Người dân nhận thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA |
Đề cập đến BHYT, GS.TS Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội, viện trưởng Viện Huyết học truyền máu trung ương - nói:
- Nói Bảo hiểm xã hội làm khó cho y tế, nếu nhìn trên hiện tượng là có, còn nhìn nhận về bản chất không phải thế. Luật quy định như vậy thì người ta làm như vậy thôi.
Tuần trước, có bài báo dẫn lời đại biểu Quốc hội đã “gây bão” trên mạng khi cho rằng Bảo hiểm xã hội đang đi chệch hướng, trong đó có chuyện bảo hiểm đưa ra những quy định để bác sĩ được phép làm xét nghiệm gì, dùng thuốc gì, phác đồ gì và điều trị như thế nào. Trên thực tế, tôi thấy đại biểu này nói hoàn toàn đúng. Bảo hiểm can thiệp khá sâu vào chuyên môn của các bác sĩ.
* Bảo hiểm mà can thiệp sâu vào chuyên môn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, tức là ảnh hưởng trực tiếp tới người bệnh?
- Trong chất vấn, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng người làm bảo hiểm không có kiến thức chuyên môn y tế mà đi quyết định các việc chuyên môn y khoa là một sai lầm.
Với riêng tôi, kể cả người làm bảo hiểm có là cán bộ y tế đi nữa thì cũng không thể biết hết và tiến kịp được sự phát triển của khoa học. Các phác đồ, thuốc men của các chuyên khoa khác nhau rất nhiều và thường thay đổi rất nhanh.
Tác động của BHYT mà quá sâu thì ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sự sống của người bệnh, ảnh hưởng đến y đức cán bộ, bác sĩ.
Là bác sĩ, ai mà không muốn điều trị có kết quả tốt cho người bệnh, nhưng quy định như hiện nay thì chỉ dùng thuốc, xét nghiệm... mà BHYT cho phép. Tất cả cứ theo một khuôn khổ chật hẹp, gò bó thì làm thế nào có thể có sáng tạo, có đổi mới.
Với cách này, bây giờ chỉ tập trung vào xem hóa chất, thiết bị nào rẻ mới được mua và thuốc nào rẻ mới được phép cho dùng thì vô hình trung, chúng ta đang xây dựng một “nền y tế giá rẻ”, khó mà đạt được kết quả điều trị tốt nhất. Điều này ngày càng lộ diện và rõ nét.
GS.TS Nguyễn Anh Trí - Ảnh: VIỆT DŨNG “Tôi khẳng định giai đoạn đầu BHYT vận hành như hiện nay là cần thiết, để cho mọi người quen mua bảo hiểm và thụ hưởng bảo hiểm, nhưng bây giờ phải thay đổi, nhất định phải thay đổi GS.TS Nguyễn Anh Trí |
* Nhưng trên thực tế, BHYT cũng có những đóng góp cho hoạt động khám chữa bệnh?
- Đúng vậy. Tôi cho rằng BHYT từ khi ra đời đến nay rất tốt, đặc biệt tốt cho Viện Huyết học truyền máu trung ương chúng tôi để điều trị bệnh ung thư ác tính. Tôi không phàn nàn gì về BHYT đối với viện chúng tôi. Nhưng xét về góc độ toàn quốc thì những cái tích cực của BHYT đang đến lúc không duy trì được nữa, vì một số lý do sau:
Thứ nhất, việc cấm cản bác sĩ thực hành chuyên môn. Điều đó đến một lúc nào đấy bị phá vỡ, không thể làm được vì người thầy thuốc có quyền cân nhắc dùng thuốc gì, làm xét nghiệm gì bởi hơn ai hết họ có trách nhiệm cao nhất trước tính mạng của người bệnh.
Thứ hai, bây giờ thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe sắp vỡ quỹ BHYT, hoặc vì “vượt trần nên bảo hiểm tích cực siết chi”... Điều này đương nhiên thôi.
Chúng ta mua bảo hiểm theo định mức, cán bộ nhân viên có định mức theo lương, người nghèo hay trẻ em dưới 6 tuổi có định mức của Chính phủ cho, nhưng sử dụng dịch vụ y tế thì người nào cũng hướng đến mức trần cao nhất, dù vô tình hay hữu ý.
Đó là chưa kể ai cũng được thụ hưởng ngang nhau về mức cao nhất, cái này là cái gốc của vấn đề. Với quy định này thì không vỡ quỹ BHYT mới lạ.
* Vậy theo giáo sư thì đâu là bản chất của vấn đề?
- Bản chất của bảo hiểm có hai thuộc tính không thể tách rời, đúng như lời ông Nguyễn Sinh Hùng khi còn làm phó thủ tướng khi bàn vấn đề này có nói với bên bảo hiểm và lãnh đạo ngành y tế: bảo hiểm phải có mệnh giá, thanh toán bảo hiểm phải theo trần của mệnh giá.
