữ khoảng cách phù hợp với học sinh khi tức giận rất quan trọng. Đề phòng trường hợp học sinh có thêm phản ứng hoặc một hành động hỗn hào nào đó khiến giáo viên mất bình tĩnh thì cũng không thể tác động thể chất tới học sinh.
"Điều mấu chốt là tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy - trò thì mới áp dụng kỉ luật tích cực", TS Trần Thành Nam chia sẻ. (Ảnh: Đình Tuệ). |
- Ở trên ông có nói tới hình thức phạt truyền thống và phạt tích cực. Hai khái niệm này cần được hiểu như thế nào thưa ông?
Phạt truyền thống làm cho đứa trẻ sợ hãi, đau đớn, xấu hổ để không tái phạm hành vi. Còn phạt tích cực chỉ ra cho trẻ thấy mình mất cơ hội, mất quyền lợi nếu phạm lỗi.
Hơn nữa, nguyên tắc phạt tích cực dựa trên 3 ‘chữ R’: Có Liên quan (RELATE); có Tôn trọng (RESPECT) và có Hợp lý (RESONABLE) với tình huống và với trẻ không?
Chẳng hạn, một đứa trẻ lớp 5 vứt rác ra lớp học bừa bãi, cô giáo phạt một tuần dọn nhà vệ sinh của trường. Hình phạt có thể liên quan vì trẻ làm mất vệ sinh thì phải dọn vệ sinh nhưng không tôn trọng đứa trẻ (nếu dọn nhà vệ sinh gắn tạo cảm giác xấu hổ cho trẻ) cũng không hợp lý với lỗi trẻ gây ra (1 tuần quá nặng).
Hình thức phạt có liên quan, tôn trọng và phù hợp có thể là “Con làm bẩn ra lớp nên con sẽ phải ở lại cuối giờ hôm nay để dọn những gì con đã làm bẩn".
- Ông đánh giá ra sao về vai trò của mối quan hệ giữa thầy và trò trong việc áp dụng kỉ luật tích cực?
Điều kiện tiên quyết để áp dụng kỉ luật tích cực là kiến tạo lại mối quan hệ thân thiết thầy – trò. Chúng ta thử tưởng tượng nếu một người bạn xấu luôn luôn phê bình chỉ trích và không công bằng với chúng ta mà khen thì ta có tin được lời khen đó thật lòng không? Nếu người bạn ấy có góp ý chân thành thì chúng ta có tin lời phê bình đó là mang tính xây dựng không?
Trong mỗi con người ta luôn có hai phần, một phần 'ông chủ tốt' và một phần 'ông chủ xấu'. Thử đặt vị trí thầy cô là học sinh phải làm việc với những 'ông chủ xấu' có những tính cách hay nổi nóng, không công bằng, không lắng nghe học sinh, không tin tưởng giao việc cho học sinh; chỉ nhìn thấy lỗi của học sinh chứ không nhận ra những hành vi đúng để khen thưởng thì chúng ta sẽ làm việc thế nào? Chắc chắn câu trả lời sẽ là làm đối phó, tuân thủ trước mặt nhưng nói xấu đằng sau.
Với tư cách giáo viên, thầy cô có sử dụng nhiều thời gian làm ‘ông chủ xấu’ như thế không? Chúng ta có nổi nóng, trừng phạt, chỉ trích các em không? Có lắng nghe ý kiến của trẻ không… Nếu có thì việc học trò phản ứng lại theo cách tiêu cực, ứng phó là điều dễ hiểu.
Để thay đổi hành vi học trò, để quản lý hành vi tích cực. Hãy nhận ra những khoảng khắc làm 'ông chủ xấu', nhẹ nhàng chuyển sang đặc điểm của ‘ông chủ tốt’ với sự quan tâm, chú ý lắng nghe, tôn trọng ý kiến của trẻ, phát hiện và khen thưởng những cố gắng và những điểm hợp lý trong hành vi của trẻ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Phụ huynh học sinh bị cô giáo phạt tát vào mặt: 'Tôi thấy rất đau lòng'
Theo mẹ của cháu bé bị cô giáo phạt tát vào mặt tại trường Tiểu học Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội), khi mới nghe ... |
Vụ cô giáo bị 'tố' phạt học sinh 50 cái tát: Hiệu trưởng nói 'chỉ tát 1, 2 cái'
Sáng 6/12, Trường Tiểu học Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) đã chính thức thông tin về vụ việc một học sinh lớp 2 tại ... |
Lùi thời hạn công nhận trường chuẩn quốc gia, kiểm điểm hiệu trưởng vì phát phiếu điều tra học sinh vụ tát 231 cái
Đại diện ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình cho biết, có thể sẽ phải lùi thời hạn công nhận trường chuẩn quốc gia đối với ... |
Trường phát phiếu điều tra học sinh vụ 231 cái tát ở Quảng Bình: Sở GD&ĐT không đồng tình với cách làm của hiệu trưởng
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình, việc Hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh lấy phiếu điều tra học sinh sau vụ việc cô giáo ... |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 'Không thể giữ trong ngành cô giáo phạt học sinh 231 cái tát'
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa chính thức lên tiếng về vụ việc cô giáo Trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) phạt học ... |