Cô giáo Mường vượt hàng trăm km gieo chữ nơi đại ngàn

Tự nguyện xung phong đi biệt phái, cô Giang Tâm ngày qua ngày phải vượt hơn 100km để đưa con chữ đến gần hơn với các em học sinh vùng sâu vùng xa.
co giao muong vuot hang tram km gieo chu noi dai ngan
Mặc dù khó khăn khi phải vượt hàng 100km mỗi ngày, nhưng cô Tâm vẫn tận tụy với các em học sinh.

Nhọc nhằn hành trình gieo chữ

Từ TP Buôn Mê Thuột chúng tôi vượt gần 70km theo Quốc lộ 14 để đến trường tiểu học Hùng Vương (xã Cư Knia, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông) nơi có 382 học sinh, trong đó có đến 345 học sinh đồng bào dân tộc H’Mông, số còn lại là dân tộc Tày, Nùng....

Mùa này, mưa vẫn rả rích đêm ngày. Con đường dẫn chúng tôi vào trường bóng loáng như đổ mỡ, không ít lần xe chúng tôi trượt dài, hay thi thoảng vẫn thấy người đi đường té ngã.

Đa số giáo viên là người Kinh nên vào những ngày đầu năm, việc truyền đạt kiến thức cho các em rất khó khăn, nhiều em vẫn ngơ ngác khi nghe thầy cô giảng. Không ít lần, các thầy cô ở trường phải nhờ những bạn học sinh cũ “phiên dịch” lại cho mọi người hiểu.

co giao muong vuot hang tram km gieo chu noi dai ngan
Con đường lầy lội, trơn trượt nhưng không ngăn nổi bước chân thầy cô cùng các em học sinh nơi đây.

“Để mang con chữ đến với con em đồng bào nơi đây, các giáo viên của trường phải hy sinh rất nhiều, chỉ có những người thực sự yêu nghề, yêu trẻ mới có thể gắn bó được với nơi này. Những hôm mưa, đường lầy lội các thầy cô phải gửi xe cách trường vài cây số, sau đó tay xách dép, tay ôm giáo án rồi lội đường sình lầy đến trường”, thầy Nguyễn Việt Anh, Hiệu trưởng trường tiểu học Hùng Vương cho biết.

Riêng đối với cô Đinh Thị Giang Tâm (SN 1981, dân tộc Mường, ngụ tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột), quãng đường đưa con chữ đến cho các em lại khó khăn gấp trăm lần. Hàng ngày, cô vượt hơn trăm km, trải qua bao rào cản để đưa con chữ đến gần hơn với những đứa trẻ nơi đại ngàn.

Ước mơ lớn dần từ khó khăn

Từ lúc học cấp 1, cô Tâm đã thích nhìn các thầy cô cầm phấn viết bảng, những hạt phấn rơi xuống tựa như ước mơ nhỏ bé của cô được vun đắp dần đầy.

co giao muong vuot hang tram km gieo chu noi dai ngan
Cô Tâm nhiệt tình chỉ bảo cho các em học sinh.

Trước đây, do gia đình khó khăn nên cô Tâm phải tranh thủ thời gian đi làm thuê, làm mướn để có tiền ăn học và trang trải cho cuộc sống. Chính vì vậy, việc dạy học ở những vùng sâu vùng xa càng làm cô trân trọng và muốn gắn bó hơn.

Có lẽ vì nhiệt huyết của tuổi trẻ muốn thử thách, bươn chải, chấp nhận mọi khó khăn nên cô Tâm đã vượt qua sự cản trở của gia đình để dạy học xa nhà. Dần dần bố mẹ cô cũng hiểu và động viên tinh thần cho cô rất nhiều.

Một ngày của cô Tâm bắt đầu từ 3 giờ sáng để coi lại giáo án, rồi tức tốc lên đường đến trường, bất kể mùa nắng, mùa mưa hay giá rét căm căm. Nhiều hôm mệt, buồn ngủ nhưng sợ nguy hiểm cô phải dừng lại chợp mắt mươi phút bên đường. Gặp ngày mưa bão, đi đường nguy hiểm, lên đến lớp người ướt như chuột lột, nhưng cô vẫn cười vui vì được truyền dạy kiến thức cho đám học trò nhỏ.

