Đà Nẵng muốn đưa khách thẳng ra Cù Lao Chàm: Hội An phản ứng gay gắt

UBND TP Đà Nẵng vừa đưa vào quy hoạch 8 tuyến du lịch đường thủy nội địa, trong đó cho các doanh nghiệp đón khách từ sông Hàn đi thẳng ra đảo Cù Lao Chàm - điều chưa có tiền lệ.
Đà Nẵng muốn đưa khách thẳng ra Cù Lao Chàm: Hội An phản ứng gay gắt - Ảnh 1.

Bãi Bấc - "khu vực đỏ" bảo tồn nhưng nhiều lần tàu thuyền du lịch từ Đà Nẵng đưa khách vào ăn nhậu trên bãi biển. (Ảnh: B.DŨNG).

Phía Hội An cho rằng trong khi địa phương này đang đau đầu với bài toán giảm tải, giảm bớt khách ra đảo Cù Lao Chàm, việc Đà Nẵng tính chuyện chở khách đi thẳng từ sông Hàn ra Cù Lao Chàm sẽ gia tăng các nguy cơ.

Nhu cầu rất lớn

Quyết định 2162 của UBND TP Đà Nẵng nêu: "Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư tàu du lịch để phục vụ khách có nhu cầu tham quan tuyến theo tiêu chuẩn quy định, chú trọng loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng trên tàu như khách sạn nổi, tàu lưu trú ngủ đêm trên tàu...".

Để cụ thể hóa chủ trương này, ngày 23/4 Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng thông báo kêu gọi các doanh nghiệp tham gia. Theo Sở này, chủng tàu khai thác tuyến Đà Nẵng - Cù Lao Chàm phải là tàu được phân cấp VR-SB, sức chở cho phép từ 30 khách đến 250 khách, có kiểu dáng hiện đại...

Thông tin UBND TP Đà Nẵng thông báo mời gọi các doanh nghiệp đầu tư tàu, khai thác tuyến du lịch đường biển từ Đà Nẵng đi Cù Lao Chàm là việc chưa có tiền lệ. Bởi từ trước tới nay, với quan điểm chung của tỉnh Quảng Nam, TP Hội An hạn chế khách du lịch ra đảo, nhằm ưu tiên cho công tác bảo tồn.

Cù Lao Chàm là hòn đảo chỉ rộng 15 km2, hiện nay đang quá tải, ngột ngạt tới mức tại hội thảo về bảo tồn bền vững Cù Lao Chàm mới đây, các chuyên gia bảo tồn trong và ngoài nước đã gay gắt đề nghị Quảng Nam can thiệp để khống chế lượng khách, giữ hòn đảo Cù Lao Chàm trước nguy cơ bị "băm nhỏ".

Theo UBND TP Hội An, từ trước tới nay khách trong nước cũng như quốc tế khi ra đảo Cù Lao Chàm phải đi bằng tuyến canô duy nhất xuất phát từ cảng Cửa Đại. Tuyến này cũng có một lý trình được giám sát nghiêm ngặt, bởi Hội An cũng như Cù Lao Chàm là vùng đệm, vùng lõi quan trọng trong tổng thể khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận cách đây 10 năm về trước.

"Sẽ phá vỡ mọi nỗ lực của Hội An"

Chủ tịch UBND TP Hội An, ông Nguyễn Văn Dũng, cũng bày tỏ sự quan ngại. "Muốn khai thác được tuyến thì phải có sự đồng ý của chúng tôi. Tới giờ chúng tôi chưa thấy phía Đà Nẵng liên hệ, trong khi đó Hội An đang đau đầu giảm tải người ra đảo, Cù Lao Chàm cũng đang là nơi ưu tiên cho bảo tồn. Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới, bất cứ tác động nào cũng cần hết sức cân nhắc".

Ông Dũng cũng cho biết UBND TP Hội An sẽ mời Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng, có sự tham dự của Sở Giao thông vận tải Quảng Nam để thống nhất quan điểm. Nếu làm du lịch mà ảnh hưởng tới bảo tồn thì phải xem lại.

