Từ vụ việc gian lận điểm thi THPT ở một số địa phương bị phát hiện thời gian gần đây như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ hình thức thi trắc nghiệm, nhất là môn Toán để giảm được tiêu cực khi chấm thi. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Ngô Việt Trung - Nguyên Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để làm rõ hơn vấn đề này.
GS.TSKH Ngô Việt Trung - Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
- Thưa GS, là một nhà nghiên cứu về Toán học lâu năm, ông nghĩ sao về việc thi THPT quốc gia môn Toán bằng hình thức trắc nghiệm?
Về góc độ cá nhân, tôi không tán đồng cách thi toán bằng hình thức trắc nghiệm khách quan. Vì nó định hướng học sinh theo kiểu học chay và luyện sử dụng máy tính cầm tay. Cái đó rất nguy hiểm vì mục đích chính của môn toán dạy cho học sinh cách tư duy logic bên cạnh việc truyền thụ kiến thức toán học.
Nhiều giảng viên đại học phản ánh là sinh viên mới nhập học năm ngoái không biết phân tích một bài Toán dù là rất đơn giản, một việc chưa bao giờ xảy ra ở các năm trước. Do thi trắc nghiệm nên học sinh bây giờ không để tâm phân tích một bài toán mà chỉ tìm cách dự đoán kết quả và tính toán cho thật nhanh, không những sử dụng 1 máy tính mà thậm chí còn tới 2 máy tính.
- Theo ông, việc tổ chức thi THPT của chúng ta hiện nay có gì bất cập hay không?
Cách thức của Bộ GD&ĐT dường như phụ thuộc nhiều vào áp lực của dư luận và phụ huynh học sinh. Phụ huynh muốn đề thi dễ để con em mình được điểm cao thì đề thi năm 2017 ở mức dễ quá.
Các trường đại học phản ứng vì không thể dùng điểm thi để tuyển cho đúng người. Nhưng đề thi năm 2018 lại khó đến mức, ngay cả giáo viên dạy toán cũng không thể giải được trong thời gian quy định.
- Vậy Bộ GD&ĐT cần định hướng lại vấn đề thi cử theo hướng nào, thưa ông?
Theo tôi, vấn đề chính ở đây là Bộ GD&ĐT cần phải định hướng thi cử thế nào để học sinh học biết cách tư duy và có đủ những kiến thức cần thiết cho mọi ngành nghề sau này. Đề thi phải phân hoá được học sinh cho các bậc đại học, cao đẳng và dạy nghề.
Chúng ta không thể để tình trạng học sinh ai cũng có thể học đại học. Nhiều đại học thì giảng dạy như cao đẳng, trong khi các trường cao đẳng hay dạy nghề lại quá ít. Một xã hội cào bằng không sắp xếp được công ăn việc làm đúng với trình độ và khả năng sẽ không phát triển được.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, môn Toán vẫn được thi theo hình thức trắc nghiệm. Ảnh minh họa: Đình Tuệ. |
- Nhiều người cho rằng, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm thi trắc nghiệm của Mỹ vì thể hiện tính ưu việt. Ông đánh giá ra sao về ý kiến này?
Nhiều người hay so sánh việc thi trắc nghiệm ở nước ta với Mỹ nhưng họ không hiểu rằng, hệ thống giáo dục ở Mỹ hoàn toàn khác Việt Nam. Chương trình giảng dạy ở Mỹ phụ thuộc vào từng địa phương và từng trường và do đó có sự phân hóa rất rõ rệt. Vì vậy, họ mới có hệ thống thi trắc nghiệm để kiểm tra sơ bộ trình độ học sinh.
Tuy nhiên, các trường đại học Mỹ tuyển sinh viên không chỉ căn cứ vào điểm thi trắc nghiệm mà họ còn căn cứ vào việc học sinh đó học ở trường nào, chương trình ở trường đó ra sao và học sinh đã học các phần nào. Chỉ riêng mấy thứ đó thôi cũng đủ để họ đánh giá học sinh đó là có đủ kiến thức theo học đại học hay không.
