Tranh cãi
2 tháng sau khi cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam lại trở thành đề tài nóng trên truyền thông. Chiều 21/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải có buổi làm việc Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch (VHTTDL), Hội Điện ảnh và đại diện các nghệ sĩ của Hãng.
Sau khi nghe các bên trình bày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện.
Trước đó, việc cổ phần hóa Hãng phim truyện đã gây ra sự tranh cãi gay gắt ngay trong ban giám đốc, trong nội bộ các nghệ sĩ đang làm việc ở hãng và những người đã nghỉ hưu. Phó Giám đốc Nguyễn Thanh Vân và nhiều đồng nghiệp khác cho rằng, quá trình cổ phần hóa được tiến hành một cách quá vội vàng, có nhiều điều khuất tất.
Cổ đông chiến lược là Tổng công ty vận tải thủy Vivaso không hề có ý định làm điện ảnh. Mục đích của họ chỉ là nhằm sở hữu những khu đất vàng mà Hãng phim truyện Việt Nam đang sở hữu.
Các nghệ sĩ cũng phản đối kế hoạch mà họ đưa ra. Theo đó, mỗi năm hãng chỉ làm 2 phim, điều này đồng nghĩa với 2 đạo diễn có công ăn việc làm, còn 8 đạo diễn còn lại sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp triền miên. Điều này cũng sẽ xảy ra với những bộ phận khác như kỹ thuật, quay phim, hậu kỳ...
Đáp lại, Vivaso khẳng định, họ đang tìm kịch bản phim. Họ sẽ không trả lương cho những người không tới cơ quan làm việc, hoặc đến mà không làm gì. Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty - ông Nguyễn Thủy Nguyên từng gay gắt đặt câu hỏi: "Có những người ba năm không tới Hãng làm việc, nhưng vẫn nhận lương và đóng bảo hiểm đầy đủ. Tôi không hiểu, những người đó nghĩ gì?".
Trong cuộc tranh cãi này, ai cũng có lý do chứng minh cho quan điểm của mình. Những nghệ sĩ của Hãng phim truyện có quyền sốt ruột khi ngôi nhà mà họ gắn bó bao nhiêu năm bị bán cho một doanh nghiệp lại chẳng hiểu gì về điện ảnh. Hai tháng sau khi cổ phần hóa, họ chưa nhận được bất cứ kế hoạch nào phát triển hãng phim mà chỉ thấy, từng tấc đất của hãng được đưa ra cho hàng phở, hàng bán chân gà nướng cho thuê.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, để xảy ra tình trạng này, lỗi phần lớn thuộc về những nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam.
"Ăn mày dĩ vãng"
Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập vào năm 1953, thuộc Bộ VHTTDL. Hãng đã sản xuất được hơn 400 bộ phim nghệ thuật và tài liệu. Trong đó, có những bộ phim gây tiếng vang không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế như: Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Đời cát...Các bộ phim của Hãng, không chỉ mang yếu tố nghệ thuật mà còn phục vụ tốt cho quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Tuy nhiên, kể từ sau phim Đời cát được sản xuất vào năm 2000, dường như Hãng phim truyện Việt Nam chưa có tác phẩm nào thực sự ấn tượng. Hãng còn có "công lớn" trong việc tạo nên một dòng phim mà giới trong nghề đau xót gọi là "phim cúng cụ" - tức là những bộ phim được nhà nước rót một số tiền lớn để đầu tư, nhưng khi sản xuất xong, phim chỉ được chiếu vào các dịp lễ kỷ niệm, sau đó đem vào kho cất, và gần như không có khán giả.
Vào 2014, nhà nước đổ 21 tỷ đồng để cho Hãng phim truyện Việt Nam thực hiện bộ phim Sống cùng lịch sử. Dù ê-kíp làm phim rất tâm huyết nhưng tác phẩm của họ không hút khán giả. Hàng loạt các rạp phải hủy suất chiếu phim vì chỉ bán được vài ba vé. Thậm chí, có thông tin ở rạp Quốc gia, số vé Sống cùng lịch sử bán được là số 0.
Trước thông tin này, đạo diễn Thanh Vân đã lên tiếng. Ông khẳng định có đủ bằng chứng để kiện những ai tung tin phim không bán được vé nào ở rạp Quốc gia. Tuy nhiên, vị đạo diễn này cũng phải ngậm ngùi thừa nhận, Sống cùng lịch sử không phải là bộ phim hút khán giả. Đó là bộ phim dùng cho những ngày lễ lớn của dân tộc.
