Doanh nghiệp chuộng Co-working sau dịch, văn phòng truyền thống có bị thế chỗ?

Sau giãn cách, nhu cầu tìm không gian làm việc chung (Co-working) của doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng đáng kể. Song các chuyên gia cho rằng, Co-working sẽ không thay thế văn phòng truyền thống, bởi mỗi mô hình hướng đến các đối tượng doanh nghiệp khác nhau.
Coworking nhiều 'đất diễn' nhưng không  - Ảnh 1.

Một không gian làm việc chung tại Hà Nội. (Ảnh: Toong).

Co-working hút khách sau giãn cách

Nếu như năm 2020 là bức tranh ảm đạm của thị trường văn phòng, thì 6 tháng đầu năm 2021 lại chứng kiến sự hồi phục của phân khúc bất động sản này ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM.

CBRE Việt Nam cho hay, thị trường vẫn ghi nhận mức độ hấp thụ tích cực bất chấp thời gian phong tỏa kéo dài. Các dự án hiện hữu duy trì hiệu suất ổn định. Tỷ lệ trống tại cả hai thành phố được cải thiện, nhờ tỷ lệ hấp thụ dương tại các dự án mới khai trương.

Trong quý III, thị trường văn phòng Hà Nội ghi nhận hơn 600.000 m2 sàn hạng A và gần một triệu m2 sàn hạng B. Trong khi đó, TP HCM đón nguồn cung mới gần 500.000 m2 sàn hạng A và hơn 950.000 m2 sàn hạng B.

Những ngày đầu quý IV, thị trường văn phòng tiếp tục ghi nhận những dấu hiệu khởi sắc. 

Đơn cử như Toong - một thương hiệu Co-working ở TP HCM, 6 tuần sau giãn cách, lượng khách hàng mới gia nhập vào mạng lưới này tăng lên 30%.

Ngay sau khi nới lỏng giãn cách, đơn vị này đã đưa vào vận hành mới không gian Co-working hơn 1.000 m2 tại phường 4, quận Tân Bình. Toong cho biết, đây là không gian văn phòng đầu tiên ra mắt ở TP HCM sau đợt giãn cách thứ 4.

Vào cuối tháng 11, một không gian mới của Toong ở quận 3 cũng "chào sàn". Trong thời gian hoàn thiện trước đó, 90% diện tích của chi nhánh này đã được khách hàng doanh nghiệp đặt chỗ trước.

Tại Hà Nội, Toong đang hợp tác với tòa nhà Indochina Plaza Hanoi (đường Xuân Thủy, Cầu Giấy) để phát triển không gian Co-working.

"Tỷ lệ lấp đầy của các địa điểm khác do Toong đang vận hành đạt trung bình 85%. Trong 6 tuần sau giãn cách, doanh thu trên toàn hệ thống của Toong đã đạt mức tương đương trước khi TP HCM siết chặt các lệnh giãn cách xã hội vào tháng 6", ông Đỗ Sơn Dương, CEO Toong cho biết.

Theo ông Dương, dự kiến doanh thu của Toong sẽ còn cao hơn vào những tháng cuối năm, khi một loạt các công ty với quy mô nhân sự lớn đang tiến hành chuyển từ sử dụng văn phòng truyền thống sang Co-working...

Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam chia sẻ, Việt Nam sở hữu một hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) mạnh mẽ, cùng với nền tảng khởi nghiệp năng động.

"Chủ của những doanh nghiệp này thường không sử dụng không gian văn phòng truyền thống, do đó Co-working đã và đang phát triển rộng rãi.

Khi hoạt động kinh doanh của những khách thuê này phát triển hơn, họ sẽ cần những không gian văn phòng chính thức, từ đó làm gia tăng nguồn cầu cho thị trường văn phòng trong nước, đồng thời thúc đẩy mô hình làm việc kết hợp.

Sau đợt giãn cách xã hội kéo dài vừa qua cùng với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp SMEs, mô hình văn phòng truyền thống có thể sẽ gặp phải thách thức", theo ông Troy Griffiths.

"Co-working không thay thế văn phòng truyền thống"

Doanh nghiệp chuộng Coworking sau dịch, mô hình văn phòng truyền thống có bị thế chỗ? - Ảnh 2.

Co-working hướng đến đối tượng những công ty khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. (Ảnh: Cogo).

Co-working space (không gian làm việc chung) không còn là khái niệm xa lạ với giới văn phòng. Trên thực tế, mô hình này đã xuất hiện ở Việt Nam cách đây hơn 10 năm, theo CBRE.

So với các văn phòng truyền thống, Co-working có lợi thế là chi phí, giá thành rẻ hơn; không gian được tối ưu hơn trong khi các tiện ích cơ bản vẫn được đảm bảo. Thị trường Co-working hiện nay đã có sự gia nhập của nhiều thương hiệu lớn như Toong, Hanoihub, Circo, Cogo...

Trao đổi với người viết, đại diện một đơn vị phát triển Co-working cho biết, đối với văn phòng truyền thống, doanh nghiệp thường thuê 6 - 10 m2 cho một nhân sự và trả chi phí thuê và đầu tư ban đầu; tiền điện, nước, internet; chi phí vệ sinh, lễ tân, hỗ trợ kỹ thuật;… Tất cả những khoản này là chi phí cố định phải trả hàng tháng. 

Còn với Co-working, doanh nghiệp chỉ cần thuê khoảng 2 - 2,5 m2/người và vẫn được tận dụng những tiện ích, không gian chung; chi phí có thể linh động theo nhu cầu của doanh nghiệp, từ quy mô đến thời hạn chi trả.

"Tuy nhiên, rất khó để so sánh giữa việc thuê văn phòng truyền thống và Co-working mô hình nào tốt hơn, bởi mỗi mô hình văn phòng đều có ưu điểm phù hợp với từng quy mô doanh nghiệp. Sẽ không có mô hình nào thay thế mô hình nào", đại diện đơn vị này chia sẻ.

Đồng quan điểm, các chuyên gia Savills Việt Nam cho rằng, mô hình văn phòng truyền thống và Co-working hướng đến những đối tượng khác nhau.

Với văn phòng truyền phống, khách thuê thường là các tập đoàn lớn, đa quốc gia, chú trọng nghiên cứu thị trường trong giai đoạn 5 - 10 năm. Ngược lại, các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ lại lựa chọn Co-working để tiết giảm chi phí. 

Theo Savills, Co-working vẫn còn nhiều "đất diễn" trong thời gian tới, bởi Việt Nam hiện có lượng lớn các doanh nghiệp SMEs. Riêng tại Hà Nội, dự kiến sẽ có thêm khoảng 150.000 doanh nghiệp khởi nghiệp mới trong vòng 5 năm tới.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.