Cửa hàng đồng giá này nằm trong khuôn viên nhà thờ Tân Sa Châu, số 387 Lê Văn Sỹ, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM. Chỉ 3-4 giá đỡ dựng lên từ thanh sắt căng ngang, quần áo được treo thẳng thớm bên dưới mái che là thành một cửa hàng. Các vật dụng khác như mũ nón, giày dép, đồ chơi… cũng được bày biện ngay ngắn chờ chủ nhân đến mang về.
“Nguồn hàng” tại đây được nhập về từ khắp nơi, từ cá nhân đến cơ quan đoàn thể. Chốc chốc lại có người đi xe máy hoặc các anh, các chú xe ôm công nghệ đỗ xịch trong sân, mang theo bọc lớn bọc bé quần áo, vật dụng giao cho “nhân viên” cửa hàng.
Chốc chốc lại có người tới giao đồ cho “nhân viên” cửa hàng 0 đồng.
Gọi là cửa hàng nhưng nơi đây không nhằm kinh doanh mà đơn thuần là chỗ để ai thiếu đến lấy, ai dư đến cho. Từ người bán hàng rong đến sinh viên, người đi làm..., hễ ai cần đồ gì thì đến lấy, ai có đồ dư thì mang đến ủng hộ.
Hỏi ra mới biết đây là ý tưởng của Cha Phó nhà thờ Tân Sa Châu cùng các thành viên trong giáo xứ, hướng đến những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Thứ người ta cho và nhận ở cửa hàng không lợi nhuận này chính là những bộ quần áo và vật dụng cũ có, mới có.
Chỉ một lời nhắn “Ai thiếu đến lấy, ai dư đến cho” được in chỉn chu trên biển hiệu, người đến nhận không ngại mà người đem cho cũng thấy mát lòng.
Cửa hàng mở từ 6h đến 11h từ thứ hai đến thứ bảy trong sân nhà thờ Tân Sa Châu.
Mới khởi động từ trung tuần tháng 7, hoạt động này đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng từ offline như mang đồ tới quyên góp, đến online như chia sẻ hình ảnh, câu chuyện và kêu gọi tham gia.
Travel blogger Thiên Minh là một trong những người đầu tiên hưởng ứng hoạt động này. Trên trang cá nhân, anh chia sẻ những hình ảnh ấm áp từ cửa hàng 0 đồng kèm câu hỏi “Saigon tui dễ thương không?”, mà có lẽ chẳng cần câu trả lời. Trên fanpage 1 phút Sài Gòn, câu chuyện “ai thiếu đến lấy, ai dư đến cho” cũng được cô đọng trong một nhận định: Sài Gòn đông đúc và cũng đầy tình người. Nhìn người Sài Gòn quyên góp quần áo 0 đồng mà thấy đấy.
Hành động đẹp này cũng khiến nhà thơ - nhà báo Nguyễn Phong Việt nhớ về thời chân ướt chân ráo vào Sài Gòn. Kí ức về thành phố này trong mắt cậu trai tỉnh lẻ không bắt đầu bởi sự hào nhoáng hay chụp giật. “Nó bắt đầu bằng một câu nói ấm áp từ một người Sài Gòn”, anh viết trên trang cá nhân.
Cửa hàng 0 đồng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng mạng.
Tác giả tập thơ Đi qua thương nhớ cũng không quên nhắn nhủ bất cứ ai muốn trao tặng quần áo đừng ngần ngại đóng góp một trái tim. Người ở xa hay bận bịu có thể dùng GrabExpress để được “freeship” lòng tốt.
Theo đó trong khung giờ 6h - 10h30 thứ hai đến thứ bảy hàng tuần, người dùng GrabExpress chọn địa chỉ nhận đồ là Văn phòng giáo xứ Tân Sa Châu - 387 Lê Văn Sỹ, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM, nhập mã CHUNGTAY sẽ được miễn phí vận chuyển đến 100.000 đồng.
Sự đồng hành kịp thời cùng cửa hàng 0 đồng của giáo xứ Tân Sa Châu được Grab gọi là “chung tay cùng cộng đồng góp thêm gió tử tế để thành bão yêu thương”.
Sài Gòn nhịp sống như mắc cửi nhưng đâu thiếu những điều dễ thương để người ta ngừng lại và san sẻ.
Với tinh thần “Công nghệ vì cộng đồng” (#TechforGood), Grab luôn kịp thời chung tay góp sức trong nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa như Xây cầu đến lớp, Chung tay nuôi em, Chung tay mang bé ngày vui...
Công nghệ đã giúp kết nối hàng triệu tấm lòng thiện nguyện với hàng triệu hoàn cảnh khó khăn khắp đất nước, mà với cửa hàng 0 đồng, là “chiếc cầu nối chia sẻ yêu thương giữa một Sài Gòn luôn tất bật trong dòng chảy mưu sinh”.