Vào năm 2004, bộ phim Ký ức Điện Biên được nhà nước rót vốn 13 tỷ đồng nhưng cũng chỉ được dùng để chiếu trong những ngày lễ lớn của đất nước.
Những bộ phim như Sống cùng lịch sử, Ký ức Điện Biên không phải là hiếm trong khoảng thời gian gần 20 năm tồn tại gần đây của Hãng phim truyện. Từ một đơn vị dẫn đầu, Hãng phim đã dần trở nên vắng bóng trong các sự kiện điện ảnh của đất nước.
Vào khoảng năm 2009, thậm chí dư luận còn đặt ra câu hỏi, liệu có nên tiếp tục duy trì Hãng phim truyện Việt Nam. Hãng không sản xuất được bộ phim nào, lương cán bộ công nhân viên thậm chí chỉ bằng một nửa so với mặt bằng chung.
Trước đòi hỏi sống còn, Hãng phim truyện Việt Nam chuyển đổi mô hình tổ chức. Từ đơn vị nhà nước chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vào năm 2009. Tuy vậy, tình hình cũng không khá khẩm hơn. Suốt 3 năm sau đó, Hãng không có phim để làm. Bộ phim Những người viết huyền thoại là tác phẩm duy nhất nhưng lại lấy nguồn kinh phí từ năm 2009 - tức là trước khi hãng chuyển đổi và số tiền đó, đương nhiên vẫn là từ ngân sách nhà nước.
Hãng phim truyện Việt Nam cơ sở đổ nát, suốt nhiều năm không có một bộ phim hấp dẫn.
Kẻ sỹ lỗi thời
Điều đáng ngạc nhiên là Hãng phim truyện Việt Nam đứng trên bờ vực của sự xóa sổ đúng vào thời điểm không khí điện ảnh đang trở nên rộn rã. Hàng loạt hãng phim tư nhân ra đời. Nhiều người đổ xô vào sản xuất phim và họ kiếm được lời. Những bộ phim Việt đang bán được vé, tạo nên sự cạnh tranh lớn đối với những bộ phim bom tấn nước ngoài. Thậm chí, một số bộ phim Việt đã xô đổ kỷ lục phòng vé tại các rạp chiếu phim Việt Nam.
Tại các lễ trao giải lớn của Điện ảnh nước nhà, cái tên Hãng phim truyện dường như mất tăm mất tích.
Hãng phim truyện Việt Nam có người tài không? Có chứ. Đạo diễn Thanh Vân là một trong những tên tuổi lớn của nền điện ảnh Việt. Ông là cha đẻ của những bộ phim gây tiếng vang như: Cây bạch đàn vô danh, Đời cát, Trái tim bé bỏng....Ai có thể nghi ngờ được tài năng của đạo diễn Phi Tiến Sơn, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn? Mấy ai vỗ ngực tự hào quay phim đẹp hơn Lý Thái Dũng?
Và tâm huyết của họ, như một lẽ dĩ nhiên, chẳng ai có thể nghi ngờ. Hãy nhìn vào cách đạo diễn Thanh Vân và vợ - Đạo diễn Nhuệ Giang cống hiến cho điện ảnh. Với họ, việc làm phim dường như không phải là công việc mà là lẽ sống, là niềm vui lớn nhất. Bao nhiêu năm qua, họ vẫn sống trong căn gác nhỏ nơi mà đạo diễn Nhuệ Giang sinh ra và lớn lên. Tài sản lớn của hai vợ chồng họ, dường như chỉ là những bộ phim.
Tại Hãng phim truyện Việt Nam, những con người đam mê, đầy tài năng, luôn có khát khao cống hiến như đạo diễn Thanh Vân, không phải là hiếm. Thế nhưng, tại sao Hãng vẫn không cho ra mắt được bộ phim gây chú ý. Tại sao, họ vẫn không thể sống được bằng sản phẩm của mình, mà vẫn dựa hoàn toàn vào nguồn trợ cấp từ nhà nước, vẫn tơ tưởng mãi "bầu sữa bao cấp"?
Vào năm 2004, đạo diễn nổi danh Đặng Nhật Minh đã đưa ra lời cảnh báo gây sốc "Lời ai điếu cho một nền điện ảnh công chức". Sự suy sụp của Hãng phim truyện Việt Nam, dường như đã được báo trước.
