Điều chỉnh thiết kế dự án chống ngập 10.000 tỉ ở Sài Gòn

Thực tế thi công có nhiều thay đổi nên dự án chống ngập gần 10.000 tỉ đồng buộc phải điều chỉnh thiết kế cơ sở để hoàn tất hồ sơ quyết toán khối lượng hoàn thành.

Sau 3 năm kể từ ngày khởi công, dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đạt được 75% khối lượng công trình, khiến người dân bức xúc khi thành phố đã vào mùa mưa.

Trước sự chậm trễ này, UBND TP HCM đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ một số vướng mắc của dự án, từ điều chỉnh thiết kế cơ sở, gia hạn vốn vay ưu đãi cho đến việc giải phóng mặt bằng.

Ký phụ lục hợp đồng

UBND TP vừa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở dự án. Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định, trình duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trước ngày 26/7.

Đây là các thủ tục bắt buộc để UBND TP và nhà đầu tư là Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam ký phụ lục hợp đồng.

Lý giải về việc phải điều chỉnh thiết kế cơ sở, đại diện Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam cho biết việc này xuất phát từ sự thay đổi trong quá trình xây dựng trên công trường so với thiết kế cơ sở ban đầu.

Nhà đầu tư cho rằng việc điều chỉnh thiết kế cơ sở là việc làm bình thường ở các công trình xây dựng bởi thiết kế ban đầu không lường hết những phát sinh khi thi công. Việc điều chỉnh giúp cho hồ sơ dự án thống nhất từ thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công với công trình thực tế để làm cơ sở thanh toán khối lượng hoàn thành.

Điều chỉnh thiết kế dự án chống ngập 10.000 tỉ ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Cống kiểm soát triều Cây Khô. Ảnh: Lê Quân.

Theo kế hoạch, UBND TP sẽ thành lập tổ đàm phán ký kết phụ lục hợp đồng, giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng. Dựa trên kết quả của tổ đàm phán, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm xem xét, ký hợp đồng với tư cách Ủy viên UBND TP.

Liên quan đến thủ tục tái cấp vốn, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP, cho biết Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương gia hạn thời gian tái cấp vốn đối với dự án này.

Trong buổi làm việc ngày 18/6, các bên thống nhất giao Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm đầu mối thực hiện các thủ tục theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Tháo nút thắt mặt bằng

Một trong những điểm nghẽn của dự án này là mặt bằng luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau.

Hồi tháng 3, ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam, cam kết sẽ đưa dự án hoàn thành vào cuối năm nay nếu được bàn giao mặt bằng trong tháng 6.

Thế nhưng đến cuối tháng 6, một số quận, huyện vẫn chưa bàn giao mặt bằng. Nhà đầu tư lo ngại tiến độ sẽ bị ảnh hưởng nếu các địa phương tiếp tục kéo dài thời gian giao mặt bằng như 2 năm qua.

Điều chỉnh thiết kế dự án chống ngập 10.000 tỉ ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Hạng mục cống kiểm soát triều Mương Chuối vẫn đang chờ mặt bằng. Ảnh: Lê Quân.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết các quận, huyện đang tích cực vận động người dân bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng theo mốc thời gian như đề nghị của Ban chỉ đạo Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư TP.

"Không phải người dân không đi mà họ đang chờ bồi thường, hỗ trợ để đi. Nhưng cái khó là phần lớn người dân sống trên kênh rạch nên chủ yếu là hỗ trợ và nhiều trường hợp không đủ điều kiện tái định cư", ông Hoan nói về khó khăn khi vận động người dân.

Dù vậy, ông Hoan cho biết thành phố sẽ vận dụng các chính sách để tất cả người dân bị ảnh hưởng đều được tái định cư. Bên cạnh đó, TP sẽ vận động doanh nghiệp, địa phương hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống.

Dự án chống ngập do triều khu vực TP HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với 7 hạng mục gồm 6 cống kiểm soát triều Bến Nghé - Tân Thuận - Phú Xuân - Mương Chuối - Cây Khô - Phú Định với quy mô bề rộng cống từ 40 m-160 m và 7,8 km đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh, cùng các cống nhỏ dưới đê ở những khu vực xung yếu.

Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2, với khoảng 6,5 triệu dân trong vùng dự án ở các quận 1, 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh, Nhà Bè.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.