Cổ đông than 'nếm mật nằm gai' 2 năm với cổ phiếu Hòa Bình, yêu cầu HĐQT 'khiêm tốn hơn' với tham vọng và kế hoạch kinh doanh

Trước kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2018 không đạt, cổ đông Hòa Bình cho rằng HĐQT nên "khiêm tốn hơn" với kế hoạch năm 2019. Tại đại hội chiều 16/4, nhiều cổ đông còn phàn nàn về trách nhiệm của ban điều hành trong việc giá cổ phiếu HBC giảm liên tục 2 năm qua.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (MCK: HBC) khẳng định thị giá cổ phiếu HBC trên thị trường chưa phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp. Không có lí do gì một doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, sử dụng vốn chủ sở hữu cực hiệu quả, doanh thu, lợi nhuận cùng uy tín như thế mà cổ phiếu lại đứng ở mức thấp và liên tục đi xuống.

Chủ tịch Lê Viết Hải: Tôi cũng mua 3 triệu cổ phiếu HBC ở mức giá 48.500 đồng

Đại hội đồng cổ đông của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tổ chức chiều 16/4 nhận nhiều chất vấn của cổ đông, liên quan đến việc giá cổ phiếu HBC liên tục đi xuống suốt 2 năm 2017-2018.

Cổ đông than nếm mật nằm gai 2 năm với cổ phiếu Hòa Bình, yêu cầu HĐQT khiêm tốn hơn với tham vọng và kế hoạch kinh doanh - Ảnh 1.

Chủ tịch Lê Viết Hải khẳng định giá cổ phiếu HBC trên thị trường hiện nay chưa phản ánh đúng thực tế giá trị doanh nghiệp. Ông nói mình thực sự rất tiếc khi cổ phiếu trên sàn giảm quá sâu, gây thiệt hại cho cổ đông, cho nhà đầu tư.

Cụ thể, một cổ đông cho rằng 2 năm qua đã "nằm gai nếm mật" vì giá cổ phiếu HBC liên tục đi xuống. Vị này nhấn mạnh đa phần cổ đông đánh giá Hòa Bình là công ty tốt, nhưng điều đáng buồn là 2 năm nay cổ phiếu liên tục đi xuống. Không những cổ phiếu giảm mà chỉ số niềm tin của doanh nghiệp cũng rất thấp. Cổ đông này cho rằng lỗi này là ở ban điều hành, HĐQT đã có thể có lỗi ứng xử, lỗi truyền thông.

"Tôi khẳng định thị giá cổ phiếu HBC phải hơn 30.000 đồng, tại sao cứ mười mấy nghìn đồng, thật sự là vô lý. Tại sao mình tốt mà không ai nhìn nhận. Cổ đông 2 năm qua 'nằm gai nếm mật', giá cổ phiếu rớt, vậy HĐQT, ban điều hành làm gì. Điều này khiến cổ đông muốn chia sẻ cũng rất khó", cổ đông này nói.

Trả lời chất vấn của cổ đông về cổ phiếu giảm, Chủ tịch Lê Viết Hải cho rằng ông thực sự rất tiếc khi cổ phiếu trên sàn giảm quá sâu, gây thiệt hại cho cổ đông, cho nhà đầu tư. Bản thân ông cũng mua hơn 3 triệu cổ phiếu HBC với giá 48.500 đồng/cổ phiếu. Ở thời điểm chốt phiên giao dịch chiều 16/4, HBC dừng ở mức giá 18.700 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 1% so với cuối tuần trước.

Trong tuần trước, cổ phiếu HBC chỉ có một phiên tăng 250 đồng/cổ phiếu, trong khi có đến 3 phiên giảm, với mức giảm tổng cộng là 800 đồng/cổ phiếu.

"Nhưng chúng tôi khẳng định cổ phiếu HBC chưa phản ánh đúng giá trị thật của doanh nghiệp. Không có một doanh nghiệp nào có giá trị lớn như thế, sử dụng vốn chủ sở hữu rất hiệu quả như thế và hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang hiệu quả nhưng giá trị cổ phiếu trên thị trường lại thấp khó tin vậy", ông Lê Viết Hải nói.

Cổ đông than nếm mật nằm gai 2 năm với cổ phiếu Hòa Bình, yêu cầu HĐQT khiêm tốn hơn với tham vọng và kế hoạch kinh doanh - Ảnh 2.