Hiện các số liệu cho thấy với mỗi ngày từ 2.500 - 6.000 khách ra Cù Lao Chàm, nhiều ý kiến cho rằng đảo này đã "quá sức chịu đựng".

Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - cho biết nhiều năm nay cả tỉnh Quảng Nam, các nhà khoa học đang miệt mài thực hiện các dự án bảo tồn quanh đảo Cù Lao Chàm.

Hòn đảo này được dành ra các vị trí thực hiện cấy ghép san hô, trồng cỏ biển để phục hồi hệ sinh thái nền đáy, đặc biệt là dự án ấp nở trứng rùa. Cù Lao Chàm dù chỉ là một hòn đảo nhỏ, nhưng có vai trò vô cùng quan trọng cho nguồn lợi hải sản khu vực biển miền Trung. Nơi đây được ví như "lò ấp" giống loài, nơi trú ngụ vào mùa sinh sản của tôm cá từ đại dương...

"Quan điểm phát triển ở Cù Lao Chàm hiện nay là phát triển du lịch sinh thái trên ba nền tảng: bảo vệ môi trường, tôn trọng văn hóa bản địa, đặt lợi ích cộng đồng cư dân lên trên hết. Muốn làm được thế, chúng tôi đang cố gắng hạn chế người ra đảo, coi chất lượng hơn số lượng. TP Hội An đã thực hiện khống chế số lượng khách 3.000 người/ngày ra đảo... Do đó, việc mở tuyến du lịch sông Hàn - Cù Lao Chàm như kế hoạch của Đà Nẵng sẽ đặt Cù Lao Chàm trước nhiều nguy cơ, thách thức" - ông Vũ nói.

Bên cạnh việc Hội An sẽ không thể kiểm soát được số lượng khách ra đảo, bởi đơn vị này chỉ có thể kiểm soát người từ hướng Hội An chứ không thể kiểm đếm tàu từ Đà Nẵng, ông Vũ cũng cho rằng việc mở tuyến của Đà Nẵng sẽ làm gia tăng các áp lực lên môi trường như: thiếu nước ngọt vào mùa hè, ô nhiễm rác, nước thải, nguồn lợi hải sản cạn kiệt...

Tuy nhiên, giám đốc một doanh nghiệp vận tải hành khách đường biển cho rằng hiện nay nhu cầu di chuyển bằng đường biển từ Đà Nẵng tới Cù Lao Chàm là rất lớn và chính quyền TP Hội An, Đà Nẵng cần tôn trọng nhu cầu của du khách.

"Tôi cho rằng chính quyền hai địa phương cần ngồi lại với nhau để cân đối, điều phối lượng khách hợp lý để tránh tình trạng "độc quyền tuyến", vị này nói.

"Đà Nẵng muốn mở thêm tuyến để thu hút du lịch"

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng cho biết mục đích của việc đưa quy hoạch tuyến đường thủy Đà Nẵng - Cù Lao Chàm là tăng thêm dịch vụ, mở ra tour mới thu hút du khách.

"Chúng tôi rất muốn mở tuyến này bởi nhu cầu rất lớn. Hiện tại mới chỉ dừng lại ở việc quy hoạch, mình cứ đưa vào quy hoạch như thế rồi sau này mọi việc cụ thể như thế nào thì các bên sẽ ngồi lại với nhau để bàn.

Chúng tôi sẽ tham khảo lắng nghe kỹ ý kiến của Quảng Nam, của chính quyền TP Hội An cũng như các đơn vị liên quan để thống nhất cách làm" - lãnh đạo này nói và bày tỏ sự mong muốn được ủng hộ tuyến du lịch này.

"Sẽ có phản ứng thích hợp"

Về thông tin Đà Nẵng tính mở tuyến du lịch mới ra Cù Lao Chàm, giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, bà Trần Thị Hồng Thúy, nói: "Tàu Đà Nẵng muốn thả neo xuống được Cù Lao Chàm thì phải được sự đồng ý của Hội An, Quảng Nam... Với góc độ đơn vị về quản lý bảo tồn, chúng tôi sẽ có phản ứng thích hợp về vấn đề này".

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.