Nợ vay nhiều công ty địa ốc tăng bằng lần, đẩy tổng nợ nhóm doanh nghiệp trong ngành lên 15 tỷ USD

Thống kê gần 80 doanh nghiệp bất động sản đại chúng đang ôm khoản nợ tài chính gần 15 tỷ USD. Nhiều đơn vị liên tục đẩy mạnh huy động trái phiếu và vay vốn ngân hàng như Ninh Vân Vay, Cenland, Năm Bảy Bảy, DIC Corp, VCR..., đẩy nợ vay tăng bằng lần sau 9 tháng đầu năm.

Nợ vay nhiều doanh nghiệp địa ốc tăng bằng lần sau 9 tháng đầu năm

Với đặc thù cần nguồn vốn lớn của ngành bất động sản, đặc biệt là trong giai đoạn thị trường chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các kênh vay vốn tài chính được nhiều doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh.

Chỉ tính riêng kênh trái phiếu trong quý III, nhóm bất động sản đã huy động 52.287 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 46,8% tổng giá trị phát hành toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp và tăng 60% so với quý liền trước, theo Chứng khoán VNDirect.

Sau 9 tháng đầu năm, thống kê gần 80 doanh nghiệp bất động sản đại chúng có tổng nợ tài chính cả trong ngắn hạn và dài hạn tăng 5% lên 342.678 tỷ đồng (15 tỷ USD). Trong đó có hơn 40 doanh nghiệp ghi nhận nợ tài chính tăng so với đầu năm, cá biệt có đơn vị tăng hơn 950% nợ tài chính sau ba quý.

Nợ vay nhiều công ty địa ốc tăng bằng lần, đẩy tổng nợ nhóm doanh nghiệp trong ngành lên 15 tỷ USD - Ảnh 1.

CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay là doanh nghiệp có mức tăng nợ tài chính mạnh nhất với tổng nợ sau 9 tháng đạt 335 tỷ đồng, cao gấp 10 lần con số đầu năm, chủ yếu là phát sinh khoản vay từ việc phát hành trái phiếu cho Ngân hàng MB Bank với lãi suất 9,5%/năm để tăng quy mô vốn hoạt động.

Bên cạnh đó, Cenland cũng là đơn vị có tổng nợ tài chính tăng mạnh (171%) so với đầu năm, đạt 2.223 tỷ đồng, chiếm 71% trong tổng dư nợ. 

Nguyên nhân của sự tăng trưởng mạnh này là do trong kỳ công ty có phát sinh thêm các khoản vay mới từ ngân hàng và từ trái phiếu để tăng quy mô vốn phục vụ cho hoạt động môi giới và mua lại các bất động sản tại các dự án từ chủ đầu tư để kinh doanh bán lại, từ đó dẫn đến giá trị tồn kho tại cuối quý III tăng đột biến lên 1.053 tỷ đồng, gấp 33 lần đầu năm.

Nợ tài chính của DIC Corp tại thời điểm cuối quý III cũng tăng 120% so với đầu năm, ghi nhận gần 3.330 tỷ đồng. 

Mặc dù trong kỳ công ty đã tất toán xong 6 khoản vay từ các ngân hàng thương mại, tuy nhiên khoản vay từ trái phiếu tăng hơn 200 lần kéo theo tổng nợ vay tăng trưởng. Cuối tháng 9 trước đó, ngay khi vừa huy động 1.000 tỷ đồng trái phiếu từ HDBank, DIC Corp lập tức lên kế hoạch cho đợt huy động khác với số vốn 2.500 tỷ đồng.

Hoạt động gọi vốn của DIC Corp được đẩy mạnh trong thời gian gần đây liên quan đến loạt dự án có vốn đầu tư lớn mà doanh nghiệp đang chuẩn bị khởi công cuối năm nay, trong đó có dự án trọng điểm Khu đô thị du lịch Long Tân (Khu đô thị Đông Saigon) tại Đồng Nai với diện tích 332 ha và tổng mức đầu tư khoảng 12.618 tỷ đồng.

Hải Phát Invest cũng ghi nhận tỷ lệ nợ vay tăng trên 100%, đạt 4.896 tỷ đồng vào ngày 30/9. Trong tháng 9 vừa qua, Vietinbank Securities đã đứng ra thu xếp cho doanh nghiệp phát hành thành công lô trái phiếu tổng trị giá 300 tỷ đồng cho một công ty chứng khoán trong nước. Trong vòng ba tháng (7 - 9/2021), Hải Phát liên tục phát hành ba lô trái phiếu với tổng trị giá 700 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý III, tổng nợ tài chính của CTCP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) là 4.000 tỷ đồng, tăng 63% so với giá trị đầu năm, trong đó nợ ngắn hạn là 1.316 tỷ đồng và nợ dài hạn là 2.684 tỷ đồng, trong đó khoản nợ từ trái phiếu chiếm đến 50% trong tổng nợ tài chính của doanh nghiệp.

Ngoài ra, tồn kho tại cuối tháng 9 của Nam Long cũng tăng gần gấp đôi so với đầu năm và chiến hơn 50% trong tổng tài sản. Dòng tiền hoạt động kinh doanh của công ty âm 2.210 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 940 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp như Năm Bảy Bảy (NBB), Đầu tư LDG (LDG), Khang Điền (KDH),... đều có nợ vay tăng trên 50% so với đầu năm nay. 

Điểm tên những công ty ôm nợ khủng nhất thị trường

Nợ vay nhiều công ty địa ốc tăng bằng lần, đẩy tổng nợ nhóm doanh nghiệp trong ngành lên 15 tỷ USD - Ảnh 2.

Sở hữu lượng vay nợ tài chính lớn nhất thị trường bất động sản hiện tại là Tập đoàn Vingroup với 128.909 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm và chiếm 44% trong tổng nợ phải trả của công ty, phần lớn là khoản vay trái phiếu 49.896 tỷ đồng và khoản vay hợp vốn 43.243 tỷ đồng.

Đứng thứ hai là CTCP Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) với tổng nợ vay tài chính là 56.062 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm, trong đó các khoản vay từ trái phiếu cả ngắn hạn và dài hạn chiếm 60% tổng vay tài chính của doanh nghiệp. 

Theo thống kê của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, từ đầu năm đến nay Novaland đã phát hành tổng cộng 11 lô trái phiếu với tổng giá trị gần 12.308 tỷ đồng (gồm 5.508 tỷ đồng ở thị trường trong nước và 300 triệu USD ở thị trường quốc tế) để đầu tư các dự án. 

Một cái tên gây chú ý vì liên tục huy động vốn thời gian gần đây, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) cũng nằm trong danh sách doanh nghiệp nợ tài chính chục nghìn tỷ tại thời điểm cuối tháng 9 với 17.661 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm và cao gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu. Nợ vay từ trái phiếu chiếm gần 36% tổng dư nợ vay của CII, đạt 6.365 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cuối cùng trong nhóm nợ chục nghìn tỷ này là Becamex IDC với 16.500 tỷ đồng, tăng 11%, chủ yếu là vay từ ngân hàng và thị trường trái phiếu. Nợ từ trái phiếu của công ty ghi nhận 10.744 tỷ đồng, chiếm đến 65% trong tổng dư nợ và đã vượt vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối tháng 9 (16.309 tỷ đồng).   

Bên cạnh đó, Kinh Bắc (KBC), Sunshine Homes (SSH), Đất Xanh (DXG), Hà Đô (HDG) và Tập đoàn FLC (FLC) cũng đều có dư nợ tại thời điểm cuối quý III với trên 6.000 tỷ đồng.