HĐQT Hòa Bình nhận định thị trường bất động sản năm 2019 vẫn chưa hết khó khăn và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp.

Theo ông Hải, doanh nghiệp đã không ngừng lớn mạnh và lớn phát triển vượt bậc từ hơn 10 năm nay. Trung bình doanh thu của tập đoàn trong 4 năm qua đã tăng 5 lần. Nếu tính 12 năm thì đã tăng 120 lần; từ doanh thu 133 tỉ tăng lên hơn 18.000 tỉ đồng chỉ trong vòng 13 năm.

Đồng thời, giá trị của thương hiệu cũng được khẳng định bằng bảo chứng đánh giá của các tổ chức xếp hạng uy tín. Theo đánh giá của Brand Finance, năm 2018, giá trị thương hiệu của Hòa Bình đạt 79 triệu USD, với chỉ số sức mạnh thương hiệu là  A+, xếp thứ 33 trên bảng xếp hạng và tăng 3 bậc so với năm 2017. 

Từ những điều này, ông Hải tiếp tục khẳng định thị giá cổ phiếu HBC hiện không phản ánh đúng giá trị thực, và HĐQT vẫn đang tích cực cải thiện.

"Đề nghị HĐQT, ban điều hành khiêm tốn"

Một cổ đông khác thì nói rằng hiện thị trường bất động sản đang khó khăn, thị trường xây dựng cũng cạnh tranh quyết liệt. Năm 2018, Hòa Bình chỉ đạt 88,5% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận. Điều này liệu có phải HĐQT đã đưa ra chỉ tiêu quá cao nên việc thực hiện không như kì vọng. 

"Năm 2019 lại đặt kế hoạch lợi nhuận tăng hơn 16%, tôi đề nghị HĐQT, ban điều hành khiêm tốn với tham vọng và kế hoạch kinh doanh hơn", cổ đông này nói.

Chủ tịch Lê Viết Hải cho rằng tất cả các chỉ tiêu, kế hoạch kinh doanh HĐQT đã tính toán kĩ lưỡng. Ông thừa nhận trong năm 2018, HĐQT đã không lường được những rủi ro về kinh tế trong nước, thế giới, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ngoài ra, các vấn đề pháp lí liên quan đến các dự án bất động sản cũng ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả sản xuất kinh doanh của Hòa Bình.

Cổ đông than nếm mật nằm gai 2 năm với cổ phiếu Hòa Bình, yêu cầu HĐQT khiêm tốn hơn với tham vọng và kế hoạch kinh doanh - Ảnh 3.

Cổ đông Hòa Bình góp ý HĐQT, ban điều hành cần "khiêm tốn" trong mục tiêu kinh doanh, tham vọng của mình.

"Những dự báo không đầy đủ, chính xác, chúng tôi thừa nhận sai sót và hạn chế này. Thị trường bất động sản khó khăn chúng tôi cũng không lường hết, dù thị trường này ảnh hưởng lớn nhất đến xây dựng. Năm nay, Hòa Bình đã lập kế hoạch rất thận trọng, chỉ tăng 16% so với thực hiện, mặc dù hợp đồng chuyển từ 2018 sang 2019 tăng trên 25.800 tỉ đồng. Chúng tôi không quá lạc quan như năm vừa rồi", ông Hải nói.

Tuy lợi nhuận giảm trong năm 2018, nhưng tỉ suất sinh lời trên vốn chủ của Hòa Bình vẫn đạt 25,4%, cao hơn mức bình quân 22% của ngành.

Năm 2019, HĐQT Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu 18.600 tỉ đồng và lợi nhuận 720 tỉ đồng, tăng lần lượt 1,6% và 16% so với kết quả kinh doanh năm 2018.

Trả lời cổ đông về tình hình thị trường bất động sản năm 2019 đang khó khăn và sẽ ảnh hưởng ra sao tới doanh nghiệp, HĐQT Hòa Bình khẳng định thị trường sẽ tiếp tục khó, nhiều dự án đình trệ vì tính pháp lí, và chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động, kinh doanh của tập đoàn. Do vậy mà công ty sẽ tập trung vào dòng tiền, thực hiện hợp đồng đã kí trong 2019 với giá trị trúng thầu khoảng 24.000 tỉ đồng. Giá trị trúng thầu từ đầu năm 2019 đến nay là 6.428 tỉ đồng, đạt 24% kế hoạch.

