Từ giữa năm 2021, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tiến rất gần chỉ tiêu kinh doanh cả năm, thậm chí vượt xa mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2021. Đơn cử là các công ty như Long Hậu, Sonadezi Châu Đức, Đầu tư Sài Gòn VRG và Becamex IDC.
Sau thêm ba tháng hoạt động kinh doanh, thống kê trong hơn 60 công ty bất động sản vừa công bố báo cáo tài chính quý III xuất hiện thêm nhiều cái tên mới, trong đó có những doanh nghiệp gây chú ý thời gian qua như Louis Land, APEC,...
Sau mùa báo cáo quý II trước đó, nhóm bất động sản công nghiệp đã thể hiện rõ ưu thế khi 4 công ty đầu tiên về đích lợi nhuận năm 2021 đều trong nhóm này. Đến mùa báo cáo quý III, các doanh nghiệp này tiếp tục đẩy tỷ lệ vượt kế hoạch kinh doanh năm nay lên cao.
Cụ thể, Long Hậu báo lãi sau thuế 9 tháng đạt 271 tỷ đồng, vượt 68% mục tiêu cả năm; Sonadezi Châu Đức vượt 45% kế hoạch lợi nhuận, báo lãi 256 tỷ đồng; Sài Gòn VRG và Becamex IDC lần lượt vượt chỉ tiêu lãi 41% và 11%.
Bên cạnh 4 cái doanh nghiệp bất động sản công nghiệp kể trên, danh sách các công ty hoàn thành sớm kế hoạch kinh doanh năm 2021 còn bổ sung thêm ba cái tên mới cũng trong nhóm đầu tư các dự án công nghiệp, gồm IDICO, Louis Land và Viglacera.
Theo đó, Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã chứng khoán: VGC) cũng là một trong những cái tên mới trong nhóm doanh nghiệp cán đích sau 9 tháng đầu năm. Đây là năm đầu tiên Viglacera chính thức góp mặt trong hệ sinh thái của Gelex.
Doanh thu trong kỳ của Viglacera đạt 7.518 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với 9 tháng 2020 và hoàn thành được 63% mục tiêu cả năm. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng của công ty là 1.043 tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch lợi nhuận. Nguồn thu của Viglacera chủ yếu vẫn đến từ mảng bất động sản, đặc biệt từ các khu công nghiệp.
Giá trị tồn kho tại thời điểm 30/9 tăng 15% so với hồi đầu năm lên 3.932 tỷ đồng, ngoài ra giá trị xây dựng cơ bản dở dang dài hạn cũng tăng nhẹ 5% lên 4.097 tỷ đồng. Các dự án đang có giá trị dở dang lớn nhất gồm Khu công nghiệp (KCN) Yên Phong mở rộng (502 tỷ đồng), KCN Yên Phong II C (803 tỷ đồng), KCN Yên Mỹ (810 tỷ đồng), ngoài ra còn có dự án bất động sản nghỉ dưỡng Furama Hạ Long - Resort & Villas với giá trị dở dang 268 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phát triển thêm một kênh bán hàng mới là thương mại điện tử Viglacera Shop Online với nhiều chương trình để thu hút khách hàng và duy trì kết quả kinh doanh, gồm combo sản phẩm; chính sách vận chuyển miễn phí; các chương trình quà tặng, chiết khấu…
Một trong những doanh nghiệp gây chú ý trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây, CTCP Louis Land (mã chứng khoán: BII) cũng đã công bố lợi nhuận sau thuế sau ba quý kinh doanh đạt 38 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch đề ra.
Doanh thu lũy kế của công ty cũng tăng vượt trội so với con số 1,4 tỷ đồng cùng kỳ, đạt 368 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bán hàng hóa, thành phẩm chiếm đến 99,5% tổng doanh thu thuần. Ngoài ra trong kỳ công ty cũng ghi nhận thêm 87 tỷ đồng khoản lãi chuyển nhượng công ty.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại thời điểm cuối quý III của Louis Land là 148 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các dự án cụm công nghiệp Thắng Hải II (92 tỷ đồng) và cụm công nghiệp Tân Bình (31,5 tỷ đồng).
Công ty cũng cho biết kế hoạch đẩy mạnh cho thuế đất tại Cụm công nghiệp Thắng Hải I và mở rộng hoạt động kinh doanh, trước tiên định hướng các tỉnh An Giang và Bình Thuận.
Ngoài ra các doanh nghiệp khác trong nhóm khu công nghiệp như Nam Tân Uyên (NTC), KCN Cao su Bình Long (MH3), Becamex IJC (IJC), Sonadezi Long Thành (SZL), Tín Nghĩa (TIP) cũng đều đang tiệm cận mục tiêu lợi nhuận với tỷ lệ thực hiện từ 85% trở lên.
Doanh nghiệp có mức vượt chỉ tiêu cao nhất sau 9 tháng là CTCP Đầu tư Nhà Đất Việt (mã chứng khoán: PVL) với lợi nhuận sau thuế lũy kế cao gấp 15 lần kế hoạch đề ra.
Quý III năm nay, kết quả kinh doanh của Nhà Đất Việt bất ngờ tăng vọt giúp công ty vượt chỉ tiêu năm trong khi bán niên báo lỗ hơn 1 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng quý III, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đã cao gấp 5,7 lần cùng kỳ, nguyên nhân là do tăng doanh thu từ dịch vụ môi giới, theo giải trình từ phía công ty. Bên cạnh đó, công ty cũng thu thêm từ lãi đầu tư trái phiếu, cổ phiếu, ký phiếu, tín phiếu dẫn đến doanh thu tài chính cao gấp 36 lần cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (APEC, mã chứng khoán: API) đạt 616 tỷ đồng và lãi sau thuế 72 tỷ đồng. Năm nay, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu 580 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 62 tỷ đồng và chỉ sau 9 tháng đã thực hiện được lần lượt 106% và 116% chỉ tiêu cho cả năm 2021.
Danh mục tồn kho của doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý III chủ yếu là chi phí xây dựng dở dang tại các dự án Royal Park Huế; Mandala Phú Yên; Khu công nghiệp Đa Hội; Aqua Park Bắc Giang… Chi phí dở dang dài hạn của APEC tăng thêm 11 tỷ đồng so với đầu năm do tăng chi phí tại dự án Aqua Park Bắc Giang.
Hiện hai dự án treo cả thập kỷ của APEC là Chợ Tam Đa và Trung tâm Thương mại Thái Nguyên vẫn bỏ ngỏ, chưa có chuyển động mới.
Bên cạnh hai cái tên kể trên, trong nhóm tiến sát mục tiêu lợi nhuận còn có Đạt Phương (DPG), Cenland (CRE), TTC Land (SCR) và Hodeco (HDC) với tỷ lệ thực hiện từ 80% - 83%. Quán quân lợi nhuận của ngành là Vinhomes (VHM) hiện cũng tiến gần sát chỉ tiêu năm với mức hoàn thành đạt 78%.
Chủ đầu tư 15:44 | 17/11/2021
Chủ đầu tư 12:04 | 15/11/2021
Chủ đầu tư 12:36 | 11/11/2021
Chủ đầu tư 10:02 | 10/11/2021
Chủ đầu tư 07:00 | 04/11/2021
Chủ đầu tư 09:40 | 03/11/2021
Chủ đầu tư 13:24 | 01/11/2021
Chủ đầu tư 10:01 | 01/11/2021