Hơn nửa thế kỉ thành lập, nổi danh với sản phẩm bánh gạo trên thế giới, giờ đây đại gia bánh gạo Want Want đã chọn thị trường Việt Nam làm trọng điểm chính để tăng trưởng. Đại gia này cũng xem nước ta là bàn đạp để xuất khẩu các sản phẩm đi thị trường Đông Nam Á, châu Âu, Mỹ.
Trò chuyện với Pháp Luật TP HCM, ông Everett Chu, Giám đốc tài chính Tập đoàn Want Want, khẳng định:“Chúng tôi chọn Việt Nam để xây dựng nhà máy có tổng giá trị 70 triệu USD vì đây là vựa lúa gạo lớn thế giới và đây là nguyên liệu chính cho món bánh gạo vốn làm nên thương hiệu của công ty”.
- Tại sao ông chọn Việt Nam thay vì các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia hay Singapore… vốn đã chấp nhận sản phẩm của công ty?
- Có lí do để chúng tôi đưa ra quyết định chọn Việt Nam. Thứ nhất, chúng tôi lạc quan về triển vọng tăng trưởng trên thị trường Việt Nam. Thứ hai, thị trường Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với tập đoàn chúng tôi trong những năm tới.
Thêm vào đó, chúng tôi chọn Việt Nam để xây dựng nhà máy vì đây là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt, dân số trẻ có xu hướng chi tiêu nhiều cho những sản phẩm mới lạ. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận được sự chào đón nồng ấm của chính quyền sở tại. Đây là những điều rất ý nghĩa và tiềm năng đối với một tập đoàn ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống.
Đặc biệt, chúng tôi chọn thị trường Việt Nam làm bàn đạp để xuất khẩu các sản phẩm đi thị trường Đông Nam Á, châu Âu, Mỹ. Nhà máy tại Việt Nam kì vọng tạo ra doanh thu 260 triệu USD mỗi năm, đồng thời tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm cho người dân địa phương.
- Ông nói rằng Việt Nam là vựa lúa gạo thế giới và đây sẽ là nguyên liệu chính để sản xuất bánh gạo của tập đoàn xuất khẩu ra thế giới?
- Để làm ra miếng bánh gạo phải mất đến ba ngày nên đòi hỏi phải có nguyên liệu tốt. Chúng tôi cam kết sẽ sử dụng nguồn nguyên liệu chính ở Việt Nam là gạo và đường trắng, đồng thời cũng sử dụng năng lượng sạch để bảo vệ môi trường.
Thực tế mới đây chúng tôi đã sử dụng gạo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long để sản xuất bánh gạo, mang qua Nhật để thử nghiệm và kết quả rất tốt. Chính vì vậy, chúng tôi đã tính toán sử dụng đến 6.000 tấn gạo/năm tại đồng bằng sông Cửu Long để làm nguyên liệu cho các sản phẩm, sản xuất bánh mang ra thị trường Đông Nam Á và thế giới.
Với nguyên liệu tại chỗ, dồi dào và chất lượng tốt, tôi tin rằng không có lí do gì không đem lại một sản phẩm phù hợp với thị hiếu và đáp ứng nhu cầu khách hàng quốc tế.
- Hiện nay thị trường bánh kẹo Việt Nam đã có rất nhiều thương hiệu lớn cạnh tranh rất khốc liệt. Vậy tập đoàn của ông sẽ cạnh tranh trước các đối thủ lớn ra sao, có gì khác biệt?
- Chúng tôi hiểu kinh doanh chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhưng tôi tin rằng có thể có một cuộc chơi sòng phẳng, vì có một đội ngũ nghiên cứu và phát triển chuyên nghiệp, công nghệ hiện đại cũng như hệ thống quản lí chất lượng nghiêm ngặt đáp ứng tiêu chuẩn của bất kì thị trường nào.
Chúng tôi cũng nhận thức rõ đã có nhiều đối thủ bán bánh gạo tại thị trường Việt Nam nên nghiên cứu rất cẩn trọng về thị trường, thị hiếu, khẩu vị… để thâm nhập và cạnh tranh thành công. Thực tế khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, công ty tôi đã cử các chuyên gia sang Việt Nam nghiên cứu thị trường. Họ thu thập tất cả sản phẩm bánh gạo đang có tại Việt Nam đem về nghiên cứu, phân tích ở nhiều góc độ để tìm ra dòng bánh gạo nào phù hợp nhất.
-Xem ra ông khá tự tin về chiến thắng trên thị trường?
- Ai cũng phải đặt cho mình niềm tin về một kết quả tốt đẹp nhất. Nhưng niềm tin của chúng tôi có cơ sở vì cũng từng là một người mới trên thị trường Đài Loan, Trung Quốc và phải cạnh tranh với nhiều ông lớn nhưng chúng tôi giờ đây chiếm thị phần rất lớn tại đây.
