Đằng sau lời mời hợp tác sản xuất ô tô điện của Foxconn với VinFast

Theo CEO Foxconn, ô tô điện chính là thế hệ iPhone mới, là động lực doanh thu tiếp theo cho tập đoàn.

Chủ tịch kiêm CEO Foxconn Young Liu dự báo, ô tô điện sẽ là danh mục sản phẩm lớn tiếp theo của nhà sản xuất hợp đồng này, sau iPhone và "rất có thể sẽ phát triển trở thành một ngành kinh doanh có quy mô lớn hơn mảng điện tử hiện tại, Nikkei Asia đưa tin.

Tập đoàn Đài Loan đang cân nhắc kế hoạch sản xuất ô tô điện tại Trung Quốc và Mỹ, nhằm thâm nhập vào thị trường xe điện đang phát triển thần tốc, nơi các tay chơi công nghệ có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nhà sản xuất ô tô truyền thống.

"Với xe điện, chúng tôi có cơ hội cạnh tranh vì không còn phải lo lắng về việc thiếu kinh nghiệp sản xuất động cơ xăng", ông Liu nói với phóng viên tờ Nikkei. "Không còn động cơ, nếu nhìn vào hệ thống truyền lực, bạn sẽ thấy đó chính là các linh kiện bán dẫn."

Ô tô điện chính là thế hệ iPhone mới, là động lực tăng trưởng doanh thu tiếp theo cho tập đoàn.

  • Chủ tịch kiêm CEO Foxconn Young Liu

Foxconn lần đầu tiên tiết lộ kế hoạch lắp ráp xe điện cho các nhà sản xuất ô tô vào tháng 10/2020. Công ty đặt mục tiêu chiếm 10% thị phần xe điện toàn cầu trong giai đoạn 2025 - 2027.

Tuy nhiên, nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới cho biết sẽ không lặp lại mô hình hoạt động từng áp dụng cho điện thoại thông minh và các thiết bị khác. Theo mô hình hoạt động cũ, các nhà máy sản xuất sẽ được tập trung tại Đài Loan và Trung Quốc, sau đó vận chuyển đến các quốc gia khác trên thế giới.

"Chúng tôi không có kế hoạch tái áp dụng mô hình sản xuất tập trung tương tự này. Foxconn nghĩ rằng sản xuất khu vực hoá hoặc phi tập trung mới là hướng đi mới cho xe điện", CEO Foxconn chia sẻ.

"Ô tô có kích thước rất lớn và khó vận chuyển. Do đó, chi phí vận chuyển sẽ cao hơn nhiều so với vận chuyển smartphone", ông nói thêm.

Thay vào đó, Foxconn có kế hoạch tập trung sản xuất động cơ và các thành phần cốt lõi khác ở một số nơi, bao gồm ở cả Đài Loan. Những bộ phận này sẽ được chuyển đến các trung tâm lắp ráp xe ở các nơi khác trên thế giới.

Ông Liu cho biết chiếc ô tô điện đầu tiên do Foxconn sản xuất có thể sẽ được lắp ráp tại Trung Quốc cho một thương hiệu nội địa là Byton. Hiện Foxconn đã báo cho Byton rằng nguồn cung ô tô sẽ bắt đầu vào năm 2022.

Lãnh đạo Foxconn tiết lộ thêm, bản hợp đồng sản xuất ô tô điện tiếp theo sẽ dành cho Fisker, một thương hiệu ô tô của Mỹ và có khả năng sẽ được sản xuất tại Mỹ. Đầu tuần này, CEO Foxconn nói với truyền thông rằng Mexico cũng là một địa điểm mà hãng đang cân nhắc để mở nhà máy sản xuất xe điện.

Mùa thu năm ngoái, Foxconn lên kế hoạch phát triển một đơn vị sản xuất xe điện mở của riêng mình, có tên là MIH. Đơn vị này sẽ cung cấp, sản xuất hợp đồng cho các nhà phát triển và những hãng kinh doanh ô tô điện.

"Với nền tảng mở này, chúng tôi có thể cung cấp tới 80% phần cứng trên mỗi chiếc xe", ông Liu chia sẻ.

Nền tảng mở do Foxconn xây dựng được kỳ vọng sẽ hạ thấp rào cản gia nhập đối với những công ty khởi nghiệp ô tô điện mới, cũng như các công ty vừa và nhỏ. Bằng cách mở rộng phạm vi kinh doanh ô tô điện ngoài lắp ráp, Foxconn mong muốn tăng cơ hội gia tăng giá trị trong chuỗi phần cứng linh kiện ô tô.

Tập đoàn Foxconn của Đài Loan đã thể hiện sự cởi mở trong việc hợp tác với các đối tác bên ngoài đối với lĩnh vực xe điện, bao gồm cả nhà sãn xuất ô tô Đài Loan Yulon Motor. Foxconn cũng có kế hoạch để MIH bắt tay sản xuất các mẫu ô tô tự hành, lĩnh vực mà nó đã hợp tác với công ty khởi nghiệp Tier IV của Nhật Bản.

Tier IV đang đóng vai trò là trung tâm trong việc phát triển một hệ điều hành mã nguồn mở trên xe tự hành, được gọi là Autoware.

Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản chiếm khoảng 30% thị phần ô tô toàn cầu, song các nhà sản xuất này lại đang tập trung nhiều hơn vào việc phát triển động cơ xăng tiết kiệm nhiên liệu ít phát thải và xe hybrid. Một số hãng xe truyền thống coi sự phát triển của ô tô điện là một mối đe doạ.

Liu cho biết ông hiểu về ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản. "Đối với hầu hết các nhà sản xuất ô tô truyền thống, họ vẫn đang đứng ngoài cuộc và theo dõi những biến chuyển. Tuy nhiên, tôi tin rằng, một khi chúng tôi bắt đầu phân phối một số sản phẩm dựa trên MIH, việc này sẽ trở nên nghiêm túc hơn."

Trong một diễn biến mới nhất, Foxconn cũng đã đàm phán với VinFast - một hãng ô tô nội địa của Việt Nam, để hợp tác sản xuất pin và linh kiện ô tô điện, theo Reuters. Thậm chí, theo một số nguồn tin thân cận, Foxconn từng đề nghị sẽ mua lại dây chuyền sản xuất ô tô điện của VinFast. Song nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho thấy ưa thích việc hợp tác hơn là bị bán đứt.

Foxconn từ chối bình luận về thông tin này. Trong khi người phát ngôn Vingroup nói rằng: "Vingroup đã nhận được đề xuất từ Foxconn nhưng vẫn chưa có gì cụ thể. Sự hợp tác này, nếu có, sẽ tập trung vào các hoạt động sản xuất pin và các bộ phận linh kiện của ô tô điện."

"Chúng tôi chưa có quyết định nào về việc hợp tác sản xuất ô tô điện", người này khẳng định.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.