'Đỏ mắt' tìm mua thịt heo nhập khẩu

Mặc dù cơ quan chức năng cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đã nhập cả trăm ngàn tấn thịt heo ngoại, nhưng tại nhiều siêu thị lớn lẫn cửa hàng tiện lợi ở TP HCM, dân tìm “đỏ mắt” vẫn không thấy sản phẩm.
'Đỏ mắt' tìm mua thịt heo nhập khẩu - Ảnh 1.

Giá heo hạ nhiệt nhưng còn cao nên vẫn rất ế ẩm. (Ảnh: Uyên Phương).

Những ngày gần đây, giá thịt heo đã giảm nhiệt đôi chút nhưng vẫn ở mức khá cao. Tại một số chợ truyền thống như Xóm Chiếu (Quậ 4), Thủ Đức (Quận Thủ Đức), Bến Thành, Tân Định (Quậ 1), Bà Chiểu (Quận Bình Thạnh)…, sườn non có giá 220.000-230.000 đồng/kg, giò heo 170.000 đồng/kg…

Kẻ nói có, người bảo không

Tuy giá đã giảm nhưng đa số các quầy thịt heo ở chợ đều vắng khách. Chị Phạm Tuyết Vân (kinh doanh thịt heo) than thở: “Ế lắm, thịt về nhiều mà từ sáng đến giờ chưa có ai mua. Heo của tôi lấy từ lò trong nước, có nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ đàng hoàng nhưng do giá cao, khách nào cũng lắc đầu. Bên cạnh đó heo nhập về nhiều khiến thịt ế lại càng ế. Cứ tình trạng này kéo dài thì Tết không biết sẽ bán thế nào đây”.

Ông Trần Văn Minh, thương lái chợ đầu mối Tân Xuân (TP HCM) cho biết: “Giá thịt heo tăng quá cao khiến sức tiêu thụ chậm. Tuy nguồn heo cung vẫn chưa đáp ứng được cầu nhưng thị trường đã “hạ nhiệt” vì có thêm nguồn heo sống từ Thái Lan đổ về, heo đông lạnh pha lóc cũng xuất hiện tại các chợ đầu mối”.

Trong khi đó, người tiêu dùng đang hỏi thăm nhau để tìm mua heo ngoại nhập ăn Tết vì nghe nói giá rất rẻ. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, 11 tháng đầu năm 2019 đã nhập về 111.000 tấn thịt heo, giá nhập bình quân mặt hàng thịt heo là 1.117 USD/tấn, tương đương 25.950-26.000 đồng/kg. Cộng các loại thuế, phí, thịt heo nhập khẩu bán ra thị trường có giá khoảng 33.000-35.000 đồng/kg. 

Dẫu vậy, tìm mua loại thịt này ngoài thị trường không dễ dàng chút nào.

Ngày 10/1, nhiều siêu thị VinMart, VinMart+, Aeon, BigC… tại TP HCM bày bán khá nhiều các sản phẩm từ thịt heo, trong đó có cả heo nóng và thịt heo đông lạnh. Tuyệt nhiên “bói” không ra một miếng thịt heo ngoại nhập. Trong đó, tại Aeon giá thịt heo ở mức rất cao, như sườn non tới 290.000 đồng/kg, ba rọi 220.000 đồng/kg… Còn giá bán thịt ba rọi và sườn non tại chuỗi VinMart, VinMart+ cũng đạt mốc 226.000 đồng/kg và 249.000 đồng/kg.

Đại diện siêu thị BigC khẳng định heo tại siêu thị đa số là thịt tươi trong nước và dự phòng thịt trữ đông. Nguồn thịt từ các nhà cung cấp trong nước. Siêu thị này cam kết đủ sản lượng thịt cung ứng dịp Tết và không cần nguồn thịt ngoại nhập. 

Giám đốc một siêu thị của VinMart cũng cho biết đa số thịt đang bán trên thị trường có nguồn gốc nội địa. Siêu thị cũng sẽ tính đến phương án nhập khẩu nếu nguồn cung trong nước thiếu hụt, còn trước mắt vẫn ưu tiên hàng Việt Nam.

Trong khi đó, đại diện siêu thị MM Mega Market cho biết có thịt heo nhập khẩu như móng giò, sườn nhưng số lượng cực kì ít, chỉ chiếm 3%, còn lại 97% đều là thịt heo trong nước.

Thế nhưng trên các shop online, Zalo, Facebook, hội nhóm “Chợ Cô Ba”, “Phiên chợ xanh”… heo nhập đến từ các nước, nguồn hàng luôn sẵn có. Đơn cử như shop lamaison, nguồn hàng thịt heo từ Tây Ban Nha, Mỹ, Canada, Ba Lan, Đức giá chỉ từ 79.000 đến 110.000 đồng/kg (tùy loại).

Coi chừng mất sân nhà

Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, sản lượng heo hơi xuất chuồng năm 2019 khoảng 3,29 triệu tấn, giảm 14% so với năm 2018.

Để đủ thịt cho tiêu dùng, dự kiến Việt Nam sẽ nhập thêm khoảng 100.000 tấn thịt heo từ nay tới hết quý I/2020, đảm bảo nguồn cung tiêu dùng trước và sau Tết Nguyên đán 2020. 

Theo Sở Công thương TP HCM, tính đến giữa tháng 12/2019, lượng thịt heo nhập khẩu (từ Brazil, Ba Lan, Canada, Mỹ, Đức, Australia..) về thành phố lên đến 13.231 tấn, tăng 117% so với cùng kì năm 2018.

Trong khi thịt heo nhập về ồ ạt, giá rẻ hơn so với thịt trong nước, nhiều chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp tỏ ra quan ngại nếu doanh nghiệp chăn nuôi đưa giá quá cao, người tiêu dùng quay lưng dễ dẫn đến nguy cơ mất thị trường ngay trên sân nhà. 

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng nếu không sớm giảm giá thịt heo thành phẩm thì người tiêu dùng sẽ quay lưng với mặt hàng này. Khi đó, người chăn nuôi, thương lái và tiểu thương sẽ là bên thua thiệt.

Ông Nguyễn Thanh Phi Long, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình, nói: “Từ đầu năm đến nay, thịt gà, thịt heo đông lạnh nhập khẩu ồ ạt về các chợ đầu mối tại thành phố. Điều chúng tôi e ngại là thịt nhập giá rẻ chưa được kiểm soát về chất lượng đang tràn lan ngoài thị trường, cạnh tranh không lành mạnh với thịt nội khiến doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi cũng e ngại mở rộng đầu tư”.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lí An toàn thực phẩm TP HCM, lưu ý người dân khi mua bất kì sản phẩm nào trên mạng, kể cả hàng nhập khẩu, người tiêu dùng đều phải yêu cầu được xem các giấy chứng nhận, hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ trước khi quyết định mua. 

“Không phải cứ ăn cá tươi, thịt nóng là đảm bảo, bởi nguy cơ nhiễm vi sinh vẫn có thể xảy ra. Trong khi hàng đông lạnh nếu cấp đông đúng cách sẽ an toàn hơn. Cần có những thay đổi nhận thức để đảm bảo an toàn thực phẩm”, bà Phong Lan nói.

Để đủ thịt cho tiêu dùng, dự kiến Việt Nam sẽ nhập thêm khoảng 100.000 tấn thịt heo từ nay tới hết quý I/2020, đảm bảo nguồn cung tiêu dùng trước và sau Tết nguyên đán 2020.



chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.