Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã đồng loạt tiến công và nổi dậy ở đều khắp 41 tỉnh, thành phố, thị xã ở miền Nam. Trong ảnh: Các chiến sĩ phân đội 1 và 2 quân giải phóng Trị Thiên-Huế nghiên cứu sa bàn chuẩn bị các phương án chiến đấu. ẢNH: TƯ LIỆU TTXVN |
Công phu vì nó được thực hiện tỉ mỉ, hợp lý ở từng chi tiết, trên tất cả các phương diện. Vĩ đại vì giữ được bí mật, bất ngờ ở mọi cấp thực hiện, trong suốt thời gian dài cho đến trước giờ nổ súng.
Sau khi “Tìm và diệt” - cũng còn gọi là “Phản công chiến lược mùa khô” - được thực hiện chủ yếu bằng hai cuộc hành quân khổng lồ Cedar Falls (30.000 quân, từ 8 - 25.1.1967) và Junction city (25.000 quân, từ 12.2 - 14.5.1967) bị thất bại nặng nề, phía Mỹ buộc phải dừng lại để chuyển sang một phương sách khác: bình định.
Trong khi đó, nhận định khá sát tình hình, Bộ Chỉ huy tối cao Việt Nam bắt đầu tính đến một chiến lược táo bạo: Tổng tiến công và nổi dậy giành chính quyền trên toàn Nam Việt Nam, dự liệu vào đầu xuân Mậu Thân 1968.
Nhưng tương quan lực lượng lúc ấy chưa phải thuận lợi hoàn toàn cho phía ta, tổng hành dinh tối cao phải tính tới một kế hoạch đánh lạc hướng triệt để trước khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy mở màn. Bằng cách nào?
Trước hết, về chủ trương kế hoạch, dựa trên nhận định của Mỹ là đối phương đã hao mẻ lực lượng sẽ tiếp tục phương sách đánh lâu dài, Bộ Tổng tham mưu Quân giải phóng đã gửi đến các “B” (mặt trận) một chỉ thị chiến lược (thực tế là giả) với hai phương hướng hoạt động chính trong mùa khô 1967 - 1968: một là, ra sức chống bình định của địch ở nông thôn, kiên quyết giành lại dân bằng những trận đánh nhỏ có hiệu suất cao; đây được coi là trọng tâm của chiến lược mùa khô. Hai là, bộ đội chủ lực mở những chiến dịch vừa sức ở Đông Nam bộ, Tây nguyên và phải giành được thắng lợi trong các chiến dịch này.
Chỉ thị không nói ra nhưng phân tích kỹ có thể thấy phía quân đội Việt Nam (quân Giải phóng) không chủ trương mở chiến tranh đô thị mà chú ý đến miền núi, nông thôn, như vẫn thường làm.
Ảnh: NVCC |
Trên mặt trận tác chiến, để phù hợp với kế hoạch (quyết tâm tác chiến) giả (mở những chiến dịch vừa sức ở Đông Nam bộ, Tây nguyên...), các chiến dịch tiến công đã được quân và dân ta lần lượt mở ra và kéo dài ở Đắk Tô (bắc Tây nguyên), Lộc Ninh (Đông Nam bộ)...
Mục đích chính của các cuộc tấn công này nhằm thu hút giam chân lực lượng đối phương, đặc biệt là lực lượng Mỹ, rời xa khỏi thành thị, càng nhiều càng tốt, càng lâu càng tốt, càng gần kề năm Mậu Thân càng tốt. Như cuộc tiến công ở bắc Tây nguyên, chủ yếu diễn ra trong tháng 11.1967, quân Giải phóng đã lần lượt “hút” các đơn vị chủ lực quan trọng của quân đội Mỹ - Sài Gòn: Sư đoàn Bộ binh 4, Lữ đoàn Dù 173, Lữ đoàn Kỵ binh bay 1 Mỹ và nhiều trung đoàn, chiến đoàn khác. Còn chiến dịch Lộc Ninh (10 - 12.1967) đã thu hút các sư đoàn Bộ binh 1 và 25 Mỹ và các đơn vị khác của quân đội Sài Gòn.
