Tại nhiều quốc gia trên thế giới, cuộc đối đầu giữa taxi truyền thống và ứng dụng gọi xe trở nên không cân sức, khi với lợi thế về công nghệ, giá cả, những Uber, Lyft, Didi Chungxing hay Grab đang dần thắng thế.
"Cảm giác đi một chiếc Lyft hay Uber gần gũi hơn là một chiếc taxi. Lái xe trò chuyện cùng tôi, chỉnh điều hòa phía tài xế về phía tôi để sưởi khi tôi lạnh, cảm giác giống xe gia đình", anh Will Oshiro (Mỹ) chia sẻ như vậy.
Người đàn ông này cho hay đã rất lâu rồi anh không gọi taxi truyền thống nữa, bởi việc gọi xe khó khăn hơn, giá cước cũng cao hơn.
Còn Aleksandr Vasilenko cho hay anh đã ngừng đi taxi truyền thống sau một vài chuyến, vì "tài xế taxi rất cáu kỉnh, trong khi tài xế Uber hay Lyft rất thân thiện, xe của họ cũng sạch sẽ hơn mà giá lại rẻ. Xe taxi truyền thống thường xuyên ám mùi thuốc lá lâu ngày rất khó chịu".
Tại Mỹ, quê nhà của Uber, ứng dụng tiên phong cho mô hình gọi xe bằng điện thoại thông minh, hàng loạt công ty taxi truyền thống đang sa thải nhân viên hay tệ hơn, đang làm thủ tục phá sản.
Tại thị trường Mỹ, Uber hoàn toàn thắng thế. (Ảnh: The Bubble)
Tại San Francisco, nơi Uber và Lyft đặt trụ sở chính, công ty taxi truyền thống lớn nhất khu vực này là Yellow Cab Co. đã phải đâm đơn xin phá sản đầu năm 2016, do không thể chịu nổi áp lực cạnh tranh.Tờ Los Angeles Times đăng bài viết vào tháng 4/2016, cho biết từ 3 năm trước, khi các ứng dụng gọi gọi xe trên smartphone bắt đầu hoạt động tại Nam California, lượng khách đi taxi truyền thống đã giảm tới 42%, tổng lượng chuyến đi cũng giảm gần 30%.
Cũng theo bài đăng trên Los Angeles Times, không chỉ mất khách, các hãng taxi truyền thống còn mất cả tài xế, do người lái có lựa chọn mới thoái mái hơn về kỷ luật và thời gian làm việc, cùng mức thu nhập được hứa hẹn là cao hơn.
Yellow Cab Co. không phải là nạn nhân duy nhất.
Tại Maryland (Mỹ), Barwood Inc. là hãng taxi từng vận hành đội xe lớn nhất vùng, cũng đã phải làm thủ tục phá sản vào năm ngoái. Trong hồ sơ xin phá sản, công ty này chỉ trích chính quyền địa phương vì đã thờ ơ trong quản lý các ứng dụng gọi xe như Uber hay Lyft, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh.
Giữa tuần trước, các hãng taxi truyền thống tại Mỹ đề nghị một khoản bồi thường, do sự bất công trong quản lý khi taxi phải chịu nhiều khoản phí đăng ký, sơn xe theo quy định, còn các ứng dựng gọi xe thì không.
Tòa án tối cao bang Georgia (Mỹ) đã đưa ra phán quyết từ chối bồi thường, và khẳng định: "Các hãng taxi sẽ phải cạnh tranh với Uber, không có quyền áp đặt 'độc quyền không thể thay thế'".
Có phần táo bạo hơn Georgia, chính quyền bang Indiana đã quyết định sẽ bỏ các quy định đối với taxi truyền thống như màu xe, nơi đón trả khách, các loại giấy phép đăng ký, với lý do luật pháp không có quy định quản lý các ứng dụng như Uber hay Lyft, nên việc bỏ các quy định với taxi truyền thống là điều cần làm để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Trước đây, chi phí để các hãng taxi đáp ứng các quy định của chính quyền bang là không nhỏ, trong khi Uber hay Lyft không hề phải đóng một đồng nào.
Tại Thái Lan, cuộc chiến giữa Uber và taxi truyền thống cũng diễn ra căng thẳng.
Hồi tháng 4, nhiều tài xế taxi truyền thống tại Pattaya đã tuyên chiến với các lái xe UberX, bằng cách báo cảnh sát mỗi khi thấy có xe khả nghi là tài xế của Uber. Ngoài thủ đô Bangkok, việc sử dụng xe cá nhân để chạy Uber bị cấm, dẫn tới không ít tài xế sử dụng "chui" ứng dụng này tại các địa phương khác bị bắt và phạt tiền.
