Thời gian gần đây, việc ban hành lệnh cấm các ca khúc vốn được lưu hành, phổ biến rộng rãi và từ lâu đã trở nên quen thuộc với đông đảo khán giả yêu nhạc làm dấy lên làn sóng tranh cãi mạnh mẽ trong dư luận.
Mở đầu cho sự kiện khiến không chỉ khán giả mà giới văn nghệ sĩ cảm thấy bất bình này là việc 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 là Con đường xưa em đi, Cánh thiệp đầu xuân, Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân và Đừng gọi anh bằng chú bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấm lưu hành do hiện tại, các bài hát nói trên đều chỉ là "dị bản". Qua nhiều đấu tranh về mặt tư tưởng, hôm 15/4 vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã có công văn chỉ đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn thu hồi lệnh cấm và thẳng thắn kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân tham mưu.
Ca khúc Con đường xưa em đi cùng 4 ca khúc sáng tác trước năm 1975 đã được thu hồi lệnh cấm ngày 15/4. |
Tuy nhiên, giữa lúc "nước sôi lửa bỏng", đỉnh điểm của cuộc tranh cãi được đẩy lên cao trào khi bất ngờ Cục Nghệ thuật Biểu diễn khẳng định đa số các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều chưa được cấp phép, điển hình như Nối vòng tay lớn, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Đêm thấy ta là thác đổ... Thậm chí, những ca khúc này đều được nhiều nghệ sĩ như Cẩm Vân, Mỹ Tâm, Quang Dũng, Đàm Vĩnh Hưng… biểu diễn, thu âm, phát hành băng đĩa đã lâu. Chưa kể, các chương trình lớn mang tính tưởng niệm, kỷ niệm đối với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn những bài hát nói trên cũng thường xuyên được đưa vào danh sách để trình diễn.
Trong album vol.3 của ca sĩ Mỹ Tâm phát hành năm 2003 có ca khúc Đêm thấy ta là thác đổ cũng thuộc diện chưa được cấp phép. |
Cụ thể là, trong album Huế - Sài Gòn - Hà Nội của ca sĩ Cẩm Vân phát hành năm 2000 do chính cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn biên tập, phần hoà âm phối khí do hai nhạc sĩ Bảo Phúc và Đức Trí đảm nhiệm, bên cạnh bài hát chủ đề còn có tới 3 ca khúc thuộc diện chưa được cấp phép là: Níu tay nghìn trùng, Còn ai với ai, Chìm dưới cơn mưa... Hay như ở album vol.3 Yesterday & Now của ca sĩ Mỹ Tâm phát hành năm 2003 có ca khúc Đêm thấy ta là thác đổ cũng chưa hề được cấp phép tính đến thời điểm này.
Điều đáng nói hơn cả, về quy trình sản xuất album, đơn vị sản xuất phải xin cấp phép từ Sở VH-TT với danh sách các ca khúc kèm theo. Sau khi được Sở cấp phép thì đơn vị sản xuất nộp đơn lên Cục NT- BD để xem xét và xin tem dán lên album trước khi đưa ra thị trường, đồng nghĩa với việc Cục nghiễm nhiên đồng ý cho các ca khúc này được lưu hành.
Trong một chia sẻ gần đây với báo Tiền Phong, ca sĩ Cẩm Vân cho biết: “Mấy ngày nay anh em nghệ sỹ chúng tôi cũng rất bất bình với chuyện này. Những ca khúc đã được cấp phép hát ở những chương trình lớn hay đã được phép ra album rồi vậy mà sao bây giờ vẫn chưa nằm trong danh sách các ca khúc được phép hát là hoàn toàn vô lý?
Ca khúc Nối vòng tay lớn thì gần như chương trình nào tôi cũng được yêu cầu hát, nếu tính tới ngày được phép 12/4 vừa qua thì tôi đã vi phạm rất nhiều lần mà không hề biết. Và đơn vị tổ chức biểu diễn rồi khán giả cũng vi phạm như tôi.
Qua sự việc đáng tiếc này, có thể thấy rõ sự sai sót không đáng có của Cục NT-BD. Điều đó sẽ gây khó khăn cho những người làm nghệ thuật như chúng tôi trong việc đưa các ca khúc hay đến với công chúng”.
Album Huế - Sài Gòn - Hà Nội phát hành năm 2000 của ca sĩ Cẩm Vân do chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn biên tập. |
Cũng trong bài báo này, ca sĩ Cẩm Vân cho rằng thời gian tới cấp quản lý cần thay đổi các thủ tục cấp phép với các ca khúc. Với những ca khúc đã từng được cấp phép phổ biến thì từ đó về sau nghiễm nhiên ca khúc đó không cần phải xin phép nữa.
Chị nói: "Như trường hợp của tôi chẳng hạn, năm 2000 tôi đã được cấp phép hát ca khúc Huế - Sài Gòn - Hà Nội, nhưng theo quy định hiện nay muốn hát lại ca khúc này trong một chương trình khác hay album khác, tôi phải làm lại thủ tục xin phép từ đầu. Đó là điều vô lý, là rào cản hành chính gây khó khăn rất nhiều cho những người làm nghề như chúng tôi”.