Nhưng đòn đánh lạc hướng chính là ở bắc Quảng Trị. Từ lâu, thấy rõ đây là một khu vực nhạy cảm, ban đầu phía Mỹ đã tính tới phải lập một phòng tuyến bằng quân lực rồi về sau thay bằng hàng rào điện tử (được gọi là hàng rào điện tử Mc Namara) song thảy đều không thành công. Thay vì như vậy, họ đưa quân Mỹ đến đóng chốt tại một số điểm cao chủ chốt xung quanh Khe Sanh.
Và cơ hội đã được mở ra. Những trận tập kích chiến thuật ở đây diễn ra sớm nhưng được tăng dần về mặt quy mô và lực lượng từ phía quân Giải phóng đã thu hút ngày càng đông các đơn vị của Sư đoàn Thủy quân Lục chiến 3, Sư đoàn Kỵ binh bay 1 Mỹ cùng nhiều lực lượng Quân đội Sài Gòn. Đến tháng 11.1967, phía đối phương đã tập trung 45.000 quân (với 28.000 lính Mỹ) tại mặt trận này.
Những trận đánh giữa đôi bên càng ngày càng nóng bỏng và kéo dài cho đến chiến cuộc Mậu Thân để cuối cùng trở thành một phần của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, đã rất thành công trong việc đánh lạc hướng Mỹ, bằng sự vào cuộc thật sự các sư đoàn chủ lực danh tiếng 304, 320, 324, 325 của ta và bằng sự kích động, phụ họa qua ngôn ngữ chính trị - quân sự của các bên cùng dư luận truyền thông quốc tế.
50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước
Trên mặt trận ngoại giao và tuyên truyền, cuộc nghi binh chiến lược cũng thu được nhiều kết quả rất quan trọng. Ở thời điểm 1966 - 1967, việc phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam đã trở thành phong trào ở Mỹ.
Đã có những cuộc biểu tình lên tới cả trăm ngàn người. Chịu sức ép từ thất bại trên chiến trường và dư luận của chính nước Mỹ, chính quyền Mỹ đã buộc phải nghĩ đến việc kết thúc cuộc chiến tranh trên bàn thương lượng. Tổng thống Mỹ Johnson gửi thông điệp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số cuộc tiếp xúc ngoại giao bí mật cấp thấp, thậm chí Mỹ đã nhờ cậy đến cả một người bạn thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ông Raymond Aubrac, người Pháp, đến Hà Nội thăm dò.
Kiểu hòa bình thương lượng theo điều kiện của Mỹ, chỉ với mục đích trấn an dư luận phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa đang lan rộng trong lòng nước Mỹ và trên khắp thế giới, Việt Nam không thể chấp nhận. Nhưng đây cũng là một cơ hội để đánh lạc hướng chú ý của đối phương cho chiến dịch Mậu Thân. Trong tháng 9.1967, bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại tiệc chiêu đãi nhân dịp Quốc khánh, tối 1.9, đã được báo chí đưa lại dưới tiêu đề Đánh bền bỉ, đánh lâu dài, không sợ khó khăn gian khổ, không sợ hy sinh.
Cũng trong tháng 9, ba số liên tiếp giữa tháng trên Báo Nhân dân và Quân đội nhân dân đăng bài viết quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Thắng lợi lớn, nhiệm vụ lớn, tuyên dương những chiến thắng trên mặt trận Khe Sanh, Tây nguyên, Nam bộ và đặc biệt trên mặt trận chống bình định, khẳng định đánh lâu dài, bảo tồn lực lượng, bảo tồn những thành quả đã đạt được.
Các cơ quan thông tin, báo chí của ta được chỉ đạo tập trung tuyên truyền thắng lợi trên các mặt trận Đông Nam bộ, Tây nguyên, Khe Sanh, hạn chế đưa tin về chiến tranh đô thị.