"Hãng phim truyện Việt Nam luôn được dẫn dắt bởi những cây đa, cây đề trong nền điện ảnh nước nhà, giỏi về chuyên môn, nghệ thuật; nhưng ở mặt thương trường, họ là những kẻ sỹ lỗi thời, ngây ngô, lười nhác, thụ động, mù tịt về chuyện làm ăn." |
Lý do cho sự suy sụp này thì có nhiều. Nhưng có lẽ, nguyên nhân lớn nhất là các nhà làm phim đã không nắm được nhu cầu của khán giả, không vặn mình theo xu hướng của xã hội. Họ cứ ham muốn làm những tác phẩm "kinh điển", tự sướng với nhau, làm ra rồi tự khen với nhau để rồi phim cất vào kho chỉ sau ngày công chiếu.
Mặt khác, lãnh đạo hãng phim thiếu người có tầm nhìn bao quát. Không thể phủ nhận, bao nhiêu năm qua, Hãng phim truyện Việt Nam luôn được dẫn dắt bởi những cây đa, cây đề trong nền điện ảnh nước nhà, giỏi về chuyên môn, nghệ thuật; nhưng ở mặt thương trường, họ là những kẻ sỹ lỗi thời, ngây ngô, lười nhác, thụ động, mù tịt về chuyện làm ăn.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng than thở, xã hội Việt Nam không thiếu những trường hợp đổi một chuyên gia giỏi để lấy một anh quản lý kém.
Chính vì thế, khi định giá trước cổ phần hóa, giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0. Với các nghệ sĩ gắn bó với Hãng phim, coi nó là máu thịt, với những người sẵn sàng đánh đổi của tính mạng để làm nên những tác phẩm kinh điển, đó là sự xúc phạm. Họ nổi giận, họ chua xót, họ đau đớn, đó là điều dễ hiểu nhưng phía ban cổ phần không hoàn toàn vô lý.
Theo luật, thương hiệu của doanh nghiệp chỉ được đánh giá dựa vào kết quả kinh doanh của 5 năm gần thời điểm cổ phần hóa. Áp dụng theo luật đó, giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện đúng là yếu thế.
Vivaso toan tính gì?
Công ty vận tải thủy Vivaso không có chút gì liên quan hay dính dáng tới nghệ thuật. Hơn thể nữa, trong thời điểm thâu tóm Hãng phim truyện Việt Nam, phía Vivaso cũng đang làm ăn thua lỗ.
Thế nên, người ta có quyền đặt câu hỏi, tại sao doanh nghiệp này chấp nhận 7 tiêu chí mà Bộ VHTTDL đưa ra khi cổ phần hóa Hãng phim truyện. Đáng nói hơn, một vài trong số đó rất khó thực hiện như: 90% doanh thu phải từ sản xuất phim; trả các khoản nợ trước đó của Hãng; đầu tư cơ sở sản xuất phim; tuân thủ phương án sử dụng đất đã được duyệt; sử dụng toàn bộ số lao động hiện có; sử dụng tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu cho việc sản xuất phim.
Tuy nhiên, dù ký vào cam kết nhưng khi làm chủ hãng phim, Vivaso chưa thực hiện. Theo chia sẻ của đạo diễn Quốc Tuấn, ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vivaso từng tuyên bố trước mặt cán bộ, nhân viên của Hãng rằng: "Tôi chẳng biết gì về điện ảnh".
Diễn viên phim Người thổi tù và hàng tổng còn cho biết thêm, khi các đạo diễn trong Hãng phim đưa lên kế hoạch phát triển cho thời gian tới, ông Thủy Nguyên gạt phắt đi chỉ trong vòng 5 giây.
Với tuyên bố ấy và hành động đó, đạo diễn Quốc Tuấn và nhiều người khác có quyền nghi ngờ. Tại sao một doanh nhân lọc lõi như ông Thủy Nguyên lại quyết định đầu tư vào một lĩnh vực ông không biết và cũng không có ý định tìm hiểu, nhất lại vào thời điểm, công ty của ông đang làm ăn thua lỗ.
Sẽ còn thêm nhiều dấu hỏi khi Hãng phim truyện Việt Nam dù đang sống lay lắt nhưng lại sở hữu những khu đất đắt đỏ nhất. Ngoài 500 m2 ở mảnh đất vàng Thụy Khuê, họ còn 7000 m2 ở Cổ Loa, 1000 m2 ở Hoàng Hoa Thám, 1000 m2 ở quận 1 TP.HCM. Chỉ tính sơ sơ, giá trị số đất này đã lên tới 2000 tỷ đồng.
Video: Đạo diễn Quốc Tuấn cho rằng, cuộc cổ phần hóa ở hãng phim là "nhục nhã, đấm nước mắt"