Nhiều doanh nghiệp BĐS báo lỗ, lãi giảm sâu sau ba quý đầu năm

Bức tranh doanh nghiệp BĐS sau ba quý đầu năm lộ nhiều mảng màu ảm đạm khi nhiều đơn vị báo lỗ nặng như CEO, Ninh Vân Bay, Tasco hay phải chứng kiến lợi nhuận lao dốc như Vinaconex, CII, DRH Holdings...

Bên cạnh những doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh tích cực sau 9 tháng đầu năm, thị trường bất động sản cũng ghi nhận sắc màu ảm đạm tại nhiều công ty sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cụ thể, trong hơn 60 doanh nghiệp bất động sản công bố kết quả kinh doanh hợp nhất sau ba quý có 14 đơn vị báo lỗ, ngoài ra còn có loạt doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận lao dốc.

Doanh nghiệp BĐS nghỉ dưỡng lỗ nặng do ảnh hưởng từ dịch

Gam màu tối trong bức tranh kinh doanh nhóm BĐS quý III/2021 - Ảnh 1.

Nguồn: Minh Hiền tổng hợp từ BCTC các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chịu lỗ nặng nhất sau 9 tháng là CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group) với mức lỗ sau thuế 223,6 tỷ đồng, đậm hơn mức lỗ 102,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. 

Việc tập đoàn này đặt trọng tâm vào mảng bất động sản nghỉ dưỡng khiến kết quả kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề khi làn sóng dịch Covid-19 nhiều lần trở lại.

Năm nay, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.600 tỷ đồng và lãi 80 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới hoàn thành hơn 25% mục tiêu doanh thu và còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Bên cạnh CEO, Ninh Vân Bay cũng là một trong những công ty tập trung phát triển bất động sản nghỉ dưỡng báo lỗ nặng sau ba quý đầu năm. Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 9 tháng giảm 47% so với cùng kỳ còn 86 tỷ đồng và báo lỗ sau thuế 49 tỷ đồng.

Tiếp đó, CTCP Tasco báo lỗ nặng thứ hai (chỉ sau CEO) với khoản lỗ 146 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 90 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu công ty đạt 628 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên chi phí tài chính cùng các chi phí khác tăng cao kéo công ty chịu lỗ sau 9 tháng.

Với Tổng công ty 36, hai dự án BOT quốc lộ 19 (đoạn Gia Lai – Bình Định) và quốc lộ 6 (Hòa Lạc – Hòa Bình) đang là gánh nặng đặt lên doanh nghiệp với khoản lỗ ước tính gần 110 tỷ đồng trong năm nay. 

Vướng mắc của Tổng công ty 36 tại hai dự án trên xuất phát từ khi triển khai thu phí, công ty phải giảm mức thu phí theo thông tư 35 của Bộ Tài chính thay vì mức phí trong hợp đồng ký kết với Bộ Giao thông Vận tải.

Năm 2021 dự kiến là năm đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ kể từ khi giao dịch tại thị trường UPCoM (2016).

Doanh nghiệp đang ôm siêu dự án tỷ USD Cát Bà Amatina là Vinaconex - ITC cũng góp mặt trong những đơn vị báo lỗ 9 tháng. Kết quả này tương tự cùng kỳ năm ngoái bởi doanh nghiệp chưa ghi nhận doanh thu do đang trong quá trình đầu tư vào dự án nghỉ dưỡng lớn nhất Hải Phòng.

Ngoài những cái tên nêu trên, một số công ty bất động sản khác như Địa ốc Sài Gòn, An Phú, Vạn Phát Hưng, Constrexim... cũng chịu lỗ sau ba quý đầu năm.

Nhiều "ông lớn" doanh thu nghìn tỷ nhìn lợi nhuận lao dốc

Gam màu tối trong bức tranh kinh doanh nhóm BĐS - Ảnh 2.

Nguồn: Minh Hiền tổng hợp từ BCTC các doanh nghiệp.

Bên cạnh những công ty báo lỗ, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản ghi nhận lợi nhuận lao dốc trong 9 tháng đầu năm.

Một trong những "ông lớn" trong ngành là Vinaconex báo lãi sau thuế sụt giảm 75% so với cùng kỳ về 358 tỷ đồng. Ngoài việc doanh thu 9 tháng kém hơn cùng kỳ năm trước, việc không còn khoản thu tài chính hơn 2.900 tỷ đồng như cùng kỳ trước đó là nguyên nhân chủ yếu kéo lợi nhuận sụt giảm.

Năm ngoái, Vinaconex đã bán vốn tại một loạt các công ty thành viên, đáng chú ý nhất là thương vụ chuyển nhượng 50% cổ phần tại liên doanh An Khánh JSC - chủ đầu tư dự án Nam An Khánh.

Ngoài Vinaconex, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) cũng là một trong những doanh nghiệp lớn chứng kiến lợi nhuận giảm sút 73%. 

Riêng với CII, câu chuyện nợ vay của doanh nghiệp cũng là vấn đề đáng quan tâm bởi giai đoạn 2018 - 2021 vừa qua là thời gian giải ngân cao điểm cho loạt dự án lớn, song việc ngân hàng siết tín dụng khiến doanh nghiệp phải xoay xở qua kênh trái phiếu đồng thời đẩy gánh nặng nợ tăng cao. 

Trước áp lực đó, CII đặt mục tiêu thu về hơn 8.200 tỷ đồng đến hết năm 2022 để thanh toán bớt nợ và kết thúc giai đoạn dòng tiền âm.

Mặt khác, các doanh nghiệp doanh thu nghìn tỷ báo lãi giảm còn có FLCHomes và Hưng Thịnh Incons. Với FLCHomes, vốn lợi nhuận hồi nửa đầu năm của doanh nghiệp tăng 8 lần cùng kỳ nhờ mảng tài chính, tuy nhiên chi phí lãi vay trong quý III tăng cao đã thu hẹp lợi nhuận của công ty.

Ngoài ra, danh sách những đơn vị có lợi nhuận 9 tháng lao dốc còn có Tổng công ty Nam Hà Nội (giảm 92%), An Dương Thảo Điền (88%), DRH Holdings (83%), Hudland (65%), Hoàng Quân (64%)...