Đền Độc Cước tọa lạc trên đỉnh Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ (TP Sầm Sơn), là nơi thờ vị thần đã có công đánh lui quỷ biển ngoài khơi và đánh giặc bảo vệ xóm làng.
Lễ hội Bánh Chưng - Bánh Dày |
Câu chuyện về chàng trai khổng lồ đã tự xé đôi thân mình, quăng một nửa ra chắn biển, một nửa trên đất liền ấy đã hóa thiêng và trở thành một phần lịch sử mảnh đất nơi cửa biển này. Để rồi, khi qua đây, không ít người đã ngỡ ngàng cảm thán trước vẻ đẹp như chốn non bồng của nó. Về nơi thờ thần từ buổi sơ khai, sách xưa có đoạn chép: “Núi Sầm Sơn tại xã Lương Niệm, huyện Quảng Xương là một dải núi đất lẫn đá, Đông - Bắc là biển nước, Tây - Nam là đồng cát. Nơi ấy khởi lên 16 ngọn núi, cao nhất 100 thước, trên dưới một vòng, dài đến bảy, tám ngàn thước. Đông - Nam có ngọn núi gọi là Đầu Voi thuộc xã Trường Lệ; Đông-Bắc có ngọn nữa gọi Giải Miết thuộc Sơn Thôn có Độc Cước Sơn Tiêu linh từ. Nơi này núi non kỳ tú, cây cối tốt tươi như rừng. Lên cao nhìn ngắm thấy quần đảo xa gần, khí biển phong nhiên, gió mát đong đầy tay áo, sớm chiều thuyền đánh cá ẩn hiện trong khói sóng. Quả là một thắng cảnh giữa trời biển”.
Rồi câu chuyện về vua Trần dẹp giặc phương Nam, khi qua Sầm Sơn, thuyền bị sóng gió cầm chân, vua khấn thần Độc Cước và được thần phù hộ. Sau khi nhà vua trở về đã sai tu bổ đền thờ để tạ ơn. Có lẽ đây là cơ sở để người ta xác định niên đại ra đời của đền là vào đời nhà Trần (1225-1400). Trong đền có tượng thần Độc Cước chỉ có một tay, một chân. Vì thần có công đánh đuổi ngoại xâm nên đền thờ được tôn là Độc Cước Chân Nhân và được các triều đại ban sắc phong Thượng Đẳng Phúc Thần.
Những câu chuyện chính sử và dã sử về nhân vật được thờ phụng đã truyền tụng qua nhiều đời và được giăng mắc lên một màn sương huyền bí. Cho đến tận ngày nay, niềm tin mãnh liệt của những cư dân nông nghiệp, ngư nghiệp nơi cửa biển này về sự bao bọc, che chở của đấng thần linh vẫn vẹn nguyên như cách cha ông họ hằng tin tưởng. Đó, âu cũng là một cách giúp họ đi qua những vất vả của cuộc sống bươn chải hằng ngày một cách kỳ diệu. Đền thờ quanh năm nghi ngút hương khói, từ các ngày sóc, vọng hàng tháng, đến Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán và đặc biệt là các lễ tiểu tế, đại tế diễn ra vào dịp lễ hội Cầu Phúc, Cầu Ngư – Bơi Chải và Bánh Chưng - Bánh Dày hàng năm. Trong số các lễ hội gắn với đền thờ và vị thần này, Bánh Chưng - Bánh Dày là một lễ hội còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán sinh hoạt đẹp của cư dân vùng biển Sầm Sơn. Lễ hội diễn ra vào 12-5 âm lịch hằng năm, nhằm tưởng nhớ công ơn thần và cảm tạ Ngài đã ban cho dân làng cuộc sống no đủ, mùa màng bội thu. Vật phẩm chính được dâng lên cúng tế thần là bánh chưng và bánh dày. Hai loại bánh vốn là biểu tượng của đất và trời này cũng chính là biểu tượng về sự hài hòa, sinh khí, về khát vọng ấm no, tinh thần lao động cần cù và bàn tay khéo léo của con người nơi đây.
Theo lời kể của các bậc cao niên, để chuẩn bị lễ hội, khâu chọn gạo làm bánh được đặc biệt coi trọng. Thậm chí, họ phải chọn kỹ từ giống lúa đến chân ruộng tốt để trồng ra loại gạo nếp cái hoa vàng hạt tròn, căng mẩy, không vỡ mới làm ra chiếc bánh chưng, bánh dày ngon, dẻo, thơm. Để làm bánh chưng, gạo sẽ được ngâm và vo kỹ, rồi trộn đều với nước lá thơm để lấy hương và màu xanh. Nhân bánh là thịt và đậu xanh loại ngon. Bánh do những người khéo tay trong làng được chọn ra để gói. Chiếc bánh chưng đẹp phải được gói chặt, đều 4 góc, vuông vắn, khi nấu bánh chín đều. Còn đối với bánh dày, việc làm bánh còn đòi hỏi nhiều kỳ công hơn. Xôi sau khi đồ chín được dỡ ra cho nguội bớt. Chày giã bánh là chày tay bằng gỗ và người giã phải là các tráng niên khỏe mạnh, dẻo tay. Khi giã sẽ có 1 người bắt xôi và cứ từng đôi hoặc 4 người quây vào cùng giã. Khi xôi nhuyễn thì bắt thành bánh, còn việc nắn cho bánh có hình hài đẹp mắt sẽ được giao cho các già làng thạo việc, khéo tay. Kết thúc các công đoạn cuối cùng, các cặp bánh chưng, bánh dày được chọn sẽ đưa lên kiệu và được các cụ cao niên đại diện cho các làng chấm giải. Kiệu bánh đạt giải cao nhất sẽ được rước vào đền dâng cúng thần Độc Cước. Sau lễ tế, bánh của làng nào sẽ rước về làng nấy. Người dân ở đây quan niệm, làng có chiếc bánh được chọn tế thần sẽ có được may mắn cả năm.
Điểm gây ấn tượng nhất ở lễ hội Bánh Chưng – Bánh Dày chính là quá trình lao động hăng say, nghiêm túc và vô cùng khéo léo của cả một tập thể, để làm ra những chiếc bánh đẹp mắt, ngon, dẻo, thơm nhất. Họ dâng sản vật của trời và đất ấy lên thần linh bằng tất cả niềm thành kính, ngưỡng vọng và sự tin tưởng tuyệt đối vào sự bảo hộ của thần. Dường như, qua lễ hội, có một niềm cộng cảm đặc biệt được nhân lên từ lao động và hưởng thụ thành quả lao động của những con người nơi đây.
Dịp Tết Mậu Tuất, Huế tổ chức gì để vui chơi?
Dịp Tết Mậu Tuất 2018, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều hoạt động mừng xuân phục vụ du khách và người dân ... |
Giá vé và những điều cần biết trước khi về dự hội xuân chùa Hương
Mùa xuân trẩy hội chùa Hương! Vài lưu ý nhỏ dành cho du khách thập phương về hội chùa Hương năm nay. |