Nhiều doanh nghiệp bất động sản 'sốt sắng' lên tiếng, lãnh đạo xuống tiền trăm tỷ khi thị giá cổ phiếu đổ đèo

Trước hối cảnh giá cổ phiếu lao dốc từ cuối tháng 5 đến nay, loạt doanh nghiệp địa ốc - xây dựng đã ra thông cáo khẳng định vẫn hoạt động bình thường, đồng thời nhiều lãnh đạo dự kiến chi hàng trăm tỷ đồng mua cổ phiếu để bình ổn thị giá, trấn an tâm lý nhà đầu tư.

Cổ phiếu nhóm địa ốc - xây dựng lao dốc, nhiều lãnh đạo "sốt sắng" xuống tiền trăm tỷ bình ổn thị giá

Từ cuối tháng 5 đến nay, thị giá cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản và xây dựng trên đầ giảm mạnh. 

Đơn cử như mã DIG của DIC Corp tại thời điểm chốt phiên ngày 27/6 đã “bốc hơi” gần 50% sau nhiều phiên liên tiếp “nằm sàn” kể từ ngày 30/5. Mã CEO của C.E.O Group đã rơi gần 48%, mã DXG của Đất Xanh hay mã NLG của Nam Long cũng giảm khoảng 30% trong giai đoạn này. 

Thậm chí, nhiều cổ phiếu cũng giảm xuống dưới mệnh giá sau nhiều phiên giảm sâu. Tại thời điểm chốt phiên ngày 27/6, mã LDG của CTCP Đầu tư LDG hay mã G36 của Tổng Công ty 36 đều ở mức 7.000 đồng/cp sau khi giảm gần 50% trong giai đoạn nói trên.

Doanh nghiệp xây dựng, Tập đoàn Hòa Bình (HBC) cũng tương tự khi giá cổ phiếu HBC đã rơi khoảng 25% với nhiều phiên giảm xuống giá sàn.  

 Cổ phiếu DIG của DIC Corp liên tục "lao dốc" trong giai đoạn từ ngày 31/5 đến nay. (Nguồn: Tradingview). 

Chứng kiến tình trạng giá giảm sâu này, nhiều lãnh đạo đã chi hàng tỷ đồng mua cổ phiếu của doanh nghiệp mình nhằm mục đích bình ổn thị giá.

Gần nhất, ngày 22/6, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch HĐQT DIC Corp và là con trai Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn vừa đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu DIG trong bối cảnh thị giá “nằm sàn” 5 phiên liên tiếp. Cùng ngày, mã DIG đã tăng trở lại và đóng cửa trong sắc tím trần.

Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 30/6 - 29/7. Nếu hoàn tất, tỷ lệ sở hữu của ông Cường tại DIC Corp sẽ tăng từ 10,28% lên 12,28%. Tạm tính theo giá DIG hiện nay, lô cổ phiếu mà ông Cường dự kiến mua có giá thị trường là 337 tỷ đồng.

Không chỉ có lãnh đạo DIC Corp, ngày 20/6, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu HBC sau 6 phiên liên tiếp "đổ đèo" của cổ phiếu HBC. Theo ông Hải, mục đích của giao dịch này là nhằm bình ổn giá cổ phiếu trên thị trường/ đầu tư. 

Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 23/6 - 22/7. Nếu giao dịch hoàn tất, tỷ lệ sở hữu của ông Hải tại Xây dựng Hòa Bình sẽ tăng từ 15,84% lên 19,91% vốn điều lệ. Hiện, cổ phiếu HBC đang giao dịch trong khoảng 17.200 đồng/cp. Tạm tính theo mức giá này, ông Hải sẽ phải chi khoảng 172 tỷ đồng.

Sau thông tin ông Hải đăng ký mua cổ phiếu được tung ra, ngày 21/6, thị giá HBC bất ngờ chạm đỉnh và tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày 22/6. 

 Ảnh minh họa: Tạp chí tài chính. 

