Đạt Phương giữ 20% tiền mặt trong tài sản, tăng thu hồi nợ khi nhiều khoản vay sắp đáo hạn

Trước bối cảnh sắp đáo hạn hơn nghìn tỷ nợ vay cùng mức âm kỷ lục của dòng tiền kinh doanh, Đạt Phương duy trì trữ lượng tiền mặt chiếm hơn 20% tổng tài sản, đồng thời đẩy mạnh thu hồi cho vay và bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác.

Đạt Phương sắp đến hạn thanh toán khoản nợ hơn nghìn tỷ 

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của CTCP Tập đoàn Đạt Phương (mã chứng khoán: DPG) cho thấy, tại thời điểm cuối quý II, công ty có 1.011 tỷ đồng nợ tài chính ngắn hạn phải trả trong vòng 12 tháng tới, phần lớn là từ các khoản vay ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank.

Riêng cuối năm nay, Đạt Phương phải thanh toán ít nhất 117 tỷ đồng khoản vay ngân hàng dài hạn đến hạn trả, chưa kể các khoản vay ngắn hạn đến hạn từ ngân hàng và công ty con. 

Tại thời điểm cuối quý II, tổng nợ vay tài chính của công ty đạt 2.841 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm, cao gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu và chiếm gần 70% trong tổng nợ phải trả. 

Chiếm 81% trong cơ cấu nợ tài chính của Đạt Phương là các khoản nợ từ ngân hàng với 2.310 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Chủ nợ của công ty phần lớn là các ngân hàng thương mại BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Shinhan Bank.  

Các khoản nợ từ nguồn vốn ngân hàng cũng chiếm 97% số tiền vay phát sinh trong 6 tháng đầu năm của Đạt Phương. Phần lớn các khoản vay mới có thời hạn dưới một năm với tổng hạn mức tín dụng 1.250 tỷ đồng.

 

Duy trì gần 1.300 tỷ đồng tiền mặt, tăng vay ngân hàng và thu hồi nợ

Trước bối cảnh phải thanh toán hơn 1.000 tỷ đồng nợ vay trong 12 tháng tới, tại thời điểm cuối quý II, lượng tiền mặt của công ty ghi nhận 1.282 tỷ đồng, bao gồm 1.010 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền cùng 272 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Khoản này đã giảm 10% so với thời điểm đầu năm. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có thêm dòng tiền vào từ vay vốn ngân hàng và thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác. 

Cụ thể, công ty đã thu hồi 375 tỷ đồng cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác và vay thêm 860 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, trong bối cảnh dòng vốn tín dụng vào bất động sản đang siết chặt cùng với việc giám sát hoạt động phát hành trái phiếu.

Theo số liệu của FiinGroup, mặc dù giá trị phát hành trái phiếu khiêm tốn trong nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp bất động sản niêm yết (bao gồm Đạt Phương) vẫn duy trì được tăng trưởng dư nợ vay ở mức 25,1%. Điều này cho thấy dù kênh trái phiếu có diễn biến trầm lắng nhưng các doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận dòng vốn vay từ ngân hàng. 

Nói thêm về tình hình kinh doanh của Đạt Phương, 6 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu thuần 1.344 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ nhờ doanh thu hợp đồng xây dựng tăng vọt. Mặt khác, doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư giảm. Qua đó, công ty báo lãi sau thuế 283 tỷ đồng, tăng 22,5%. 

Ngoài ra, tại cuối quý II, công ty cũng ghi nhận hơn 705 tỷ đồng từ người mua trả tiền trước ngắn hạn, trong đó có 321,6 tỷ đồng từ các khách hàng trả trước tiền mua căn hộ và 157 tỷ đồng từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Tồn kho tăng cao, dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục 

Trong ba năm gần nhất, Đạt Phương liên tục chi tiền cho hoạt động đầu tư mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác, đồng thời cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác, qua đó dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư liên tục ghi nhận giá trị âm. 

Song 6 tháng đầu năm nay, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư của Đạt Phương dương 131 tỷ đồng dù lượng tiền chi cho hai hoạt động trên đều lớn hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân từ khoản thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác trị giá 375 tỷ đồng.

 

Bên cạnh đó, nhờ khoản thu lớn từ đi vay, dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính của Đạt Phương dương 130,84 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Tuy nhiên, do hàng tồn kho tăng cao, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Đạt Phương âm 297 tỷ đồng, là mức âm sâu nhất công ty từng ghi nhận kể từ khi tham gia vào thị trường chứng khoán từ đầu năm 2017 đến nay.

Kết quả, dòng tiền thuần trong kỳ của công ty âm hơn 35,8 tỷ đồng.

Về giá trị tồn kho trong nửa đầu năm của Đạt Phương ghi nhận mức tăng 168%, đạt 1.493 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II. Đây cũng là chỉ tiêu ghi nhận mức tăng lớn nhất so với thời điểm đầu năm trong tổng tài sản của Đạt Phương, qua đó kéo tổng tài sản lên 6.131 tỷ đồng, tăng 3%.

Chiếm phần lớn trong danh mục tồn kho là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang tại mảng bất động sản, theo số liệu tại báo cáo tài chính đã soát xét.   

Giá trị này lớn gấp 1,94 lần so với giá trị hàng tồn kho trên báo cáo tự lập của Đạt Phương. Song song với việc hạch toán lại giá trị tồn kho trong báo cáo tài chính đã soát xét, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của công ty cũng giảm gần 94% còn 47,8 tỷ đồng, ghi nhận giảm tại chi phí dự án các khu đô thị. 

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.