Doanh nghiệp BĐS đối mặt nguy cơ 'chết' trên đống tài sản của chính mình

Các doanh nghiệp BĐS đang phải đối mặt với các khoản nợ "gối đầu" cho các dự án trước đây và xoay xở trả lãi ngân hàng mỗi tháng. Việc ngân hàng áp dụng các gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch nhưng không bao gồm nhóm BĐS đã gây nhiều bức xúc cho chủ đầu tư.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay, không bao gồm cho vay chứng khoán, bất động sản 

Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 kéo dài lâu hơn dự kiến đã tác động mạnh đến nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp nói riêng. 16 ngân hàng thương mại theo đó đã tự nguyện cam kết các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, với số lãi vay sẽ được cắt giảm khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm. 

Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB),... giảm lãi suất 0,5-1 điểm % tùy vào khoản vay và kỳ hạn vay.

Hay Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) giảm lãi suất 0,5 - 1,2 điểm phần trăm mỗi năm cho các khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch.

Gần đây nhất, Vietcombank cũng công bố chính sách giảm lãi suất lớn nhất trong năm 2021. Trong đó, ngân hàng sẽ giảm lãi suất 1 điểm % mỗi năm cho khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và giảm 0,5 điểm % mỗi năm cho khách hàng vay vốn phục vụ đời sống.

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất nói trên không được áp dụng đối với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản (BĐS), vay cầm cố giấy tờ có giá,… theo thông báo của các ngân hàng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), "hầu như các doanh nghiệp BĐS chưa được các ngân hàng xem xét hỗ trợ thỏa đáng vì vẫn được đánh giá là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro".

Doanh nghiệp BĐS trước nguy cơ "chết" trên đống tài sản

Trong văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước mới đây, ông Lê Hoàng Châu cho biết, hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS đã dần kiệt sức sau hơn một năm rưỡi dịch Covid-19 bùng phát, thậm chí nguồn lực của một số doanh nghiệp bị bào mòn, có nguy cơ phá sản,...

Bên cạnh những khó khăn về mặt pháp lý chưa được giải quyết triệt để, doanh nghiệp BĐS hiện nay đối mặt với cái khó lớn nhất là thiếu dòng tiền. Ông Châu ví von, "doanh nghiệp thiếu dòng tiền như cơ thể bị thiếu oxycó thể làm cho doanh nghiệp bị ngộp thở ngay lập tức, do không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động,...".

Thực tế trong giai đoạn giãn cách để phòng chống dịch, các hoạt động của doanh nghiệp đều phải tạm ngưng, các dự án cũng ngừng triển khai, khả năng tiến độ chậm so với kế hoạch, thanh khoản của thị trường cũng giảm mạnh, hoạt động huy động vốn cũng khó khăn hơn,...

Trong khi đó, doanh nghiệp BĐS vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn mỗi tháng và áp lực nặng nề hơn đối với những khoản nợ đến hạn.

Theo thống kê của người viết từ 54 doanh nghiệp BĐS niêm yết, tổng dư nợ vay của các doanh nghiệp tính đến cuối tháng 6 gần 175.000 tỷ đồng, tăng gần 7.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Còn theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản vào khoảng 672.224 tỷ đồng, tăng hơn 11.000 tỷ đồng so với cuối tháng 3.

"Theo quy chế hoạt động của ngân hàng, nếu không trả được các khoản vay đến hạn, ngay lập tức các khỏan vay này trở thành nợ xấu hoặc nhóm nợ xấu hơn, kéo theo doanh nghiệp lâm vào bế tắc vì không thể tiếp cận được các khoản vay mới để vượt qua khó khăn. 

Kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản là rủi ro và là nguy cơ lớn nhất của mọi doanh nghiệp phải đương đầu, mặc dù có thể vẫn còn tài sản nhưng do chưa bán được dẫn đến thiếu dòng tiền, nên doanh nghiệp có thể bị chết trên đống tài sản của chính mình", ông Châu phân tích. 

Ngóng gói hỗ trợ từ ngân hàng, chủ đầu tư bức xúc vì không nằm trong đối tượng được áp dụng

Những doanh nghiệp BĐS hoạt động tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa,... thời gian qua cũng chịu cảnh cùng cực. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết thời gian qua các doanh nghiệp có biết đến gói hỗ trợ vay vốn của Nhà nước nhưng chỉ có một doanh nghiệp tiếp cận được. 

Theo ông Thanh, doanh nghiệp vay ngân hàng để kinh doanh đang mất dần khả năng trả vốn cùng lãi vay, đối mặt với nguy cơ trở thành nhóm nợ xấu, đang đứng trước bờ vực phá sản.

Riêng lĩnh vực môi giới, ông Phạm Lâm, nhà sáng lập DKRA thông tin, có khoảng 70% doanh nghiệp gặp khó khăn, 50% doanh nghiệp không có doanh thu hoặc doanh thu rất ít.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land cũng cho biết, sau gần hai năm trải qua dịch bệnh, nguồn lực dự phòng của các doanh nghiệp đang cạn dần, khi dịch bệnh qua đi, việc khôi phục các hoạt động đầu tư, bán hàng là thách thức lớn.

Đề cập đến thông tin BĐS, chứng khoán,... không nằm trong nhóm đối tượng được ngân hàng hỗ trợ, bà Hương chia sẻ: "Khách hàng nào cũng trả lãi sòng phẳng, thậm chí cho vay BĐS lãi suất còn cao hơn các khoản vay sản xuất, kinh doanh ở ngành nghề khác. 

Các doanh nghiệp BĐS và ngân hàng đã đồng hành và gắn bó chặt chẽ với nhau trong suốt một hành trình dài và đóng góp không nhỏ vào hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đến khi các doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư BĐS gặp khó khăn thì lại bị loại trừ ra khỏi các chương trình hỗ trợ của ngân hàng".

Bà Hương cho rằng thực hư quan điểm chống đầu cơ của ngân hàng không biết có chính xác không nhưng cách ngân hàng đang phân biệt đối xử với khách hàng hiện nay là không công bằng. 

"Doanh nghiệp sống được thì ngân hàng mới sống khỏe"

Cũng theo ông Châu, lĩnh vực bất động sản đóng góp khoảng 7-8% GDP cả nước, có liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác nhau và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động. Do vậy, việc các ngân hàng chia sẻ áp lực đối với doanh nghiệp BĐS lúc này là cần thiết, trước mắt là giảm lãi vay, gia hạn thời gian trả nợ, khoanh nợ đáo hạn, không chuyển sang nợ xấu hoặc nhóm nợ xấu hơn.

"Không thể có chuyện nền kinh tế phát triển bình thường nếu xảy ra tình trạng hầu hết doanh nghiệp khó khăn, thua lỗ, còn các ngân hàng thì lãi to. 

Lợi nhuận của không ít ngân hàng thương mại trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 tương phản với bức tranh chung của nền kinh tế, bởi có quá nhiều doanh nghiệp và người dân đang phải chật vật đối phó với vô vàn khó khăn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần thấu hiểu và chia sẻ với những cái khó riêng của các ngân hàng thương mại vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp, phải tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh nên ngân hàng và doanh nghiệp cần cùng nhau giải quyết hài hoà lợi ích của các bên. Doanh nghiệp sống được thì ngân hàng mới sống khỏe", ông Châu nhận định.

Trên cơ sở những khó khăn của doanh nghiệp, ông Châu cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng. 

Từ đó, giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn vay, giảm chi phí đầu vào, được tiếp cận các khoản vay mới, có thêm thời gian dần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.