Riêng tại Đài Loan, hiện nay chúng tôi đã xây dựng một thương hiệu mạnh đến mức sản phẩm bánh gạo được xem như là món quà lễ, Tết cũng như vật phẩm thờ cúng tổ tiên, đền chùa. Còn tại thị trường Trung Quốc, dù gặp phải sự cạnh tranh gay gắt nhưng hiện công ty có tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trên 13%, doanh thu năm 2018 đạt đến hơn 3 tỉ USD.
- Ông có thể chia sẻ bí quyết dẫn đến sự thành công?
- Nhìn chung để thắng trên thị trường, chúng tôi xây dựng chiến lược tạo ra những sản phẩm cho thị trường ngách. Các sản phẩm này phải thực sự sáng tạo để làm sao phục vụ đúng thị hiếu khách hàng mà không cần phải viện đến việc cạnh tranh bằng giá.
Ngoài ra, công ty có đội ngũ chuyên gia xây dựng thương hiệu nhằm tạo ra những thương hiệu riêng, phù hợp với nhu cầu của khách hàng ở từng quốc gia.
- Một trong những yếu tố quan trọng nhất để giành chiến thắng trên thị trường chính là xây dựng hệ thống phân phối, ông tính bài toán này ra sao trên thị trường Việt Nam?
- Sự thành công của một công ty bán lẻ phụ thuộc vào hệ thống phân phối. Vì thế chúng tôi đã xây dựng một mạng lưới phân phối phủ sóng cả nước với hơn 1.000 nhân viên bán hàng. Công ty tôi cũng hiểu để có một hệ thống phân phối mạnh thì phải mang đến doanh thu tốt cho họ.
Tôi lấy một thí dụ tại Trung Quốc để thấy rằng sản phẩm của công ty đang đem lại sự thịnh vượng cho nhà phân phối bên đó ra sao. Một nhà phân phối tại Vũ Hán (Trung Quốc) bắt đầu phân phối sản phẩm Want Want từ năm 1993. Thời điểm đó họ đi giao hàng khắp khu vực bằng xe ngựa nhưng theo thời gian làm ăn phát đạt.
Đến năm 2011, họ đã có một đội ngũ phương tiện vận chuyển lên đến 70 xe tải giao hàng hằng ngày.
. Xin cám ơn ông.
Tập đoàn Want Want (nắm giữ thị phần bánh gạo lớn nhất tại Đài Loan) vừa quyết định xây dựng nhà máy đầu tiên tại tỉnh Tiền Giang để sản xuất và phân phối sản phẩm. Dự án có diện tích 75.000 m2 với tổng mức đầu tư 70 triệu USD, tuyển dụng 2.000 lao động. Đây cũng là nhà máy đầu tiên của tập đoàn này tại Đông Nam Á.
Hiện nay tập đoàn có mặt tại 59 quốc gia với trên 100 nhà máy và hơn 50.000 nhân viên. Tập đoàn được niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong từ năm 2008.
Từ "có duyên gặp nhau" đến 6,7 tỉ USD
+ Năm 19 tuổi, ông Tsai Eng-Meng, nhà sáng lập thương hiệu Want Want, tiếp quản việc kinh doanh thực phẩm của gia đình. Ông nảy sinh ý tưởng muốn làm bánh gạo nhưng thời điểm này Đài Loan chưa có công nghệ sản xuất loại bánh này nên ông quyết định đến Nhật để tìm hiểu.
Vào năm 1983, ở độ tuổi 25, ông Tsai Eng-Meng tìm gặp ông Maki San, người Nhật, lúc đó 64 tuổi và là ông chủ của Công ty bánh kẹo Iwatsuka để thuyết phục hợp tác sản xuất sản phẩm bánh gạo bán tại Đài Loan. Tuy nhiên, lúc đầu ông San từ chối hợp tác vì cho rằng ông Tsai Eng-Meng quá trẻ để bắt tay làm ăn.
Ông Tsai Eng-Meng kiên nhẫn thuyết phục và cho đến một ngày ông San quyết định mời ông Tsai Eng-Meng vào phòng, rót ra một li rượu và nói "chúng ta có duyên gặp nhau", đồng ý hợp tác. Cái duyên giữa hai ông đã đi suốt 40 năm, thương hiệu của chúng tôi đã chuyển giao sang thế hệ thứ ba là những người con trai của ông Tsai Eng-Meng.
Theo tạp chí Forbes, ông Tsai Eng-Meng hiện nay xếp hạng thứ 272 trên bảng xếp hạng tỉ phú USD, với giá trị tài sản là 6,7 tỉ USD. Còn tại Đài Loan, ông đứng thứ năm trong 50 người giàu nhất.