'Gạo ngon nhất thế giới' bị giả, nhái tràn lan

Ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" gạo ST25 khẳng định đã cạn nguồn cung, nhưng trên thị trường vẫn đang rao bán tràn lan loại gạo này.

Ông Cua cho biết sau khi đạt giải ở cuộc thi World's Best Rice (Gạo ngon nhất thế giới), tại Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo tổ chức tại Manila (Philippines) mới đây, loại gạo này nhanh chóng hút hàng trong nước.

"Trước khi đạt danh hiệu này, doanh nghiệp của tôi cung ứng cho một cơ sở ở TP HCM khoảng một tấn mỗi tháng với giá 20.000 đồng một kg. Tuy nhiên, hiện gạo ST25 gần như đã "cháy hàng", ông Cua nói và cho biết chỉ mới quyết định mở kho lúa ở ấp Hà Bô, xã Tài Văn, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) để chà gạo ST25 bán cho bạn bè thân thiết, cùng một số đại lí từng bán gạo thuộc các dòng ST của ông.

"Vài tấn gạo đầu tiên đã được doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí của gia đình bán hết, với giá 22.000 đồng một kg", ông Cua nói.

Hiện ở Sóc Trăng, nhiều đại lí chuyên kinh doanh gạo đang săn lùng gạo ST25 để bán lẻ, hoặc gửi cho đại lí cấp 2, với giá bán lẻ trung bình ngoài thị trường là 28.000 đồng một kg (140.000 đồng một túi 5 kg). Riêng thị trường bán lẻ ở TP Cần Thơ và TP HCM có giá bán lên đến 35.000 đồng.

'Gạo ngon nhất thế giới' bị giả, nhái tràn lan - Ảnh 1.

Ông Hồ Quang Cua với gạo ST25 chính gốc. (Ảnh: HH).

Chị Trịnh Thị Linca, chủ một cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Sóc Trăng cho biết: "Mấy ngày nay vợ chồng tôi phải thông qua nhiều mối mới mua được gạo ST25 bán lại, nhưng chỉ được một ít".

Giải thích nguyên nhân khiến gạo ST25 "cháy hàng", ông Hồ Quang Cua cho biết do trước đây nhóm nghiên cứu của ông chỉ sản xuất thử, vì giống này vẫn chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận, nên không có nhiều hàng để bán lúc này.

Để bảo vệ thương hiệu gạo ST25, ông Cua cho biết đang đề xuất Bộ Nông nghiệp một số nội dung để xây dựng thương hiệu chung như: Công nhận đặc cách, đưa gạo ST25 vào danh mục gạo thơm quốc gia. Đặc biệt là xin kinh phí để bảo hộ gạo ST25 trên thế giới. Đồng thời phát triển sản xuất giống lúa ST25 dựa vào nhu cầu của thị trường. Doanh nghiệp của ông đang in ấn lại bao bì có logo được quốc tế công nhận để chống hàng giả.

Theo ông Cua, nếu muốn phát triển mạnh thì phải học tập mô hình của Thái Lan là có một quỹ dự trữ nguồn giống quốc gia để khi thị trường có nhu cầu tăng đột biến sẽ có nguồn để cung ứng.

Tại TP HCM, khảo sát các cửa hàng bán gạo cho thấy, rất nhiều nơi gắn mác"ST25" lên sản phẩm gạo của mình.

Tại cửa hàng gạo trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp), mặc dù không trưng biển gạo ST25 nhưng khi được hỏi về sản phẩm, chủ cửa hàng cho biết có bán. Thay vì đóng thành các bịch nhỏ 5-10 kg thì tại đây gạo được đựng trong bao 50 kg không có nhãn mác và tên sản phẩm, cũng như nguồn gốc xuất xứ.

