Điểm tên các đại dự án BĐS đang được chủ đầu tư rót hàng nghìn tỷ đồng

Thị trường bất động sản hiện có ít nhất 20 dự án BĐS tồn kho hàng nghìn tỷ đồng và tập trung chủ yếu ở khu vực phía nam. Một số dự án tồn kho khủng như loạt dự án của Novaland, ba đại đô thị của Vinhomes, KĐT Tràng Cát của Kinh Bắc, Izumi (Waterfront Đồng Nai) của Nam Long...

Hơn 60 doanh nghiệp bất động sản trên thị trường hiện nay đang nắm lượng hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý III đạt khoảng 340.000 tỷ đồng (gần 15 tỷ USD). Từ các doanh nghiệp thông tin cụ thể danh sách dự án đang triển khai cho thấy có ít nhất hơn 20 dự án địa ốc tồn kho tỷ đồng, tập trung phần lớn trong tay các doanh nghiệp lớn như Vinhomes, Nam Long, Phát Đạt, Khang Điền...

Hơn 20 dự án địa ốc tồn kho trên nghìn tỷ, lượng hàng tập trung tại khu vực phía nam - Ảnh 1.

Các dự án BĐS đang tập trung nhiều giá trị tồn kho trên thị trường hiện nay. (Nguồn: Minh Hiền tổng hợp).

Doanh nghiệp sở hữu danh mục tồn kho đồ sộ nhất hiện nay là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) lại không công bố chi tiết tồn kho và giá trị dở dang tại các dự án. Song thông tin từ Báo Chính Phủ cho biết tổng hàng tồn kho ghi nhận hơn 105.859 tỷ đồng vào ngày 30/9 chủ yếu đến từ việc tăng chi phí đầu tư phát triển các dự án Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram.

Trong đó, 93% tổng hàng tồn kho (tương đương hơn 98.503 tỷ đồng) là giá trị quỹ đất và chi phí dự án đang xây dựng, phần còn lại là bất động sản đã xây dựng hoàn thành và hàng hóa bất động sản, bất động sản đã hoàn thiện chờ bàn giao cho khách hàng.

Hơn 20 dự án địa ốc tồn kho trên nghìn tỷ, lượng hàng tập trung tại khu vực phía nam - Ảnh 2.

Tiến độ thực tế dự án Aqua City ven sông Đồng Nai. (Ảnh: Novaland).

Với các dự án của Vinhomes, đại đô thị Vinhomes Grand Park tại TP HCM (271 ha) cùng Vinhomes Ocean Park (420 ha) và Vinhomes Smart City tại Hà Nội (280 ha) đang chiếm 91% trong tổng tồn kho của công ty, đạt 29.088 tỷ đồng.

Riêng dự án Vinhomes Grand Park còn ghi nhận hơn 3.800 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, tính đến thời điểm 30/9.

Các sản phẩm thuộc ba đại dự án trên hiện đang được đẩy mạnh công tác bán hàng, chuyển nhượng, ước tính sẽ đem về khoảng 58.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và tiếp tục là nguồn đóng góp quan trọng nhất đến kết quả kinh doanh của Vinhomes trong giai đoạn 2021 - 2022.

Hơn 20 dự án địa ốc tồn kho trên nghìn tỷ, lượng hàng tập trung tại khu vực phía nam - Ảnh 3.

Thực tế một góc đại đô thị Vinhomes Ocean Park 420 ha tại Gia Lâm, Hà Nội. (Ảnh: vinhomesoceanparkz.vn).

Một trong những dự án ghi nhận tồn kho khủng còn có quần thể KCN và KĐT Tràng Cát tại Hải Phòng của Tổng công ty Kinh Bắc với 7.342 tỷ đồng, chiếm 24% trong tổng tài sản của doanh nghiệp. 

Với tổng diện tích trên 800 ha, dự án Tràng Cát bao gồm khu công nghệ cao – khu đô thị - khu vui chơi giải trí – khu biệt thự lấn biển. Riêng Khu đô thị Tràng Cát được ước tính sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu 9.500 tỷ đồng và khoản lợi nhuận 4.700 tỷ đồng đầu tiên vào năm 2025, theo Chứng khoán MBS.

