CIC Group sẽ nới room ngoại lên 49%, kỳ vọng bất động sản Kiên Giang phục hồi nhanh từ cuối 2024

Tỉnh Kiên Giang vừa công bố quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Phú Quốc cũng công bố quy hoạch chung TP Phú Quốc. Cùng với ba luật mới dự kiến hiệu lực sớm, lãnh đạo CIC Group dự báo thị trường Kiên Giang nói riêng sẽ phục hồi nhanh từ cuối năm 2024, đầu năm 2025.

Ảnh: CIC Group.

CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (CIC Group, mã chứng khoán: CKG) mới đây đã tiến hành tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Tại đại hội, ban lãnh đạo CIC Group đã có những đánh giá về triển vọng thị trường bất động sản (BĐS) giai đoạn sắp tới.

Đánh giá về năm 2023, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng thị trường BĐS trầm lắng nghiêm trọng. Hệ luỵ từ Covid-19 khiến người dân thắt chặt chi tiêu, việc mua nhà chưa phải ưu tiên hàng đầu, dẫn đến tình hình kinh doanh nhà ở thương mại tại TP Rạch Giá và các dự án tại Phú Quốc trầm lắng.

Trong bối cảnh đó, CIC Group ghi nhận doanh thu 1.216 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 148 tỷ đồng, lần lượt giảm 7% và giảm 13% so với cùng kỳ 2022. 

Năm 2023, doanh thu nhà ở xã hội chiếm 58% tổng doanh thu của doanh nghiệp, song tỷ suất lợi nhuận của phân khúc này lại không quá 10%, chi phí bán hàng lại tăng dẫn đến lợi nhuận giảm so với kế hoạch.

Bước sang 2024, CIC Group đặt mục tiêu doanh thu 1.220 tỷ đồng và lãi sau thuế 142 tỷ đồng, nhìn chung không biến động nhiều so với kết quả thực hiện năm 2023. Dự kiến 95% doanh thu năm nay sẽ đến từ mảng BĐS. Tỷ lệ chia cổ tức khoảng 8 - 10%.

Về chiến lược 2024, CIC Group sẽ đẩy nhanh thủ tục pháp lý, đất đai để sớm triển khai các dự án đủ điều kiện mở bán; tiếp tục đẩy mạnh phân khúc nhà ở xã hội; chủ động cơ cấu lại nguồn lực đầu tư, cơ cấu lại các phân khúc sản phẩm, điều chỉnh giá cả hợp lý, tiếp tục tập trung thực hiện các dự án đang dang dở và triển khai thêm một số dự án tiềm năng mới để tạo sản phẩm gối đầu.

Tại đại hội, doanh nghiệp cũng đề xuất phương án phát hành tăng vốn điều lệ lên 1.500 - 2.000 tỷ đồng để đảm bảo vốn đối ứng tại các dự án đang và sẽ triển khai, đảm bảo nguồn vốn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn về vốn tín dụng như hiện nay.

5 dự án trọng điểm giai đoạn 2024 - 2025

Theo CIC Group, thị trường giai đoạn 2023 - 2024 đang trầm lắng và chưa kịp phục hồi do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên sắp tới, ba luật mới về BĐS là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở dự kién hiệu lực sớm từ 1/8 sẽ có nhiều nội dung, chính sách cở mở hơn, góp phần đưa thị trường phục hồi trở lại.

Trong đó, có nhiều điều khoản mở cửa, cho phép Việt kiều sở hữu BĐS tại Việt Nam. Công tác định giá cũng có nhiều cởi mở hơn, nhất là định giá NOXH... Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang vừa công bố quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Phú Quốc cũng công bố quy hoạch chung TP Phú Quốc.

"Đây chính là điều kiện cần và đủ để thị trường BĐS nói chung và thị trường Kiên Giang nói riêng sẽ phục hồi nhanh cuối năm 2024, đầu năm 2025", lãnh đạo CIC Group chia sẻ.

Về tình hình pháp lý các dự án, do năm 2023 đại hội CIC Group không thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ nên công ty thiếu nguồn vốn. HĐQT quyết tâm chuyển các quỹ đất sạch thành quỹ đất có giá trị. Do đó, HĐQT và ban điều hành năm qua đã tập trung hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý và nộp tiền sử dụng đất đảm bảo đủ điều kiện mở bán đón đầu thị trường phục hồi nhằm đảm bảo doanh thu, lợi nhuận theo kế hoạch.

Giai đoạn 2024 - 2025, các dự án trọng điểm của CIC Group sẽ bao gồm Khu dân cư Bắc Vĩnh Quang; Khu dân cư Chợ nông sản và Khu dân cư tuyến đường số 2. Tại Phú Quốc có hai dự án là Khu biệt thự cao cấp Phú Quốc Riverside Villas (Rivera Villa) và Khu biệt thự cao cấp tại xã Cửa Dương (dự án Búng Gội 1).

Chủ tịch CIC Group Trần Thọ Thắng tại ĐHĐCĐ thường niên 2024. (Ảnh: CKG). 

Mở cửa cho các nhà đầu tư ngoại

Hiện nay, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại CIC Group là 0%. Từ năm 2023, HĐQT đã có tờ trình sửa đổi ngành nghề kinh doanh và năm nay tiếp tục trình sửa đổi, bỏ một số ngành nghề làm hạn chế nhà đầu tư nước ngoài.

HĐQT CIC Group đã trình đại hội thông qua việc điều chỉnh nội dung đăng ký ngành nghề kinh doanh của công ty, theo đó lược bỏ các ngành nghề hạn chế nhà đầu tư nước ngoài để nâng tỷ lệ sở hữu tối đa tại công ty lên 49%.

Lãnh đạo CIC Group chia sẻ, thời gian qua công ty đã có những buổi làm việc với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm và tìm hiểu về định hướng kinh doanh, phát triển của công ty, tuy nhiên do hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa nên chưa đạt được thoả thuận nào.

“Hiện tại một số quỹ ngoại lớn quan tâm đã làm việc với công ty, việc nới room ngoại lên 49% là cơ sở để công ty có thể thu hút được dòng vốn dài hạn của nhà đầu tư ngoại hiện tại, cũng như các quỹ đầu tư lớn sắp đầu tư vào Việt Nam khi thị trường chứng khoán chính thức được nâng hạng, từ đó giúp công ty ổn định nguồn vốn dài hạn để khai thác quỹ đất hiện hữu”, ông Trần Thọ Thắng, Chủ tịch CIC Group nói.

Nói thêm về phương án phát hành tăng vốn điều lệ lên 1.500 - 2.000 tỷ đồng, lãnh đạo CIC Group đã trình phương án phát hành cổ phiếu tương ứng 20% vốn điều lệ cho cổ đông hiệu hữu với tỷ lệ 2:1. Số tiền thu được từ đợt phát hành dự kiến khoảng 500 tỷ đồng. 

Về kế hoạch sử dụng vốn, khoảng 350 tỷ đồng sẽ trả trái phiếu đến hạn, số tiền còn lại để thanh toán các khoản nợ vay ngắn hạn và các khoản thanh toán vật tư, nhân công đến hạn.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.