Theo chuyên gia tài chính và đầu tư Patrick L. Young, xung đột giữa taxi truyền thống và các ứng dụng gọi xe là điều không thể tránh khỏi.
"Đây là mặt trái của sáng tạo, một cái mới sinh ra đồng nghĩa với việc cái cũ bị đập bỏ", ông Young cho hay.
Cơ quan chức năng tại Thái Lan đã cấm việc sử dụng Uber và Grab Car để vận chuyển hành khách bằng xe cá nhân. Nhiều điều tra viên của nước này đã giả làm hành khách để sử dụng ứng dụng gọi xe và phạt tiền nhiều tài xế.
Theo tờ Bangkok Post, đầu năm 2017 đã có khoảng 23 tài xế UberX bị phạt tiền, do vận chuyển hành khách trái phép.
Cũng theo tờ nhật báo này, cơ quan chức năng Thái Lan tại hai thành phố lớn là Bangkok và Chiangmai còn bố trí nhân lực để chụp ảnh tài xế dùng ứng gọi xe để bắt khách, nhằm phạt nguội.
Đồng quan điểm với Thái Lan, chính quyền Hong Kong cũng đưa ra mức phạt khoảng 1.300 USD và tước giấy phép lái xe 12 tháng của 5 tài xế Uber, vì lý do "sử dụng trái phép phương tiện cá nhân để tham gia dịch vụ vận tải" theo Reuters ghi nhận hồi tháng 8/2015.
Cả Thái Lan và Hong Kong đều không cấm việc sử dụng các ứng dụng di động như Uber hay Grab. Thậm chí Thái Lan còn đưa ra ứng dụng riêng để gọi xe từ tất cả các hãng taxi truyền thống trong nước.
Tuy nhiên, việc sử dụng xe cá nhân để vận chuyển hành khách lại bị cấm, đồng nghĩa với những dịch vụ như UberX hay Grab Car không được phép vận hành.
Các nhà chức trách tại nhiều quốc gia đang có nhiều quan điểm khác nhau liên quan câu chuyện Uber, Grab và taxi truyền thống, nhưng phần lớn ủng hộ ứng dụng thông minh. (Ảnh: AP)
Để gỡ rối tình hình, Uber đã vận động tài xế Thái Lan góp chữ ký ủng hộ phổ biến việc chia sẻ chuyến đi bằng ứng dụng di động ngay trên trang chủ của mình.
Còn tại châu Âu, thị trường "khó nhằn" nhất của các ứng dụng gọi xe trên smartphones, nhiều quốc gia, thành phố lớn đã có những quy định nghiêm ngặt để quản lý loại hình vận tải mới này.
Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (ECJ) hồi giữa tháng 5 đã được cố vấn nên coi Uber là một hãng taxi, thay vì một ứng dụng di động. Nhiều khả năng tòa sẽ thiên về ý kiến này và sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng trong một vài tháng tới.
Điều này đồng nghĩa Uber sẽ bị quản lý và phải đóng thuế như một hãng taxi truyền thống.
Đại diện Uber cho rằng nếu khả năng trên trở thành sự thật thì đây sẽ là một phán quyết dựa trên những điều luật đã lỗi thời, ngăn cản hàng triệu người châu Âu sử dụng dịch vụ gọi xe đơn giản và thuận tiện.
Tại nhiều nước Đông Nam Á, cuộc chiến này dường như đã trở thành cuộc đua song mã giữa Uber và Grab. Indonesia là nước duy nhất trong khu vực có ứng dụng cạnh tranh được với hai ông lớn gọi xe, đó là Go Jek, một startup trị giá 1,3 tỷ USD của đất nước vạn đảo.
Taxi truyền thống tại các quốc gia Đông Nam Á đang dần tiếp bước những người đồng nghiệp ở Mỹ, khi bị áp đảo bởi những ưu thế vượt trội của những ứng dụng gọi xe.
Ngành công nghiệp taxi Myanmar đã dần cảm nhận được sức nóng. Bởi với cả Grab và Uber, đây sẽ là chiến trường tiếp theo trong cuộc chiến giành thị phần. Taxi truyền thống Myanmar nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ cầm chắc kết cục thua ngay trên sân nhà như taxi nhiều nước láng giềng.