Cái gốc vấn đề là ở chỗ này. Như vậy sẽ không bao giờ vỡ quỹ cả, mua thì mua theo mệnh giá, tùy theo năng lực tài chính của gia đình, cá nhân để họ quyết định. Còn thanh toán theo đúng trần của mệnh giá mà người mua lựa chọn.
* Vậy với người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng liệu có bị ảnh hưởng khi tham gia BHYT?
- Những đối tượng này được Nhà nước mua BHYT cho rồi. Tuy nhiên, rồi đây cũng phải có mệnh giá và thanh toán theo trần của mệnh giá mà họ được Nhà nước mua cho. Nhà nước càng có điều kiện thì nên mua BHYT cho các đối tượng này ở mức trần cao nhất có thể.
* Theo ông, Luật bảo hiểm sẽ phải thay đổi?
- Đúng vậy. Phải thay đổi Luật BHYT. Điều này được nhiều cử tri có ý kiến. Sửa đổi để BHYT phải làm đúng công việc của bảo hiểm.
Luật phải sửa đổi để đảm bảo người có thẻ BHYT thuận lợi nhất trong việc lựa chọn địa điểm, tìm kiếm thầy thuốc để khám chữa bệnh. Sự thuận lợi này là rất cần, mà cần nhất là cho những người yếu thế trong xã hội.
Luật phải sửa để người có BHYT không bị hạn chế và họ được trực tiếp tham gia lựa chọn thuốc men, xét nghiệm, phác đồ điều trị, rồi các bác sĩ yên tâm dốc lòng chữa bệnh. Và để cả xã hội không phải thỉnh thoảng bị hốt hoảng với thông tin “vỡ quỹ” BHYT.
* Bà N.T.N. (63 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM): Thuốc không như ý Tôi mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 hơn 20 năm nay. Được bác sĩ tư vấn, tôi chuyển sang sử dụng thuốc tiêm để điều trị bệnh và thấy cơ thể khỏe khoắn lên nhiều, tăng được vài cân. Sau đó, tôi có đi khám BHYT, gặp bất kỳ bác sĩ nào tôi đều nói đang tiêm loại thuốc đó, bác sĩ có thể kê cho tôi loại thuốc đó nhưng bác sĩ trả lời không kê được. Tôi chỉ được kê một loại thuốc tiêm khác. THÙY DƯƠNG ghi |
* Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN (đại biểu Quốc hội):
BHYT còn nắm “đằng chuôi”, bệnh nhân còn khổ! Có một nghịch lý khi TP.HCM là nơi đón nhiều bệnh nhân nặng, sử dụng nhiều phương pháp y tế kỹ thuật cao nhưng kết dư BHYT có năm cả ngàn tỉ. Trong khi ở nhiều tỉnh thành khác, dịch vụ y tế kém hơn lại bội chi. Điều đó cho thấy quản lý chặt thì không lo vỡ quỹ, không lo tiêu cực. Vì sợ vỡ quỹ nên cơ quan chức năng chỉ có một biện pháp là siết chi. BHYT phải như một doanh nghiệp, phải tự tính toán để không vỡ quỹ chứ không phải dùng quyền để áp chế người tham gia BHYT phải chịu những quy định ngặt nghèo do mình đưa ra. Đến thời điểm này tôi cảm giác BHYT vẫn điều hành theo kiểu “người nắm tiền trong tay”, quên rằng tiền này của người dân chứ không phải là tiền của bảo hiểm. Cứ tự hào 82% dân tham gia BHYT nhưng thử hỏi là bao nhiêu người sử dụng BHYT một cách thực chất. * Ông Nguyễn Quang Tuấn (giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, đại biểu Quốc hội):
Chưa hiểu nhau! Gần đây bảo hiểm nâng “trần” kỹ thuật cao, trước đặt stent tim trần trên 40 triệu nhưng nay lên được gần 60 triệu. Việc nâng trần giúp người bệnh được chi trả cao hơn. Tuy nhiên cái cần thay đổi là cùng một kỹ thuật nhưng giá dịch vụ lại chi trả theo hạng bệnh viện, cùng bác sĩ đào tạo như nhau mà giá mỗi nơi mỗi khác, không công bằng khi chi trả cho thầy thuốc. Một vấn đề nữa là bảo hiểm quy định chỉ chi trả ví dụ như 45 người/bàn khám/ngày. Có người bức xúc vì họ là người thứ 46 trong ngày, bảo hiểm không trả nữa thì vô lý. Thật ra đây là quy định tốt của bảo hiểm, họ muốn đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh chứ không muốn bác sĩ khám cả trăm bệnh nhân/ngày. Nhưng không nên quy định cứng, theo tôi, nên quy định kiểu mỗi bàn khám tối đa là x bệnh nhân/ngày để có thể có số lượng du di. Ngoài ra, trường hợp đột xuất thì bảo hiểm nên cần có cách nhìn thỏa đáng. VIỄN SỰ - LAN ANH ghi |
Hướng dẫn đóng bảo hiểm theo mức lương cơ sở mới
Ngày 1/7, áp dụng mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng làm căn cứ tính mức đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN. |