Đến một giai đoạn nhất định nào đó (khoảng hơn 1 tuổi - 3 tuổi), bố mẹ sẽ phải đau đầu khi đối mặt với “vấn đề” mới của bé, đó là nói bậy. Phản ứng chung của bố mẹ, người lớn khi bé nói bậy là cuống cuồng, nháo nhào và tìm mọi cách đe nẹt, ngăn cảm, cấm đoán, thậm chí là đánh đòn để bé nhớ và không dám nói bậy nữa. Tuy nhiên mọi cách làm trên đều phản tác dụng, bé sẽ càng sử dụng câu nói bậy với tần suất nhiều hơn, nói bậy mọi lúc mọi nơi.
(Ảnh: Báo mới) |
Nhiều bố mẹ chưa hiểu quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ, đã vội quy cho trẻ tội “hư” vì nói bậy. Thực ra bé đang trong giai đoạn hào hứng với niềm vui khi nhận ra sức mạnh của ngôn ngữ. Mỗi khi trẻ nói bậy hoặc nói những lời thô tục, bố mẹ thường tìm cách ngăn chặn, uốn nắn đồng thời cảm thấy tức giận vì bé lại dám nói những câu vô văn hóa như thế. Những hành động này chỉ càng khiến cho bé cảm nhận sâu sắc được uy lực của từ ngữ có hiệu quả mạnh, và bé càng hào hứng hơn. Dần dần bé sẽ nói bậy nhiều hơn.
Thực chất, bé đang trong giai đoạn nhạy cảm về ngôn ngữ, điều bố mẹ cần làm đó là hiểu giai đoạn này của con, từ đó mới có thể bình tĩnh xử trí vấn đề hóc búa này.
Đối mặt với thời kỳ nhạy cảm về những câu nói bậy của trẻ, cách tốt nhất là lờ đi, không thể hiện bất cứ sự phản ứng nào. Khi bé phát hiện ra sức mạnh của ngôn ngữ, bé một mặt sẽ chơi trò chọc giận bố mẹ bất cứ lúc nào, mặt khác sẽ đo thử chỉ số sức mạnh của ngôn ngữ. Thấy những lời mình nói ra nhận được sự phản ứng dữ dội của mọi người…bé sẽ vô cùng thích thú.
Uốn nắn hành vi của bé, ngăn chặn, nổi giận hoặc năn nỉ đều không phải là cách xử trí khoa học. Đối mặt với thời kỳ nhạy cảm này của con, bố mẹ cần nhớ nguyên tắc: Lờ đi, không có bất cứ phản ứng gì.
(Ảnh: Báo mới) |
Dùng từ ngữ có hiệu quả mạnh là bé đang kiểm chứng sức mạnh của ngôn ngữ. Cùng với sự nâng cao về khả năng ngôn ngữ, bé sẽ không thỏa lòng với việc lặp đi lặp lại và bắt chước nữa, sự tìm kiếm và thử nghiệm lại khiến bé phát hiện ra những bí ẩn của ngôn ngữ. Hóa ra ngôn ngữ có sức mạnh. Khi một câu nói bật ra sẽ mang đến một hiệu quả lớn không ngờ. Những lời lẽ có uy lực giống như một lưỡi kiếm hoặc một con dao có thể đâm thương người khác. Thế là thời kì nhạy cảm về những câu nói tục của bé cũng âm thầm bắt đầu.
Khi bé nói ra những điều không hay, cha mẹ chớ nên có biểu hiện ngạc nhiên hay phẫn nộ. Nếu bé đã lớn, cha mẹ có thể bình tĩnh xử lý cho bé có thời gian độc lập suy nghĩ, để bé tự nhận thức xem mình đã nói sai ở đâu.