Cổ đông than nếm mật nằm gai 2 năm với cổ phiếu Hòa Bình, yêu cầu HĐQT khiêm tốn hơn với tham vọng và kế hoạch kinh doanh - Ảnh 4.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 đã kiểm toán của Hòa Bình cho thấy lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm mạnh so với năm 2017.

2019 là năm thực hiện các dự án đầu tiên ở nước ngoài

HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hòa Bình cũng trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc thực hiện các thủ tục để xin giấy phép đầu tư ra nước ngoài. Tổng giá trị các khoản đầu tư tối đa 10% vốn chủ sở hữu (căn cứ theo báo cáo tài chính gần nhất đã kiểm toán) tại thời điểm đầu tư.

Ông Lê Viết Hải cho rằng việc ra thị trường nước ngoài với Hòa Bình là điều kiện cần.  Vì trong 13 năm qua, doanh thu của Hòa Bình đã tăng từ 133 tỉ lên 18.300 tỉ đồng. Nếu theo tốc độ này, 12-13 năm nữa, sẽ vượt sản lượng toàn ngành xây dựng trong nước và như vậy, doanh nghiệp phải có giải pháp để duy trì tốc độ tăng trưởng, tiềm lực của mình.

Ông cho biết nếu như 13 năm trước, Hòa Bình chưa có gì thì hiện doanh nghiệp đã có tất cả công nghệ hiện đại trong ngành xây dựng. Doanh nghiệp cũng có cơ hội làm việc với nhiều nhà thầu tại nhiều nước và được đánh giá tốt, nhân lực có kinh nghiệm cọ sát thực tiễn môi trường đầu tư, xây dựng tại các nước.

Cổ đông than nếm mật nằm gai 2 năm với cổ phiếu Hòa Bình, yêu cầu HĐQT khiêm tốn hơn với tham vọng và kế hoạch kinh doanh - Ảnh 5.

Chỉ tịch Lê Viết Hải khẳng định "tiến quân" ra nước ngoài là điều kiện cần để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng.

"Cơ hội này không dễ có và chúng ta không thể không nắm bắt. Chúng ta không thể duy trì hoạt động như vậy mà phải mở rộng thị trường", ông Hải khẳng định, và cho rằng doanh nghiệp phải có giải pháp để duy trì tốc độ tăng trưởng, đạt được mục tiêu ra nước ngoài.

Trong năm 2018, Hòa Bình đã tiếp cận sâu với các thị trường nước ngoài trong khối CPTPP như Canada và Australia. Qua khảo sát thì nhu cầu xây dựng tại các thị trường này rất lớn, giá thành cao trong khi nguồn lực về xây dựng của họ rất hạn chế, đặc biệt là các công trình khách sạn, nhà cao tầng.

" Hòa Bình có thể sử dụng năng lực hiện có của mình và chúng tôi khẳng định sẽ đưa ra nước ngoài những sản phẩm xuất sắc, hoàn hảo chứ không phải chỉ là xây dựng thông thường. Chúng tôi sẽ làm việc với các nhà tư vấn địa phương để tạo ra các sản phẩm phù hợp", ông Hải nói.

Theo ông Hải, khi ra nước ngoài, bước đầu Hòa Bình sẽ làm nhà đầu tư, làm tổng thầu, liên kết với công ty địa phương, sau đó sẽ đi song song và ưu tiên phát triển ngành xây dựng.

Chủ tịch Hòa Bình cũng thông tin tại thị trương Australia, doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị một dự án khoảng 5.000 m2 có thể tạo ra vài trăm căn hộ giá cao và sẽ triển khai sớm nhất. 

Mô hình quản lí mới trong nhiệm kì 2019-2024 của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chỉ còn Đại hội đồng cổ đông, HĐQT và Tổng Giám đốc, không còn Ban kiểm soát nhưng doanh nghiệp đã thành lập ban kiểm toán nội bộ.

HĐQT của Hòa Bình trong nhiệm kì này là 8 người, trong đó 3 thành viên HĐQT độc lập. Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch TTC Land, một thành viên trực thuộc Thành Thành Công, vừa được bầu thành viên HĐQT độc lập của Hòa Bình tại đại hội này.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.