Hơn nửa doanh nghiệp trên thị trường BĐS quý I ảm đạm với các khoản lỗ và lãi giảm sâu

Thống kê 160 doanh nghiệp ngành bất động sản, hơn 51% các doanh nghiệp báo lỗ sau thuế và lãi giảm sâu. Phần lớn các doanh nghiệp nhóm này ghi nhận doanh thu bất động sản giảm, thậm chí không có doanh thu trong quý đầu năm.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp bất động sản ghi nhận lãi khủng, lãi tăng bằng lần so với cùng kỳ, song phân nửa bức tranh thị trường quý I/2022 trong gam màu tối. 

Thống kê trong 160 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý I, có 63 doanh nghiệp báo lãi giảm so với cùng kỳ và 19 doanh nghiệp báo lỗ. Xuất hiện trong danh sách này có nhiều cái tên nổi bật như Becamex TDC, FLC, Nam Long, Năm Bảy Bảy, Tín Nghĩa, Tổng công ty 36...

Doanh thu BