Từ đầu năm đến nay, nhiều phiên đấu giá đất diễn ra ở các huyện, thành phố tại tỉnh Bắc Giang với số tiền trúng đấu giá hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh các nhà đầu tư, người dân có nhu cầu thật tham gia đấu giá đất đem lại khoản thu lớn cho ngân sách địa phương thì cũng có nhiều người đẩy giá lên cao rồi hủy giao dịch, bỏ cọc.
Đơn cử tại huyện Yên Dũng mới đây, báo cáo của Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện nêu rõ, địa phương có 477 lô đất thuộc thị trấn Nham Biền, các xã: Nội Hoàng, Xuân Phú, Tiến Dũng, Đồng Phúc và Quỳnh Sơn được đấu giá thành công. Tổng giá trị theo giá trúng đấu giá là gần 954 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm hơn 363 tỷ đồng, Báo Bắc Giang đưa tin.
Tuy nhiên, đến thời điểm này đã có 77 lô đất khách hàng bỏ cọc với tổng số tiền trả giá gần 147 tỷ đồng. Trong số này, khu dân cư thôn Xuân Đông, xã Xuân Phú có 38/66 lô; khu dân cư thôn Huyện, xã Tiến Dũng có 21/42 lô; khu đất ở và kinh danh dịch vụ xã Nội Hoàng có 18/88 lô bỏ cọc.
Dự báo số lượng người trúng bỏ cọc sẽ tiếp tục tăng trong tháng 12/2021, bởi 4 trong số 10 cuộc đấu giá (diễn ra ở nửa cuối tháng 10) chưa hết hạn nộp tiền.
Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc khách hàng trả giá quá cao. Đơn cử, 88 lô đất của khu đất ở và kinh doanh dịch vụ xã Nội Hoàng có giá trúng đấu giá hơn 318 tỷ đồng, tăng tới hơn 138 tỷ đồng (khoảng 77% so với khởi điểm).
Có rất nhiều lô đất tăng gần gấp đôi mức giá huyện đưa ra. Việc trả giá quá cao khiến cho người trúng gặp khó khăn trong việc thu xếp tiền nộp ngân sách; không phản ánh đúng giá trị thực của các lô đất trên thị trường.
Còn tại TP Bắc Giang, tính đến tháng 9, địa phương có 26 lô đã đấu giá trong đợt đầu năm nay bị bỏ cọc.
Trước đó, hồi tháng 4, theo rà soát của của UBND huyện Lạng Giang, toàn huyện có 103 lô đất sau đấu giá đã hết thời hạn nộp tiền nhưng khách hàng bỏ cọc, không nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước. Tổng số tiền các lô đất khách hàng trúng đấu giá hơn 156 tỷ đồng, chênh lệch hàng chục tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Tình trạng đấu giá đất cao rồi không nộp tiền, bỏ cọc hàng loạt cũng diễn ra tại tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể, hồi tháng 9, UBND huyện Thọ Xuân ra quyết định về việc hủy công nhận kết quả trúng đấu giá, thu hồi tiền đặt cọc vào ngân sách nhà nước đối với 46 lô đất tại mặt bằng quy hoạch 983, khu dân cư Đồng Vũng Cao, xã Xuân Sinh. Lý do là những người trúng đấu giá không thực hiện nộp tiền trong thời gian quy định.
Báo Thanh Hóa cũng đưa tin, từ đầu năm đến nay, huyện Hoằng Hóa tổ chức 33 cuộc đấu giá, với tổng diện tích đất 11,4 ha (722 lô đất) của gần 30 xã, thị trấn nhưng có đến hơn 100 lô đất bị bỏ cọc. Tập trung nhiều ở các xã Hoằng Đức, Hoằng Cát, Hoằng Đồng, Hoằng Thành...
Theo tài liệu người viết, trong tháng 7, UBND huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum cũng thông báo hủy kết quả trúng đấu giá 57 thửa đất tại thôn Đăk Xanh. Lý do là các cá nhân trúng đấu giá đất không nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo thời gian quy định. Số tiền cọc trước khi đấu giá 57 thửa đất là gần 1,2 tỷ đồng được xử lý nộp vào ngân sách nhà nước.
Còn tại Quảng Nam, hồi tháng 11, UBND thị xã Điện Bàn ra 11 quyết định hủy kết quả trúng đấu giá của một cá nhân ở Đà Nẵng đối với 11 lô đất diện tích từ 118 đến 134 m2, ở khu Lô Tháp tại thôn Lạc Thành Nam, xã Điện Hồng.
Lý do là người trúng đấu giá 11 lô đất chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Trước đó, 11 lô đất có giá khởi điểm 5,3 tỷ đồng, người trúng đấu giá trả lên cao gần 13 tỷ đồng, có nhiều lô được trả giá cao gấp hai lần so với giá khởi điểm. Để tham gia đấu giá, cá nhân trên đã nộp tiền cọc 975 triệu đồng.
Ngày 1/12, 11 lô đất trên đã được một công ty thông báo mở đấu giá trở lại với giá khởi điểm cũng 5,3 tỷ đồng giống đợt 1.
Theo một số môi giới bất động sản, việc bỏ giá cao so với giá khởi điểm trong các cuộc đấu giá đất chính là chiêu đẩy giá của một số người nhằm tạo sóng sốt đất. Có thể trước đó họ hoặc cùng nhóm đã đi gom các khu đất gần nơi đấu giá, sau đó đẩy giá bán các lô đất ở đó lên cao ngất ngưỡng rồi chuyển nhượng kiếm lời. Số tiền cọc đã bỏ trong các cuộc đấu giá chỉ là một phần rất nhỏ đã hưởng lợi.
Một lý do khác có thể người trúng đấu giá bỏ cọc là do tại thời điểm trúng đấu giá, giá đất đang sốt cao. Đến khi nộp tiền thì giá đất đã hạ nhiệt, nộp tiền vào thì người trúng đấu giá sẽ bị lỗ.
Là một trong nhiều địa phương xảy ra trường hợp đấu giá đất cao, bỏ cọc, hồi tháng 9 UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định mới quy định đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, thay vì nộp tiền thành hai đợt theo quy định tại Nghị định số 126 (30 ngày kể từ khi có thông báo phải nộp 50%, 60 ngày tiếp theo nộp tiếp 50% còn lại), nhà đầu tư bắt buộc phải nộp đủ 100% số tiền sử dụng đất trong vòng 30 ngày theo quyết định của UBND tỉnh này.
Người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải nộp khoản tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá là 20% giá khởi điểm của thửa đất đấu giá được quy định tại phương án đấu giá.
Theo Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa, quyết định trên được UBND tỉnh ban hành là một quyết định cứng rắn, kịp thời nhằm đảm bảo thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, bền vững, ngăn chặn hiện tượng sốt đất ảo, đầu cơ đẩy giá, thổi giá đất để trục lợi.