Nhiều tín hiệu sẵn sàng hy sinh gian khổ đánh lâu dài nhưng cũng sẵn sàng thương nghị hòa đàm đã được đưa ra.
Tính tới lực lượng mạnh nhất ở miền Nam là quân đội Mỹ, Bộ Chỉ huy tối cao không chỉ đã mở các chiến dịch phân tán lực lượng này mà còn đặt kế hoạch cố gắng cô lập họ trong những giờ phút đầu tiên khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy bắt đầu, càng kéo dài thời gian càng tốt. Quả vậy, khi những trận đánh trong thành phố nổ ra, một “Quân đội Cách mạng” ra tuyên bố và một “Mặt trận Liên minh các lực lượng dân chủ và hòa bình” được thành lập, cùng với việc quân đội Mỹ không bị “Quân đội Cách mạng” tiến công ngay từ đầu đã khiến Mỹ ngỡ ngàng, nghi hoặc với thái độ “chờ xem”, “dù thường khi họ phản ứng rất nhanh”, theo lời tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Sự thực là phía Mỹ và đồng minh của họ đã bị đánh lạc hướng. Ngay cả khi lực lượng vận tải trên tuyến đường chiến lược 559 tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi thì vẫn được Mỹ cho là đối phương chuẩn bị cho mùa khô quyết thắng 1968 - 1969 theo như kế hoạch chiến lược (giả) bị rò rỉ.
Việc ta đề nghị cho kéo dài hơn lệ thường các cuộc đình chiến nhân Noel, Tết dương lịch 1968 và Tết âm lịch Mậu Thân; đã được hai bên cùng thực hiện qua thực tế dịp Noel 1967 và Tết dương lịch 1968 càng làm Mỹ và chính quyền Sài Gòn thêm chểnh mảng. Lúc chiến sự nổ ra trong Tết âm lịch Mậu Thân, nhiều tướng tá của họ đi du lịch cùng gia đình, Tổng thống Thiệu thì về quê ăn tết.
Với Tổng tư lệnh chiến trường, đại tướng Westmoreland thì theo hồi ký của ông, trong một cuộc họp vào ngày 15.1.1968 , ông dự báo có 50% khả năng đối phương sẽ tấn công trước tết; còn phụ tá tình báo của ông thì cũng đưa ra tỷ lệ 50% nhưng cho là sau tết. Nghĩa là sẽ chẳng có gì vào đúng dịp tết!
Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Những bài học lịch sử xương máu
Lúc đó Việt Nam nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ cả về vật chất lẫn tinh thần từ Liên Xô, Trung Quốc. Cả hai nước lớn cũng muốn có thông tin chính xác về kế hoạch chiến lược trong chiến cuộc Đông Xuân 1967 - 1968 của Việt Nam, ít nhất là trên những nét đại thể. Nếu họ nắm được, kế hoạch này có thể vô tình bị rò rỉ và chiến dịch nghi binh đánh lạc hướng để giành bất ngờ chiến lược trước đối phương có thể phản tác dụng từ nguyên nhân không thể ngờ nhất. Ngoài sự chỉ đạo phải tuyệt đối giữ bí mật trước các đại diện ngoại giao, quân sự, tình báo nước ngoài có mặt tại Việt Nam, bộ thống soái tối cao thấy rõ cần phải có sự chủ động cần thiết.
