Cụ bà chạy thận 'sống' nhờ những bài thơ tình của chồng

Bà Tảo đọc lại những bài thơ của chồng đều đặn mỗi tối, coi đó là động lực để vượt qua nỗi đau bệnh tật.

Buổi tối mùa hè, trong căn nhà trọ chừng 10 m2 ở xóm chạy thận Bạch Mai, vang lên giọng đọc của người phụ nữ chừng 60 tuổi. Dưới ánh đèn yếu, bà Phạm Thị Tảo giơ tờ giấy sát mắt, chậm chạp đánh vần từng dòng. Bình thường tầm này bà Tảo đi bán nước, nhưng dạo gần đây mệt nên chỉ ở nhà. Người phụ nữ có nước da tái xám xoa nhẹ cánh tay sưng nề, chi chít băng y tế. Bà ngồi một lát là buốt lưng nên phải nhanh chóng nằm xuống nhưng ánh mắt rạng rỡ khi nhắc về những bài thơ đang đọc dở:

"Thơ chồng tôi viết đấy. Ông ấy giỏi văn chương và nổi tiếng chiều vợ nhất xã", bà Tảo nói.

Bà Tảo quê ở Khoái Châu, Hưng Yên, lên Hà Nội chạy thận đã 12 năm. Suốt khoảng thời gian đó, ông Hữu Nhan, chồng bà, đều đặn viết tặng vợ những bài thơ thể hiện sự nhớ nhung, mong ngóng. Bà Tảo giữ thói quen đọc thơ của chồng trước khi ngủ hoặc lúc rảnh rỗi. Bà bảo đó là cách tự khích lệ bản thân trong những ngày một mình chống chọi bệnh tật nơi đất khách quê người.

cu ba chay than song nho nhung bai tho tinh cua chong
Bà Tảo đọc lại những bài thơ của chồng trước khi ngủ.

Lấy chồng xấu để được chiều

17 tuổi, cô thôn nữ tên Tảo nổi tiếng trong làng nhờ đẹp người, đẹp nết. Cô được nhiều đám sang hỏi nhưng chưa ưng ai, chỉ mải việc ở hợp tác xã nông nghiệp. Lúc đó có anh bộ đội Hữu Nhan mới xuất ngũ về làng, mến cô nên nhờ người sang đánh tiếng. Thấy anh Nhan gầy bé, làn da xanh xao lại nhà nghèo nên mẹ Tảo không đồng ý. Nhưng cô thôn nữ trót mê tài ăn nói của anh nên chép miệng: "Lấy người xấu sau này người ta chiều".

Anh Nhan vừa nhận cái gật đầu của cô Tảo thì phải lên Tam Điệp, Ninh Bình học nghề lái máy xúc. Những ngày xa cách, anh gửi trọn nhung nhớ vào những cánh thư tình. Mỗi bài thơ đều thể hiện sự lo lắng, tâm trạng bồn chồn vì người yêu ở nhà có nhiều người săn đón. Chưa đầy một năm yêu xa, những bức thư anh gửi về xếp thành một xấp. Dịp Tết năm 1978, anh tranh thủ về thăm nhà được vài ngày thì sang xin phép gia đình Tảo được "cưới liền tay".

Cuộc sống làm dâu của cô Tảo là chuỗi ngày xa chồng đằng đẵng. Cưới xong, anh về Ninh Bình dạy lái máy xúc, để lại người vợ trẻ với bà nội, mẹ và em chồng. Tảo làm việc quần quật mỗi ngày để vơi đi nỗi nhớ. Nhưng cứ tầm chiều tối là nghĩ tới chồng đến mức ngẩn ngơ như người thất tình. Hơn 7 tháng sau đám cưới, vợ chồng cô mới gặp lại nhau. Nỗi nhớ nhung, tủi thân vỡ òa thành nước mắt.

Mẹ chồng coi cô như con gái, thường ngợi khen cô trẻ tuổi mà tháo vát. Việc cỗ bàn, đám xá trong dòng họ, cô ít khi vắng mặt. Mỗi lần anh Nhan ghé nhà lại được nghe tiếng tốt về vợ nên càng yên tâm đi làm xa. Cô

Tảo mang thai và sinh con vào thời điểm kinh tế khó khăn. Không có chồng ở bên lại thường xuyên bị đói, cô thỉnh thoảng phải về nhà mẹ đẻ ăn cơm nguội. Anh

Nhan thương vợ, con nên càng cố gắng làm việc để cải thiện cuộc sống. Ước mơ của anh là cất được căn nhà gọn gàng, lo cho gia đình một cuộc sống đầy đủ. Cặp vợ chồng trẻ phải tiếp tục sống cảnh mỗi người một nơi vì hy vọng sau này cuộc đời sẽ khác.

cu ba chay than song nho nhung bai tho tinh cua chong
Bài thơ ông Nhan sáng tác trong phòng trọ của vợ trước lúc bà Tảo bước vào ca mổ cắt bỏ một quả thận.

