Đã chọn được nhà đầu tư, chuẩn bị khởi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Chiều 5/12, tại Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng phối hợp với Tập đoàn Đèo Cả tổ chức Hội nghị “Chung tay xây dựng Cao Bằng”, đồng thời giới thiệu mô hình “quản lý dự án đầu tư 3P+”, đổi mới năng lực quản lý dự án thi công cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện nhiều đối tác của Tập đoàn Đèo Cả là các nhà thầu, các trường đại học, cao đẳng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng cho biết, năm 2016, dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được Chính phủ đưa vào quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam định hướng đến năm 2030 triển khai với tổng mức đầu tư trên 47.000 tỷ đồng. Với tổng vốn đầu tư dự án quá lớn so với khả năng của địa phương, đồng thời, khả năng thu hồi vốn chậm do lưu lượng vận tải dự kiến thấp, nên trong suốt thời gian dài sau đó, tỉnh không thể tìm kiếm được nhà đầu tư.

“Từ năm 2018, Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất và đồng hành cùng tỉnh Cao Bằng triển khai nghiên cứu dự án một cách tổng thể, bài bản và dự án đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Với việc tối ưu hóa phương án tuyến bằng cách điều chỉnh hướng, xây dựng các công trình hầm giao thông xuyên núi, cầu cạn vượt địa hình nhằm giảm chiều dài tuyến cao tốc, giảm chi phí đầu tư và kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, đến nay, tổng chiều dài tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo khảo sát, nghiên cứu đề xuất của Tập đoàn Đèo Cả đã rút ngắn xuống còn 121 km so với 144 km theo quy hoạch (giảm 23 km). Tổng vốn đầu tư dự án sẽ còn hơn 23.000 tỷ đồng, giảm trên 50% chi phí đầu tư so với tổng vốn đầu tư dự kiến quy hoạch trước đó”, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Hồng Minh thông tin.

Cũng theo ông Trần Hồng Minh, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thể hiện cam kết, quyết tâm của tỉnh đối với việc triển khai thực hiện cao tốc, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ban hành các văn bản, nghị quyết cam kết bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương để đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, tập thể lãnh đạo Ban chỉ đạo dự án đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành chức năng, đến ngày 10/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1212/QĐ-TTg, chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), mở ra cơ hội lớn để Cao Bằng hiện thực hóa tuyến đường.

“Để triển khai dự án, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tại Quyết định số 1199/QĐ-UBND ngày 15/9/2023. Đồng thời, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư tại Quyết định số 1629/QĐ-UBND ngày 27/11/2023. Đặc biệt, ngày 28/11 vừa qua, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đã thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Trong đó, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (giai đoạn 1) được tăng tỷ lệ phần vốn Nhà nước lên không quá 70%. Đây là nghị quyết có ý nghĩa vô cùng quan trọng để dự án được triển khai trong thời gian tới”, Bí thư Trần Hồng Minh nhấn mạnh.

Theo Bí thư Trần Hồng Minh, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Cao Bằng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức lễ khởi công dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, dự kiến đầu Xuân 2024.

Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 568 đã được lựa chọn là nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh theo phương thức đối tác công – tư (PPP) giai đoạn 1.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết: Là nhà đầu tư thực hiện dự án, với kinh nghiệm triển khai nhiều dự án khó trong những năm qua, Tập đoàn Đèo Cả ý thức được những thách thức, khó khăn còn ở phía trước khi thực hiện dự án này. Do vậy các bên cần cùng nhau vừa làm, vừa học, vừa tháo gỡ vướng mắc cơ chế chính sách để đưa dự án về đích đúng yêu cầu.

Giới thiệu về mô hình huy động vốn “3P+”, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết: Phương thức thực hiện dự án “3P+” là giải pháp đúc kết kinh nghiệm 15 năm của Tập đoàn đã đầu tư, thi công, quản lý vận hành các dự án giao thông quy mô lớn được triển khai theo phương thức đầu tư PPP, đầu tư công. Đó là phương thức tổ chức mà nhà thầu thi công dự án đồng thời là nhà đầu tư, cùng triển khai thi công dự án theo mô hình tổng thầu EC và EPC thay vì các nhà thầu đơn lẻ.

Dựa trên cơ sở pháp lý và đặc thù dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là dự án khó, phức tạp về quy mô, điều kiện tự nhiên, kiểm soát sử dụng vốn… Tập đoàn Đèo Cả đề xuất phương thức thực hiện dự án “3P+” để nâng cao năng lực quản lý dự án, tối ưu hiệu quả đầu tư bởi lợi nhuận từ nhà thầu thi công được góp trở lại vào vốn đầu tư dự án. Bên cạnh đó, lợi ích và trách nhiệm của nhà thầu cũng chính là lợi ích và trách nhiệm của nhà đầu tư, gắn liền với hiệu quả thực hiện, vận hành dự án.

Ở mô hình huy động vốn “3P+”, vốn đầu tư dự án được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, tăng hiệu quả huy động vốn, giảm thiểu rủi ro về nguồn vốn trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Cụ thể: P1+ là phần vốn ngân sách nhà nước đóng góp bao gồm vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương, với tỷ lệ vốn nhà nước góp trên 50% và tối đa; P2+ là vốn chủ sở hữu đến từ các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước; P3+ vốn huy động từ tín dụng, trái phiếu, hợp đồng BBC (hợp tác kinh doanh), nguồn vốn huy động khác…

Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư hạ tầng giao thông hàng đầu Việt Nam, năng lực được khẳng định bằng việc hoàn thành nhiều công trình trọng điểm quốc gia như chuỗi các hầm xuyên núi Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân 2, “giải cứu” thành công các dự án cao tốc đình trệ nhiều năm là Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận, mang lại giá trị thực cho xã hội, góp phần tạo động lực phát triển cho địa phương và khu vực nơi có các dự án đi qua.

Trên đại công trường cao tốc Bắc – Nam, Tập đoàn Đèo Cả đã đưa hầm Thung Thi - hầm xuyên núi lớn nhất đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và hầm Trường Vinh thuộc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu về đích theo đúng kế hoạch đề ra. Tập đoàn Đèo Cả cũng đang thi công tại các dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Chí Thạnh – Vân Phong…

Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh giai đoạn 1 có chiều dài 93,35 km, điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh - huyện Văn Lãng - tỉnh Lạng Sơn và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo - huyện Quảng Hoà - tỉnh Cao Bằng.

Trong giai đoạn 1, tuyến cao tốc được thiết kế với vận tốc 80 km/h, với bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17m đối với các đoạn thông thường và 13,5m đối với các đoạn phức tạp. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này là 14.167 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026, thời gian hoàn vốn dự kiến là 24 năm 10 tháng.

Sau khi hoàn thành, công trình sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp, phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và khu vực, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh quốc gia. 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.