Trước đó vào ngày 15/6, Chủ tịch HĐQT LDG, ông Nguyễn Khánh Hưng cũng đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu LDG, tăng tỷ lệ sở hữu từ 11,29% lên 12,13% trong bối cảnh LDG “nằm sàn” liên tiếp 3 phiên. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 22/6 - 21/7. Hiện, cổ phiếu LDG đang giao dịch trong khoảng 7.680 đồng/cp, tạm tính theo mức giá này, số tiền lãnh đạo LDG phải chi là vào khoảng 15 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty 36, ông Nguyễn Đăng Giáp cùng em trai là ông Nguyễn Đăng Hiếu cũng đăng ký mua hơn 5,5 triệu cổ phiếu G36 để đầu tư. Sau khi hoàn tất, tỷ lệ sở hữu của ông Giáp sẽ tăng lên trên 17%, còn tỷ lệ sở hữu của ông Hiếu sẽ tăng lên gần 1,28% vốn điều lệ doanh nghiệp.

Hiện, cổ phiếu G36 đang ở mức 7.900 đồng/cp, tạm tính theo mức giá này, tổng số tiền ông Giáp cùng em trai phải chi là khoảng hơn 40 tỷ đồng.

Doanh nghiệp trấn an cổ đông, khẳng định vẫn hoạt động bình thường

Trước bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp cho rằng xu hướng thị giá cổ phiếu sụt giảm liên tục này là do những yếu tố mà doanh nghiệp không thể kiểm soát được như cung cầu thị trường, thị hiếu của nhà đầu tư hay sự xuất hiện của biến thể Omicron, ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, FED tăng lãi suất,..., đồng thời khẳng định hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vẫn đang diễn ra bình thường.

Cụ thể, Chủ tịch HĐQT DIC Corp, ông Nguyễn Thiện Tuấn đã có thư gửi cổ đông và cho rằng các ảnh hưởng gần đây của thị trường chỉ mang tính ngắn hạn đến thị giá cổ phiếu, không ảnh hưởng đến triển vọng phát triển dài hạn của doanh nghiệp. 

Ông Tuấn cũng cho biết công ty đang tận dụng toàn bộ năng lực để có thể đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 với hàng loạt dự án như Vị Thanh (Hậu Giang), CSJ (Bà Rịa - Vũng Tàu),... sẽ mở bán trong quý III/2022 và xây dựng các phương án vốn dự phòng.

Ngoài DIC Corp, trong văn bản giải trình việc cổ phiếu liên tiếp giảm sàn, LDG và Hodeco cũng khẳng định công ty vẫn hoạt động bình thường và không có biến động gì xấu ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Hay như Đất Xanh, một trong doanh nghiệp có quỹ đất lớn và lợi nhuận cao trong nhóm doanh nghiệp bất động sản đại chúng cũng cho biết thị giá cổ phiếu DXG chưa phản ánh đúng giá trị thực của công ty. 

Lãnh đạo Đất Xanh từng kỳ vọng năm 2022, giá trị thực của DXG sẽ được phản ánh đúng đắn hơn vào thị giá cổ phiếu, hướng đến vốn hoá ít nhất ngưỡng 2 tỷ USD. Song, sau gần 6 tháng đầu năm, thị giá DXG đã rơi gần 40% còn khoảng 19.000 đồng/cp. 

Thông thường, giá cổ phiếu biến động tốt song hành cùng kết quả kinh doanh khả quan sẽ ảnh hưởng tích cực đến bộ mặt doanh nghiệp, nhận được sự ưu ái hơn từ các tổ chức tín dụng, giới truyền thông, các nhà phân tích,..., từ đó tạo niềm tin với đối tác.

Tuy nhiên, trên thực tế, giá cổ phiếu không phản ánh hoàn toàn giá trị và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như sự phát triển của nền kinh tế, tình hình chính trị, quy luật cung cầu của thị trường hay tâm lý nhà đầu tư. 

Với các doanh nghiệp hiện nay, dù khẳng định công ty vẫn hoạt động bình thường sau xu hướng “đổ đèo” của cổ phiếu, song điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý các cổ đông công ty, đồng thời ảnh hưởng phần nào đến sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Bởi chào bán cổ phiếu là một trong những hình thức huy động vốn cần thiết hiện nay của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh tín dụng vào BĐS chịu kiểm soát chặt chẽ. 

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.