Eric Schmidt, cựu Chủ tịch điều hành của Alphabet, công ty mẹ của Google mới đây vừa đưa ra dự báo khá bất ngờ về sự phát triển của robot và trí tuệ nhân tạo. Ông tin rằng, những cỗ máy giết người cùng với sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đe dọa tới sự sống của loài người trong vòng 10-20 năm tới.
Mặc dù vậy, Schmidt không tỏ ra quá lo lắng về hậu quả nhãn tiền này vì ông tin rằng, nhân loại sẽ biết cách kiểm soát những cỗ máy robot để tránh tai họa về sau.
Phát biểu tại Hội nghị bảo mật Munich mới đây, Schmidt khẳng định: "Mọi người sẽ ngay lập tức nói về viễn cảnh chết chóc giống các bộ phim viễn tưởng, và tôi tự tin đưa ra dự đoán rằng, chúng có khả năng xảy ra trong vòng 1-2 thập kỷ tới. Chúng ta nên chuẩn bị, nhưng cũng không cần thiết phải tỏ ra quá lo lắng".
Ông nói thêm: "Hãy để tôi nói rõ ràng hơn: Con người vẫn sẽ điều khiển được AI. Nhưng có một điểm khác biệt mà tôi muốn nhắc nhở mọi người, công nghệ vẫn luôn tồn tại những lỗi nghiêm trọng, bởi vậy tốt nhất chúng ta không nên sử dụng chúng trong những quyết định quan trọng liên quan đến sự sống.
Bởi thế mà tôi sẽ không muốn ở trên một chiếc máy bay do máy tính điều khiển hoàn toàn. Có quá nhiều lỗi sẽ phát sinh trong quá trình sử dụng nó. Công nghệ là lời khuyên, là thứ giúp bạn thông minh hơn,…nhưng nó nhất quyết không được giao nhiệm vụ chỉ huy và kiểm soát mọi thứ".
Ông Eric Schmidt không phải là người duy nhất tỏ ra quan ngại với sự phát triển thần tốc của robot và AI. Ông trùm công nghệ Elon Musk, người sở hữu công ty Tesla và SpaceX từng cảnh báo rất nhiều lần về sự nguy hiểm của AI, bao gồm cả viễn cảnh robot sát thủ xuất hiện ngoài thực tế.
Musk quan ngại cho rằng, loài người sẽ chỉ có 1/10 hoặc 1/20 cơ hội sống sót nếu máy móc thực sự tiến hành một cuộc trỗi dậy và lật đổ con người.
Theo Interesting Engineering, các nhà khoa học dự báo trong khoảng vài thập kỷ tới, AI chắc chắn sẽ thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể như thông dịch ngôn ngữ (2024), viết tiểu luận (2026) và lái xe (2027).
Mặc dù vậy, AI sẽ cần nhiều thời gian hơn để làm chủ các công việc đòi hỏi khả năng tương tác sâu hơn với con người, ví dụ như hỗ trợ bán hàng vào năm 2031. Xa hơn vào năm 2049, con người sẽ sớm được đọc những tiểu thuyết do AI sáng tác. Thậm chí ngay từ bây giờ, AI đã tham gia vào nhiều hoạt động y tế, bao gồm phẫu thuật cho con người.
Sự phát triển của AI đã buộc các quốc gia trên thế giới phải nỗ lực chạy theo nếu không muốn bị tụt hậu lại phía sau. Trung Quốc đang khởi động nhiều chương trình AI lớn, đặc biệt đặt mục tiêu tham vọng bá chủ lĩnh vực AI vào năm 2030.
Eric Schmidt tin Trung Quốc hoàn toàn đủ khả năng vượt Mỹ trong cuộc đua công nghệ trí tuệ nhân tạo trong tương lai. Ông cho rằng, Mỹ phải sớm khởi động một sáng kiến quốc gia về trí tuệ nhân tạo, đồng thời thay đổi chính sách nhập cư để thu hút nhân tài nếu không muốn thua Trung Quốc trong cuộc đua này.