![]() |
Cuộc đời hoàn lương của thành viên băng đảng khét tiếng nhất thế giới |
![]() |
Băng đảng Trung Quốc bắt cóc trẻ em để ép ăn xin |
![]() |
Dù cuộc sống ở các mỏ luôn khó khăn và tiềm ẩn nguy hiểm, hàng chục nghìn người như Ender Moreno, 18 tuổi, vẫn làm việc tại đó hàng ngày nhằm kiếm kế sinh nhai. Ảnh: AFP |
Phơi mình trần, đi chân đất trong lòng một mỏ vàng bất hợp pháp, nhưng Ender Moren không hề bận tâm khi một tảng đá rơi xuống, phá vỡ sự im lặng nơi đây. Làm việc trong thế giới ngầm nguy hiểm và tàn bạo của hoạt động khai thác bất hợp pháp tại miền đông Venezuela, chàng trai có thân hình gầy gò tự đặt tính mạng mình vào thế "ngàn cân treo sợi tóc" mỗi ngày.
Trong hầm mỏ hẹp đầy nước đục và ngập mùi khí đốt, người ta dựng những tấm gỗ chắn để ngăn sập. Ở môi trường làm việc như vậy, Ender không chút sợ hãi. Anh làm công việc này từ năm 18 tuổi và tới nay đã được 8 năm.
"Tôi không sợ. Có thể tôi sẽ làm công việc này cho tới lúc chết”, Ender nói khi di chuyển trong hầm tối, ánh đèn pha gắn trên mũ soi rọi đoạn đường mê cung nguy hiểm sâu 30 m dưới lòng đất.
Nguy hiểm là vậy, nhưng những gì diễn ra bên ngoài hầm mỏ cũng đáng sợ không kém, theo AFP.
Cuộc chiến giữa các băng nhóm xã hội đen đang diễn ra nhằm tranh giành kiểm soát các mỏ vàng không giấy phép ở thị trấn Bolivar của Venezuela. Nhiều thợ mỏ chết vì bị giết hoặc trúng đạn.
Các vụ "xử tử" bằng súng trường thường xảy ra tại khu vực này. Hai tuần trước, 3 đồng nghiệp của Ender bị giết trên phố El Callao.
Một ngày trước vụ án mạng, Ender còn nhảy múa cùng họ trong lễ hội carnival hàng năm ở thành phố. “Họ là thợ mỏ nhưng chơi với bọn côn đồ”, Ender nói.
10 tháng trước, ông chủ của Ender bị giết vì từ chối cho bọn côn đồ kinh doanh tại đây. Cách đây hai tháng, vụ thảm sát 28 công nhân từng diễn ra ở một khu mỏ gần đó. Chính quyền gọi tình hình hiện nay là cuộc chiến "tranh sân" giữa các băng đảng đối thủ.
Cơn sốt vàng
![]() |
Ender Moreno xuống mỏ vàng ngầm La Culebra ở El Callao, bang Bolivar, đông nam Venezuela hôm 1/3. Ảnh: AFP |
Người đứng đầu Phòng khai khoáng Venezuela, Luis Rojas, ước tính 90% vàng ở Nam Mỹ xuất phát từ các mỏ bất hợp pháp. Tại Venezulea, khi khủng hoảng kinh tế dẫn tới nạn bạo lực tràn lan, các mỏ vàng "chủ yếu nằm trong tay mafia", theo ông Luis.
Cơn sốt vàng bắt đầu từ năm 1870 và "nóng" trong thời gian gần đây.
Tại mỏ vàng Nacupay, công nhân đào đất từ lòng sông bị ô nhiễm, còn những người khác đổ thủy ngân vào các trầm tích bị chiết xuất. Mỏ lộ thiên là một trong số khu vực ô nhiễm và tình trạng bạo lực nghiêm trọng nhất trong khu vực.
Rất ít người sẵn sàng trò chuyện cởi mở với người lạ về nạn tống tiền tại đây Họ gọi đây là "vắc xin" mà các thợ mỏ hoặc chủ khai thác phải trả cho mafia trong khu vực hoạt động bất hợp pháp này.
Một người khai thác vàng tên Argenis Tarazona (tên giả) cho hay: “Nó giống một chính phủ song song. Nơi này thuộc quản lý của một nhóm nên nhóm khác không được đụng tay vào. Mỗi nhóm có lãnh thổ riêng”, Argenis nói.
Theo người đàn ông 47 tuổi, bất cứ ai vi phạm quy tắc hay trộm vàng từ các mỏ khác nhau đều bị giết hoặc đánh đập.
Cách đây 3 năm, Argenis bỏ 5 đứa con ở nhà để “thử vận may” với nghề đào mỏ vàng vì không tể nuôi nổi các con với mức lương của một thợ cơ khí công nghiệp.
Hàng chục ngàn người Venezuela từ khắp đất nước cũng đổ xô đến khu vực này khi chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro vật lộn với cuộc suy thoái kéo dài 3 năm, lạm phát leo thang và tình trạng thiếu lương thực.
Người lao động được đưa tớihầm mỏ mỗi sáng. Họ mang xẻng và cuốc trên vai, còn đội chảo lên đầu thay những chiếc mũ. Những người khác bị sốt rét thì ngủ tại trại tập trung được dựng bằng những tấm nhựa đen.
Thu nhập của công nhân mỏ vào khoảng 260.000 đến 1 triệu bolivar một tháng (tương đương 95-360 USD theo tỷ giá thị trường chợ đen). Số tiền này cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu.
Gilberto Urrieta, 32 tuổi, mới làm việc tại khu mỏ trái phép này 4 tháng. "Tôi không có lựa chọn nào khác. Công việc của một bảo vệ không thể giúp tôi nuôi được 3 con. Giờ họ trả tôi 150.000 bolivar mỗi tháng”, anh nói.
Ender nghĩ tới lời mẹ đã nói rằng, làm việc tại hầm mỏ không phải là sống. “Nhưng tôi không thể dừng lại vì cần tiền để phụ giúp bà", anh nói. "Tôi còn trẻ và muốn tận hưởng cuộc sống. Nhưng khi thời gian của bạn không còn, cuộc sống cũng không còn. Ai rồi cũng chết”.