Covid-19 trở thành lực đẩy cho các phân khúc bất động sản mới

Theo Colliers Việt Nam, dịch Covid-19 đã tác động đến tính thanh khoản của nhiều phân khúc trên thị trường bất động sản. Mặc dù vậy, vẫn có một số phân khúc mới có thể biến dịch bệnh thành động lực để tăng trưởng.
COVID-19 trở thành lực đẩy cho một số phân khúc bất động sản mới nổi - Ảnh 1.

Dịch Covid-19 khiến nhu cầu bất động sản kho lạnh gia tăng. (Ảnh minh họa: Báo Công thương).

Dù chỉ mới xuất hiện trên thị trường vài năm gần đây, song Co-working Space, BĐS trung tâm dữ liệu và BĐS kho lạnh là những phân khúc có khả năng mang đến dòng tiền ổn định trong bối cảnh dịch bệnh.

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho biết, Co-working Space (hay không gian làm việc chung) là một dạng BĐS văn phòng linh động cho người thuê về mặt thời gian, kỳ hạn, phương thức thuê và tiết kiệm chi phí dịch vụ.

Tại Việt Nam, phân khúc này đang chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều thương hiệu, một phần quan trọng đến từ việc nắm bắt nhu cầu của thị trường.

Trong khi đó, tỷ lệ thuê văn phòng truyền thống được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do dịch bệnh.

Colliers dự báo, sẽ có khoảng 50 - 70% doanh nghiệp tại các thành phố lớn sẽ có nhu cầu sử dụng văn phòng Co-working trong vòng 1 - 3 năm tới. 

Tốc độ tăng trưởng trung bình của phân khúc này tại Việt Nam dự kiến khoảng trên 55% mỗi năm. Nguyên nhân là bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ khiến cho các mô hình làm việc từ xa, làm việc linh động dần trở nên phổ biến.

Đối với trung tâm dữ liệu, Colliers cho biết, doanh thu toàn cầu của phân khúc cho thuê không gian đặt máy chủ dự kiến sẽ đạt hơn 58 tỷ USD vào năm 2025.

Các nhân tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của phân khúc này gồm đà phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sự gia tăng nhanh chóng của số người sử dụng điện thoại thông minh, điện toán đám mây và internet vạn vật (IoT).

Cùng với đó, phân khúc BĐS trung tâm dữ liệu ít bị ảnh hưởng hơn bởi các yếu tố thường tác động đến thị trường nói chung chẳng hạn như thông tin quy hoạch, hiệu ứng đám đông, dịch bệnh... 

Về dài hạn, nhà đầu tư có thể có dòng tiền khá ổn định. Dù vậy, phân khúc này cũng yêu cầu vốn đầu tư ban đầu khá lớn.

Hiện Việt Nam hiện có khoảng 27 trung tâm dữ liệu, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng hay Bình Dương. Việt Nam cùng với Indonesia được dự báo sẽ là những thị trường trung tâm dữ liệu nóng nhất khu vực trong vòng 5 năm tới.

Cuối cùng là BĐS kho lạnh, trong năm 2020, thị trường kho lạnh toàn cầu đạt giá trị hơn 107 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) dự báo đạt khoảng 13,5% trong giai đoạn 2021 - 2028.

Dịch Covid-19 đã và đang thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Tại Việt Nam, việc mua sắm online dần phổ biến càng tăng thêm sự cần thiết của hệ thống kho lạnh. 

Ngoài ra, là nước có nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản xuất khẩu, hệ thống kho lạnh giúp doanh nghiệp cung cấp được số lượng hàng hóa đến với nhiều quốc gia, tránh tình trạng tồn kho hàng hóa. Trong thời gian Covid-19, nhiều đơn hàng xuất khẩu đã bị hủy và tạo áp lực lớn lên hệ thống kho lạnh. 

Với những yếu tố đó, phân khúc BĐS kho lạnh được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng lớn.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.