“Do có con nhỏ lại muốn con được chăm sóc tốt khi ở gần với bố và ông bà nên tôi quyết định không thuê trọ mà đi về mỗi ngày. Hoàn cảnh của tôi ngày xưa cũng gần giống các em học sinh ở đây. Tôi chỉ cố gắng góp một phần nhỏ của mình để các em biết chữ sau này có điều kiện học cao hơn, giúp gia đình và xã hội”, cô Tâm trải lòng.

Nhiều lúc áp lực công việc, áp lực cuộc sống dồn lên đôi vai nhỏ bé, nhưng chỉ cần bước vào lớp, nhìn thấy các em vui đùa thì bao mệt mỏi, lo toan trong cô dường như tan biến hết.Con đường gieo con chữ lên đại ngàn Tây Nguyên lại càng khó khăn hơn đối với cô Tâm, khi năm 2009, cô gặp phải căn bệnh quái ác “u mạch máu”. Những lúc trái gió trở trời tay cô lại đau nhức, run lên bần bật nhưng cô vẫn kiên nhẫn đi về mỗi ngày.

“Tôi chỉ có ước muốn giúp các em học sinh sau này sẽ trưởng thành, sống có ích cho xã hội, biết yêu thương, biết sẻ chia, chứ tôi không ép các em phải học để đạt thành tích cao”, cô Tâm nói.

co giao muong vuot hang tram km gieo chu noi dai ngan
Ngoài việc truyền đạt kiến thức, cô Tâm còn kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

Do là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tiếp thu kiến thức của các em còn nhiều hạn chế, biết được điều đó, cô Tâm đã nghĩ ra nhiều cách để động viên, khích lệ các em. Những em học tốt cô đều có phần thưởng riêng, từ đó, những bạn học yếu hơn có động lực phấn đấu để nhận được quà. Cũng vì lí do đó, lớp học của cô lúc nào cũng trong không khí vui tươi, phấn khởi.

Cô cũng thường xuyên kêu bạn bè, người thân, đồng nghiệp… quyên góp và ủng hộ quần áo, sách vở... cho các em học sinh. Sống gần gũi nên cô biết hết hoàn cảnh của từng em nên khi có em nào bỏ học, cô đến tận nơi để động viên các em và gia đình để trở lại trường lớp.

Thầy Nguyễn Việt Anh, bày tỏ: “Cô Tâm là một giáo viên nhiệt tình, cô đã xung phong đi biệt phái để truyền đạt kiến thức cho trẻ em vùng sâu vùng xa. Mặc dù tiếp quản lớp sau các giáo viên khác nhưng cô Tâm rất chu đáo và cần mẫn với các em học sinh. Chính vì vậy, cô luôn được học sinh và giáo viên trong trường yêu quý”.

Hầu hết các trường học ở vùng sâu vùng xa như trường Hùng Vương đều có đường đi khó khăn, cách xa thành phố, thị xã mấy mươi cây số nhưng không có phòng lưu trú cho giáo viên. Nên gần như tất cả giáo viên ở đây đều phải vượt 10- 20km để đến lớp mỗi ngày. Những hôm mưa gió lại càng nguy hiểm vì đường trơn trượt, các thầy cô giáo vẫn hằng ngày mong ngóng có một con đường mới, một căn nhà bán trú để việc gieo chữ giữa đại ngàn được thuận lợi hơn.
chọn
Cầu Bến Mới nối Nam Định - Ninh Bình sau 2 năm thi công
Cầu Bến Mới dự kiến tạo một trục kết nối giao thông hoàn chỉnh giữa các khu di tích Đền Trần, Phủ Dầy của tỉnh Nam Định và quần thể danh thắng Tràng An, Bái Đính của tỉnh Ninh Bình, tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.