Cuối năm 1967, một phái đoàn quân sự của ta được cử đến các quốc gia này, do tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội dẫn đầu nhưng tướng Đặng Quốc Bảo, phó đoàn được nhận lãnh trách nhiệm đáp ứng những vấn đề mà phía bạn muốn “tìm hiểu”. Vấn đề quan tâm nhất - kế hoạch chiến lược của Việt Nam - luôn luôn được phía bạn đặt ra, tướng Bảo trả lời: Mọi việc bây giờ là tùy thuộc ở Mỹ khi tương quan lực lượng đã thay đổi qua hai cuộc phản công chiến lược thất bại. Mỹ vẫn là quốc gia giàu mạnh nhưng trong trường hợp này không còn khả năng tăng cường lực lượng sang Việt Nam, và nhất là không chỉ lúng túng với chiến lược tiếp theo mà cả với phong trào phản chiến đang lên cao, ngay Mc Namara cũng đã thay đổi cách nhìn về cuộc chiến. Rút lui là đường thoát danh dự. Nếu Mỹ quyết định ngược lại, chắc chắn thất bại. Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ và đã sẵn sàng cho mọi tình huống, trong điều kiện đã được chuẩn bị đầy đủ với sự giúp đỡ hết lòng của các bạn.
Cách trả lời vừa không nói dối vừa không để lộ kế hoạch chiến lược ấy đã được lãnh đạo ta khen ngợi.
Làm xói mòn sự lạc quan của Mỹ “Cuộc tấn công Tết Mậu Thân, mà tâm điểm là Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, chỉ ra bằng chứng mạnh mẽ hơn về sự giới hạn của quyền lực Mỹ ở châu Á. Cuộc đột kích táo bạo ở nhiều thành phố tại Nam Việt Nam cũng như sự hiện diện của nhiều đơn vị quân sự chủ lực đông đảo quanh Khe Sanh, những người Cộng sản đã làm xói mòn sự lạc quan về tiến trình cuộc chiến mà nhiều người đã phát biểu từ Sài Gòn hay Washington. Thực tế đó cho thấy không hề như lời mô tả của một số quan chức quân đội Mỹ hồi tháng 11.1967 nói rằng đối phương đang ngày càng suy yếu và sẽ sớm bại trận”. Báo The New York Times ngày 1.2.1968 Sự ảo tưởng của Nhà Trắng “Đã đến lúc lột mặt nạ của sự ảo tưởng… Một chiến thắng quân sự hoàn toàn không nằm trong tầm nhìn. Thực tế, có lẽ, chúng ta đã vượt quá tầm kiểm soát và nỗ lực giành chiến thắng chỉ dẫn đến sự chết chóc của hàng ngàn người vô tội… Một thỏa hiệp chính trị không chỉ là con đường tốt nhất để đi đến hòa bình, mà còn là con đường duy nhất… Đất nước chúng ta phải được biết sự thật về cuộc chiến này và tất cả những thực tế khủng khiếp của nó”. Hãng tin UPI ngày 8.2.1968(trích lời phát biểu của ông Robert Kennedy, khi đó là thượng nghị sĩ đại diện bang New York) Cuộc chiến trong boong-ke của ông “Boong-ke” (*) “Cuộc tấn công táo bạo nhất vừa qua - và chắc chắn là điều đáng xấu hổ nhất - xảy ra khi lực lượng Việt Cộng tấn công Đại sứ quán Mỹ. Chỉ mới tháng 9 năm ngoái, khi Đại sứ Ellsworth Bunker khánh thành trụ sở làm việc mới với bê tông cốt thép vững chãi, một số phái bộ Mỹ vào làm việc tại đây đã xem như khu bất khả xâm phạm. Bên trong bức tường cao, tòa đại sứ là một công trình 6 tầng vững chãi với các khối bê tông lớn bao bọc các mảng kính thể hiện cho sự quyền uy của nước Mỹ. Tòa nhà trị giá 2,6 triệu USD với những cấu trúc như pháo đài này đã được giới thiệu là boong-ke của ngài Bunker”. Tạp chí Time ngày 9.2.1968 (*) Bunker khi dịch ra tiếng Việt có nghĩa là boong-ke Phát Tiến (thực hiện) |
Cặp mỹ nam hot facebook: 'Tết năm nay sẽ đặc biệt vì ba mẹ biết hai đứa yêu nhau'
Cặp mỹ nam Phạm Hồng Sơn và Nguyễn Hùng Anh đang đếm ngược từng ngày để chuẩn bị một cái Tết đặc biệt với gia ... |