Sự lạc quan của người phụ nữ hỏng thận

Năm 1993, cơ quan ông Nhan giải thể. Ông về Đông Anh, Hà Nội mua lại chiếc máy xúc cũ để lái thuê. Thời điểm này bà Tảo đang mang thai cậu con trai út. Một lần đi làm cỏ, thấy đau tức phần bụng trái nên bà đi khám và phát hiện sỏi thận. Vì không có tiền chữa nên bà Tảo quyết định mua thuốc nam về sắc uống. Ròng rã 10 năm nhưng sỏi không ra, bà thấy người ngày càng mệt và đau đớn. Đến khi không giặt nổi bộ quần áo, bà lên Bệnh viện Việt Đức khám thì đã bị suy thận độ 2.

Bà Tảo đi lại giữa Hà Nội và Hưng Yên suốt hai năm để lấy thuốc điều trị trước khi chạy thận. Năm 2006, khi bị suy thận độ 4, bà thuê căn nhà trọ ọp ẹp ở ngõ 121, đường Lê Thanh Nghị để tiện ra, vào bệnh viện Bạch Mai lọc máu. Ông Nhan phải bán chiếc máy xúc để về quê trông nom nhà cửa cho vợ yên tâm chữa bệnh.

Lúc bà Tảo chuyển đến, xóm chạy thận Bạch Mai vẫn là những dãy nhà trọ xập xệ. Ngày mưa, nước cống dâng lên bốc mùi tanh tao. Bà Tảo ngồi trên giường nhìn xuống đất thấy những búi rác trôi lềnh bềnh. Bà tủi phận, thương chồng, nhớ con tới trào nước mắt. Ba buổi chạy thận mỗi tuần, thời gian còn lại bà Tảo theo những người trong xóm đi bán nước. Người đàn bà luống tuổi nặng nhọc xách chiếc làn đựng phích nước sôi và vài chiếc cốc nhựa đi bán. Mệt lắm bà mới nghỉ bởi số tiền lương hưu chưa tròn 3.000.000 đồng của ông Nhan với vài khoản lặt vặt thu được từ vườn tược chẳng đủ trang trải cuộc sống.

Từ lúc vợ nằm viện, ông Nhan tiết kiệm hết mức có thể. Ông bị tiểu đường nên ăn uống tằn tiện, mỗi tháng dồn được bao nhiêu là gửi hết lên Hà Nội. Bà Tảo thuê căn phòng trọ với một người cùng hoàn cảnh hết 1.000.000 đồng mỗi tháng; thêm tiền ăn uống, thuốc thang tốn chừng 2.000.000 đồng.

Bà Tảo hay phải đi cấp cứu vì sức khỏe yếu. Mỗi lần nhập viện, chi phí không dưới 10.000.000 đồng. Ông Nhan thường vay lãi để có tiền lo cho vợ rồi trông vào vụ nhãn, vụ rau trả dần.

Từ ngày đi chạy thận, ít khi nào bà Tảo được ăn Tết ở nhà. Cảm giác cô đơn, xót xa khiến ông Nhan rơi nước mắt, ông viết bài thơ Nhớ em trong vài chục phút để ngay sáng hôm sau đi xe lên Hà Nội tặng vợ.

cu ba chay than song nho nhung bai tho tinh cua chong
Bài thơ 'Nhớ em' ông Nhan viết dịp Tết năm 2015.

Niềm hạnh phúc chẳng đến vào ngày 20/10 với người phụ nữ có cuộc đời nhiều sóng gió. Đúng dịp này năm 2016, bà Tảo bị hỏng một quả thận, phải cắt bỏ với tỷ lệ thành công chỉ 50%. Khi bà nằm chờ mổ tại bệnh viện Bạch Mai, anh con trai lớn bỗng phát hiện những dấu hiệu suy thận. Bà Tảo lo lắng yêu cầu con đi khám với nguyện vọng: "Mẹ muốn biết kết quả ra sao để nếu lỡ không qua được cũng yên lòng".