Đại dự án Izumi City (Waterfront Đồng Nai) của Nam Long tại thời điểm cuối quý III có giá trị tồn kho là 7.134 tỷ đồng. Dự án có quy mô 170 ha với tổng vốn đầu tư 18.600 tỷ đồng. Công ty có kế hoạch bắt đầu mở bán đợt đầu trong tháng 11, giá dự kiến từ 50 - 55 triệu đồng/m2. Theo SSI, riêng dự án Izumi (170 ha) sẽ giúp Nam Long đạt tổng giá trị phát triển gần 45.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025.

Ngay sau Izumi, một dự án khác của Nam Long cũng được gọi tên trong danh sách tồn kho đáng kể tại thời điểm cuối quý III là dự án Southgate Waterpoint với 3.709 tỷ đồng. Đây là một dự án thành phần nằm trong tổng thể dự án Khu đô thị Waterpoint tại Long An.

Ngoài ra, Nam Long còn ghi nhận tồn kho 2.728 tỷ đồng tại dự án Hoàng Nam (Akari City). Đây là một trong những khu đô thị trọng điểm của doanh nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2025. Đầu tháng 9 mới đây, Nam Long đã chào bán cổ phiếu riêng lẻ để rót 1.800 tỷ đồng vào dự án này.

Hình ảnh thực tế dự án Waterpoint Nam Long. (Ảnh: namlongsaigon.net).

Góp mặt trong danh sách này còn có dự án The EverRich 2 (River City) của Phát Đạt với tồn kho 3.604 tỷ đồng, lớn nhất trong các dự án của Phát Đạt tính đến thời điểm cuối tháng 9. Tuy nhiên thực tế hiện nay dự án đã được chuyển cho nhóm Sunshine. Công ty cho biết đang trong quá trình hoàn thiện các yêu cầu để đủ điều kiện chuyển nhượng phần còn lại của dự án cho đối tác theo hợp đồng.

Chiếm gần một nửa trong tổng tồn kho Nhà Khang Điền là Khu dân cư Tân Tạo tại TP HCM với 3.303 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm trong khi tổng tồn kho công ty sụt giảm. Dự án có quy mô 320 ha, được Chứng khoán VNDirect nhận định là một trong những dự án trọng tâm, ước tính được triển khai từ năm 2023 và sẽ mang lại doanh số gần 79.400 tỷ đồng cho Nhà Khang Điền.

Tồn kho tại Gem Sky World Đồng Nai của Tập đoàn Đất Xanh tại thời điểm cuối tháng 9 là 3.302 tỷ đồng, chiếm 30% trong tổng tồn kho của doanh nghiệp. Đây là một trong hai dự án trọng tâm của Đất Xanh trong năm 2021 cùng với Opal Boulevard tại Bình Dương. Doanh thu từ bàn giao căn hộ thuộc hai dự án này ước đạt 6.279 tỷ đồng.

Hơn 20 dự án địa ốc tồn kho trên nghìn tỷ, lượng hàng tập trung tại khu vực phía nam - Ảnh 5.

Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên. (Ảnh: DIC Corp).

Doanh nghiệp thu hút sự chú ý của giới đầu tư gần đây với loạt dự án lớn sẽ khởi công cuối năm nay là DIC Corp cũng đóng góp một dự án vào danh sách tồn kho khủng hiện nay. Cụ thể là Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên với 2.120 tỷ đồng tồn kho. 

Dự án có quy mô gần 447 ha với tổng mức đầu tư dự kiến 8.700 tỷ đồng. Theo DIC Corp, tính đến cuối tháng 6/2021, công ty đã giải ngân lũy kế cho dự án trên 4.000 tỷ đồng. Dự án hiện đã cơ bản hoàn thiện thủ tục pháp lý và chuẩn bị được khởi công khu biệt thự và shophouse trong quý IV/2021.

Bên cạnh đó, nhiều dự án địa ốc tồn kho trên 1.000 tỷ đồng còn có Tropicana Bến Thành Long Hải, Bình Dương Tower và Phước Hải của chủ đầu tư Phát Đạt; dự án Paragon Đại Phước, dự án Vàm Cỏ Đông (Waterpoint) của Nam Long; dự án The Standard (tên cũ là Lê Gia Plaza), dự án Westgate của BĐS An Gia...