ĐBQH: Dễ sai nhất là xác định giá đất

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 27/10,Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tại phiên họp một số đại biểu đã nêu ra tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực hiện nhiệm vụ, liên quan đến vấn đề đất đai.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận bày tỏ đồng tình với nội dung Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm đã phục hồi tích cực và đạt được những kết quả khá quan trọng và toàn diện.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, đánh giá thật đầy đủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề xã hội, văn hóa, dân sinh là chưa tương xứng. 

Trong đó, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cơ cấu của một số tổ chức tín dụng còn yếu kém. Sau khi các cơ quan chức năng xử lý những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trên thì người dân và cả doanh nghiệp bất an, lo lắng vì trót tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp trên.

Theo đại biểu coi đó là một trong những thách thức rất lớn cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Bên cạnh 6 bài học kinh nghiệm mà Chính phủ nêu trong báo cáo, đại biểu cho rằng còn một bài học nữa, đó là yếu tố con người. Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm giải quyết hiệu quả vấn đề bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức, kể cả cán bộ lãnh đạo quản lý. 

“Một số bộ phận cán bộ tâm sự rằng thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn hội đồng xét xử”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho biết. 

Theo đại biểu, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên nhưng nguyên nhân chính là chưa có sự đồng bộ của hệ thống phát luật.

“Một vấn đề áp dụng luật này thì đúng nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì lại sai. Áp dụng thời điểm này thì đúng nhưng kiểm tra thời điểm khác thì sai”, đại biểu phân tích.

Cũng theo đại biểu đến từ Bình Thuận, một trong những vấn đề dễ sai nhất là xác định giá đất. Theo quy định thì việc xác định giá đất hầu như được xác định dựa trên các yếu tố giả định, do vậy không chính xác. 

Tại phiên chất vấn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngày 16/3 với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến đấu giá đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính  đã tham gia làm rõ những ý kiến đại biểu quan tâm và phát biểu rằng phưong pháp xác định giá đất giá khởi điểm theo quy định tại Nghị định 44 và Thông tư 36 ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường là không chính xác và đề nghị phải sửa đổi. Tuy nhiên đến nay các quy định trên vẫn chưa được sửa. 

“Ở một số địa phương, nhiều dự án lớn và rất lớn chưa xác định được giá đất để triển khai đầu tư. Nếu Chính phủ không có biện pháp quyết liệt thì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 khó hoàn thành”, đại biểu nêu ý kiến và đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành trung ương một mặt thường xuyên rà soát các cơ chế chính sách cho đồng bộ, phù hợp thực tế, mặt khác sớm cụ thể hoá chủ trương của Đảng bằng các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng vào thực tế cuộc sống…

Tham gia phát biểu tranh luận, đóng góp thêm về vấn đề đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu ra, đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, tâm lý cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh công việc không chỉ do vướng mắc trong chính sách pháp luật. Đại biểu cho rằng nguyên nhân chính là do con người, do khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội). 

Qua tiếp xúc cử chi, đại biểu nhận định, có tình trạng cán bộ còn hạn chế về năng lực nên sợ không dám thực hiện nhiệm vụ. Một số cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần trách nhiệm còn hạn chế và còn tình trạng nghe ngóng, né tránh. Ngoài ra, còn đối tượng cán bộ không dám làm vì những sai sót từ nhiều năm trước.

“Tại sao Luật đất đai có từ năm 2013, Luật Đấu thầu cũng triển khai từ 2013 nhưng suốt quá trình ấy không thấy vướng mắc như bây giờ? Thời đó đã làm bằng cách nào? Nhiều người trả lời không muốn làm và không dám làm vì trước đã làm không đúng, ẩu, thiếu trách nhiệm. Bây giờ làm đúng sẽ phát sinh ra những vấn đề trước đây đã làm. Chính vì vậy bây giờ làm cầm chừng”, đại biểu cho biết. 

Vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ phải có giải pháp quyết liệt, chấn chỉnh lại trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ quản lý để không ảnh hưởng đến tiến độ, nhiệm vụ công việc và trách nhiệm phục vụ nhân dân.

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.