Con trai bà Tảo nhận kết quả suy thận cũng là lúc thế giới như sụp đổ trước mắt người mẹ bất hạnh. Bà đau đớn ước được gánh thay bệnh tật cho con nhưng không dám buồn bã vì sợ con trai và con dâu tuyệt vọng.

Từ lúc mất quả thận, sức khỏe bà Tảo kém hẳn. Bà di chuyển khó khăn, bước đi phải chống gậy. Trước đây bà Tảo siêng đi bán nước nên có đồng ra, đồng vào; thời gian này cố gắng mới có thể đạp xe tuần ba lần vào bệnh viện Bạch Mai chạy thận. Mệt mỏi nhưng bà ngủ không sâu, chứng thoái hóa cột sống lưng gây đau đớn; cảm giác buốt ống chân, ống tay thường thấy ở các bệnh nhân chạy thận cũng không để bà Tảo yên.

Khi người ngoài dành cho hoàn cảnh của bà Tảo những ánh nhìn ái ngại thì chính bà luôn hạnh phúc vì lấy được người chồng tốt. Bà cho rằng những khó khăn chồng chất giúp ông Nhan thương và trân quý vợ hơn. Gần hết cuộc đời, bà Tảo và chồng chẳng mấy ngày được bên nhau, nhưng bà cảm nhận rõ, ông Nhan chưa một phút ngừng yêu vợ. Không có những dòng thơ da diết ông gửi tặng, bà Nhan sợ mình không đủ nghị lực bước qua 12 năm chạy thận.

Ở tuổi xế chiều, bà Tảo bỗng sợ cô đơn, muốn có chồng ở bên chăm sóc. Ông Nhan thương vợ nhưng chẳng thể đi xa vì ở nhà còn 2-3 đứa cháu, việc cơm nước đỡ đần con cái không ai lo. Đôi vợ chồng già kìm nỗi nhớ trong lòng, mỗi ngày gọi cho nhau 5-6 cuộc điện thoại chỉ để hỏi "đang làm gì?", "ăn cơm chưa?". Hai tháng một lần, bà Tảo chọn những ngày sức khỏe tốt để đi xe buýt về Hưng Yên thăm chồng con. Lúc được bên ông Nhan ăn bữa cơm, quây quần cùng con cháu là lúc người phụ nữ lam lũ cảm thấy cuộc đời ý nghĩa nhất.

cu ba chay than song nho nhung bai tho tinh cua chong
Mỗi lần bà Tảo về quê đều muốn chồng chở đi thăm họ hàng. Một lần ông Nhan lỡ lời nói vợ tự đi xe để khỏi phiền ai khiến bà tự ái, quyết chí tập đi xe máy. Bài thơ 'Chị Tảo đi mô tô' ra đời trong hoàn cảnh này.

Anh Mai Anh Tuấn (41 tuổi, Ba Vì), tổ trưởng xóm chạy thận Bạch Mai nói về bà Phạm Thị Tảo với giọng kính trọng. Anh cho biết bà là người thẳng thắn, trung thực, nhận được sự yêu quý từ mọi người. Bà Tảo cao tuổi nhưng là "cây văn nghệ" tích cực; hay đọc thơ, hát và tấu hài trong các buổi liên hoan xóm. Là người sống lâu năm ở xóm chạy thận, anh Tuấn xúc động trước tình cảm vợ chồng bà Tảo dành cho nhau. Anh nhiều lần chứng kiến ông Nhan vượt quãng đường xa lên thăm vợ chốc lát rồi lại về để lo nhà cửa, con cháu.

XEM THÊM

cu ba chay than song nho nhung bai tho tinh cua chong Cụ bà vẽ 1.000 trái tim để đốt tặng sinh nhật chồng đã mất

Câu chuyện cảm động về tình yêu của cụ bà gần 100 tuổi vẽ 1.000 trái tim gửi người chồng đã mất khiến nhiều bạn ...

cu ba chay than song nho nhung bai tho tinh cua chong Cuộc đời cổ tích của 'người đàn bà đã cũ' trải qua hôn nhân lận đận 3 đời chồng 4 đứa con

Nhìn vào cuộc sống hôn nhân hiện tại của chị Vân Anh với một người chồng yêu vợ chiều con hết mực, ít ai biết ...

cu ba chay than song nho nhung bai tho tinh cua chong Chuyện 'nhặt vợ' bên hồ Gươm của người đàn ông quê Hải Dương

“Bà ấy khoác bao tải rác đi qua. Người đen đúa, khắc khổ và mồ hôi nhễ nhại nên tôi gọi bà ấy lại, rủ ...

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.