"Gạo ST25 được tôi mua từ thương lái miền Tây. Gạo này mềm, dẻo, thơm ngon, giá 22.000 đồng một kg. Sở dĩ gạo không đóng bịch nhỏ như thông thường vì khách hàng mua lẻ 1-2 kg khá nhiều. Mặt khác, lấy gạo từ thương lái thì thường cân theo tạ, tấn chứ ít khi lấy hàng đóng bao", anh Hoàng, chủ cửa hàng trên giải thích và cho rằng, gạo này khách khá chuộng nên mỗi tháng anh bán được vài tạ.

Khi hỏi tại sao không để bảng ST25 cho dễ nhìn mà lại để "Sữa Thái", anh Hoàng cho rằng, để tên "Sữa Thái" cho dễ đọc. Còn khi nào khách có nhu cầu tìm hiểu về ST25 thì sẽ cung cấp sản phẩm cho khách nhận diện.

'Gạo ngon nhất thế giới' bị giả, nhái tràn lan - Ảnh 2.

Gạo được cho là ST25, khi trưng bày cửa hàng ở TP HCM ghi "Sữa Thái". (Ảnh: Thi Hà).

Cũng gắn mác ST25 lên sản phẩm gạo không rõ nguồn gốc, chủ cửa hàng trên đường Phạm Văn Đồng (Thủ Đức) cho hay việc gắn mác này là do thương lái ghi nhãn chứ thực tế anh không hề biết rõ về nguồn gốc sản phẩm. Anh chỉ biết là gạo được nhập từ miền Tây, chất lượng tốt, khách mua một lần ghé lại mua nhiều lần nên mỗi lần nhập anh lấy khoảng 5 tạ.

"Thực tế, giống gạo chúng tôi ghi theo tên gọi thương lái giao hàng. Để kiểm định chất lượng thì chỉ nhìn vào gạo hạt dài, hay tròn, độ già của hạt chứ không bao giờ tìm hiểu quá kỹ về dòng này cho ai trồng", chủ cửa hàng bộc bạch.

Không chỉ các cửa hàng gạo gắn mác "ST25" tràn lan mà trên mạng xã hội loại này cũng được rao bán rầm rộ. Nhiều người bán hàng cho biết mỗi đợt bán được từ 5 tạ đến 5 tấn. Giá mỗi kg dao động 25.000 - 27.000 đồng, thậm chí nhiều đầu mối còn nhận giao hàng toàn quốc.

Chị Ngân, bán gạo trên mạng cho biết, số lượng đặt hàng mỗi đợt lên tới cả tấn. Mặc dù quảng cáo là gạo lấy tại nhà kỹ sư Hồ Quang Cua với đầy đủ nhãn mác và thương hiệu, nhưng khi giao cho khách cửa hàng này giao hàng không có nhãn mác, được đóng trong các bao nhỏ 10 kg.

Trên mạng xã hội hiện có hàng trăm đơn vị rao bán sản phẩm này. Hầu hết đều lấy hình ảnh kỹ sư Hồ Quang Cua kèm mẫu mã sản phẩm trên mạng để rao bán với nhiều mức giá, có nơi bán lên tới 45.000 đồng một kg. Mặc dù bán giá khá cao nhưng trên bao bì sản phẩm không hề ghi chi tiết về địa chỉ nhà cung cấp.

Tại cuộc thi World's Best Rice, do The Rice Trader tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila (Philippines) từ ngày 10 đến 13/11, gạo ST25 của Việt Nam đã vượt qua gạo của các nước như Thái Lan, Campuchia để lần đầu tiên nhận giải thưởng cao nhất của cuộc thi này sau 10 lần tổ chức cuộc thi trong 10 năm qua.

Cuộc thi bình chọn gạo ngon nhất thế giới được tiến hành bởi các đầu bếp quốc tế, những người sẽ kiểm tra cảm quan của gạo trước khi nấu cơm và độ ngon của cơm và chọn ra loại gạo thắng cuộc.

Trong 10 lần tổ chức cuộc thi gạo ngon nhất thế giới, Thái Lan là nước dẫn đầu với 5 lần đạt giải nhất, tiếp đến là Campuchia với 4 lần, Mỹ có 2 lần và Myanmar một lần (có những năm hai quốc gia đồng giải gạo ngon nhất).


chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.