Hệ thống giáo dục ở Việt Nam giống châu Âu ở chỗ, hệ thống trường học và chương trình giảng dạy thống nhất trong cả nước. Cũng chính vì lý do này mà các nước châu Âu tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho cả nước. Hay hãy nhìn các con rồng kinh tế quanh ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore xem họ tổ chức thi tốt nghiệp như thế nào để học.
Những nước này đều có truyền thống văn hoá giống Việt Nam. Tại sao lại đi học kiểu thi trắc nghiệm của Mỹ, nơi mà tổ chức giáo dục và văn hoá của Liên Hiệp quốc UNESCO chưa bao giờ đánh giá là hình mẫu cho các nước khác học tập cả. Thậm chí, các nhà khoa học đều đánh giá không cao hệ thống giáo dục phổ thông ở Mỹ so với các nước phát triển trên thế giới.
- Ông có nghĩ rằng, thi trắc nghiệm sẽ đỡ tốn kém và tiện cho việc chấm thi hay không?
Nhiều người cho rằng thi trắc nghiệm là đỡ tốn kém và chính xác hơn trong việc đánh giá trình độ học sinh một cách đại trà. Tôi nghĩ là Bộ GD&ĐT nợ công luận một sự so sánh về kinh phí thi trắc nghiệm so với cách thi truyền thống trước kia.
Còn về việc đánh giá trình độ học sinh, chúng ta đã thấy những học sinh có học lực yếu hay những địa phương có kết quả thi cử xưa nay kém lại có thể đạt kết quả thi tốt hay thậm chí xuất sắc. Tôi chưa thấy thi trắc nghiệm hay hơn cách thi truyền thống trước kia ở điểm nào.
Cái làm tôi lo nhất là với việc thi trắc nghiệm, chúng ta sẽ vô hình chung tạo ra một lớp người không biết nghĩ một cách tử tế mà chỉ biết phán đoán một cách máy móc theo chủ quan.
Trong một thế giới phẳng như hiện nay, những con người như vậy không thể giúp Việt Nam đuổi kịp các nước các nước láng giềng như Malaysia hay Thái Lan chứ đừng nói đến việc trở thành một con rồng về kinh tế như Hàn Quốc hay Singapore. Các nhà hoạch định chính sách giáo dục ở nước ta cần cân nhắc và suy nghĩ đến chuyện này một cách thấu đáo để có định hướng đúng đắn trong tương lai.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
13 điểm vẫn có cơ hội đỗ Học viện Nông nghiệp, thực tập nước ngoài lương 250 triệu đồng/năm
Theo đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên học tại trường nếu đủ điều kiện có thể được đi thực tập ở ... |
Lời khuyên của Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho thí sinh thay đổi nguyện vọng để có khả năng trúng tuyển
Sáng 15/7, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng đã có những lời khuyên dành cho các em thí sinh trước ... |
Ngưỡng điểm để thí sinh nộp hồ sơ vào Học viện Tài chính năm 2018
Học viện Tài chính vừa công bố mức điểm đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2018 để các thí sinh cân nhắc, chuẩn bị ... |
Sở Giáo dục Hà Giang nói gì về nghi vấn điểm thi THPT 2018 cao 'bất thường'?
Sau khi phổ điểm thi THPT quốc gia 2018 được Bộ GD&ĐT công bố ngày 11/7, nhiều người đặt nghi vấn khi một số em ... |
Giáo dục 23:21 | 11/08/2018
Thời sự 01:13 | 06/08/2018
Thời sự 00:32 | 05/08/2018
Thời sự 14:01 | 24/07/2018
Thời sự 00:54 | 24/07/2018
Giáo dục 23:11 | 22/07/2018
Giáo dục 17:11 | 20/07/2018
Pháp luật 14:37 | 20/07/2018