Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị: Tạo bước đột phá lớn

Đến nay thành phố Hà Nội đã có 12/18 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện các địa phương đang tích cực đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với các tiêu chí đô thị nhằm tạo bước đột phá lớn, để sớm hoàn thành mục tiêu: Đến năm 2025, có 5 huyện và đến năm 2030 có thêm 3 huyện trở thành quận.

Nhiều khó khăn, thách thức

Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” (Chương trình số 04-CTr/TU) xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị; đồng thời xác định rõ mục tiêu phát triển 5 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng trở thành quận trong giai đoạn 2021-2025 và các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh trở thành quận trong giai đoạn 2026-2030.

Để đạt được tiêu chí phát triển thành quận, các huyện nêu trên đã, đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển đô thị. Tại Thanh Trì, thời gian qua, huyện tập trung nâng cao các tiêu chí, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp đô thị. 

Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị: Tạo bước đột phá lớn - Ảnh 1.

Huyện Gia Lâm đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. (Ảnh: Nguyễn Quang).

Đến nay, Thanh Trì đã đạt 24/27 tiêu chí huyện phát triển thành quận. Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, trên địa bàn huyện đã và đang triển khai nhiều dự án như: Công viên Kim Quy, Trung tâm Triển lãm quốc gia, các dự án phát triển đô thị hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp và đường Trường Sa… Đông Anh hướng đến trở thành một đô thị thông minh bên bờ Bắc sông Hồng.

Với mục tiêu xây dựng xã Yên Sở thành phường khi huyện Hoài Đức trở thành quận, Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở Nguyễn Đình Khoa cho biết, địa phương chú trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị như hệ thống giao thông, chiếu sáng, trung tâm thể thao, vườn hoa, cây xanh...

Tuy nhiên, việc xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với các tiêu chí trở thành quận của các huyện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đơn cử như theo UBND huyện Gia Lâm, nhiều dự án trên địa bàn chưa thể triển khai vì phải chờ điều chỉnh quy hoạch các phân khu đô thị N9, N10, N11 của thành phố… 

Trong khi đó, huyện Đan Phượng còn 7 tiêu chí chưa đạt đó là: Cân đối thu - chi ngân sách, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng, mật độ đường giao thông đô thị, đất cây xanh công cộng, tỷ lệ nước thải được xử lý, tỷ lệ tuyến phố văn minh...

“Với tiêu chí cân đối thu - chi ngân sách, huyện Đan Phượng mới đạt 30% so với tiêu chuẩn của một quận. Để tăng thu ngân sách là một việc làm khó và cần có thời gian. Cũng do ngân sách còn hạn hẹp nên huyện vẫn khó bố trí vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng theo tiêu chí của quận”, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết.

Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị: Tạo bước đột phá lớn - Ảnh 2.

Tuyến đường trên địa bàn xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) được xây dựng khang trang trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Để đạt được mục tiêu đề ra, tại hội nghị giao ban quý I-2021 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU vào ngày 23-4-2021, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, các huyện đã hoàn thành nông thôn mới tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng đô thị. 

Trong đó, chú trọng quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh tập trung, làng nghề, các khu, cụm công nghiệp làng nghề..; phát triển dịch vụ gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái...

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết: “Huyện đối chiếu, so sánh các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và tiêu chí của một quận, từ đó, hợp nhất bộ tiêu chí xã, thị trấn thành phường và xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (gồm 21 tiêu chí) để tổ chức thực hiện. Đặc biệt, Đông Anh chú trọng công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo nền tảng phát triển đô thị...”.

Còn Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, huyện đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Về nguồn vốn đầu tư, huyện đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất để có thêm nguồn đầu tư cho cơ sở hạ tầng; đồng thời, kiến nghị thành phố có cơ chế hỗ trợ như ứng vốn để các huyện phát triển theo tiêu chí đô thị.

Đối với huyện Gia Lâm, bên cạnh việc kiến nghị thành phố rà soát, điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn, huyện tích cực xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít diện tích đất…; đồng thời tập trung chuyển đổi cơ cấu lao động, đẩy mạnh đô thị hóa gắn với kinh tế đô thị…

Theo Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) Nguyễn Đình Khoa, để trở thành phường, xã còn 2 tiêu chí chưa đạt là cân đối thu chi ngân sách và tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý. 

Xã đã đề xuất với huyện Hoài Đức cho phép quy hoạch xây dựng khu trung tâm thương mại, bãi đỗ xe để tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Đặc biệt, thời gian tới, khi Nhà máy Xử lý nước thải Sơn Đồng hoàn thành, nước thải trên địa bàn sẽ được thu gom, xử lý theo quy định...

Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt từ thành phố, các huyện đã, đang quyết tâm tạo bước đột phá nhằm xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển đô thị, sớm trở thành quận theo lộ trình đã đề ra; qua đó, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.