Báo cáo thị trường văn phòng mới nhất của Saviils Việt Nam cho thấy, mô hình làm việc co-working có xu hướng tăng trưởng chậm trong năm 2021, khi nguồn cung tăng trưởng ở mức 3% với tổng diện tích 83.500 m2. Trong khi đó, mức tăng trưởng ở năm 2020 là 6%.
Có ba dự án co-working mới cung cấp cho thị trường tổng diện tích thuê 4.300 m2 với quy mô nhỏ, song lại có 4 dự án đóng cửa với tổng diện tích 2.100 m2 .
Với nguồn cung mới ít ỏi, công suất trung bình toàn thị trường co-working tăng 7 điểm phần trăm theo năm, giá trung bình ổn định theo năm ở mức 5,9 triệu đồng/vị trí/tháng.
Co-working trong các tòa văn phòng Hạng B có công suất trung bình cao nhất thị trường ở mức 84%, kế đến là ở các tòa hạng A với 82%. Năm 2022, nhu cầu mở địa điểm co-working có triển vọng tăng trưởng.
Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc bộ phận Cho thuê Thương mai của Savills chia sẻ: "Thị trường văn phòng phục hồi sau giãn cách với nhu cầu cao và nguồn cung hạn chế. Co-working trở nên phổ biến nhờ tối ưu chi phí.
Ngành công nghệ thông tin là nhóm khách thuê năng động nhất, đang tìm kiếm diện tích thuê tại cả ba hạng văn phòng. Mặc dù nguồn cung khan hiếm, giá thuê gần như không tăng do tỷ lệ hấp thụ tại các văn phòng cỡ nhỏ đang chậm lại".
Trong khi co-working tăng trưởng chậm, mô hình kết hợp làm việc tại văn phòng và làm việc từ xa (hybrid working) lại đón nhận sự quan tâm từ các chủ doanh nghiệp sau giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài.
Trao đổi với người viết, đại diện một đơn vị phát triển Co-working cho biết, đối với văn phòng truyền thống, doanh nghiệp thường thuê 6 - 10 m2 cho một nhân sự và trả chi phí thuê và đầu tư ban đầu; tiền điện, nước, internet; chi phí vệ sinh, lễ tân, hỗ trợ kỹ thuật;… Tất cả những khoản này là chi phí cố định phải trả hàng tháng.
Còn với co-working, doanh nghiệp chỉ cần thuê khoảng 2 - 2,5 m2/người và được tận dụng những tiện ích, không gian chung; chi phí có thể linh động theo nhu cầu của doanh nghiệp, từ quy mô đến thời hạn chi trả.
"Tuy nhiên, rất khó để so sánh giữa các mô hình văn phòng cho thuê, bởi mỗi mô hình văn phòng đều có ưu điểm phù hợp với từng quy mô doanh nghiệp. Sẽ không có mô hình nào thay thế mô hình nào", đại diện đơn vị này chia sẻ.
Đồng quan điểm, các chuyên gia Savills cho rằng, mô hình văn phòng truyền thống và Co-working hướng đến những đối tượng khác nhau.
Với văn phòng truyền phống, khách thuê thường là các tập đoàn lớn, đa quốc gia, chú trọng nghiên cứu thị trường trong giai đoạn 5 - 10 năm. Ngược lại, các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ lại lựa chọn Co-working để tiết giảm chi phí.
Theo Savills, Co-working vẫn còn nhiều "đất diễn" trong thời gian tới, bởi Việt Nam hiện có lượng lớn các doanh nghiệp SMEs. Riêng tại Hà Nội, dự kiến sẽ có thêm khoảng 150.000 doanh nghiệp khởi nghiệp mới trong vòng 5 năm tới.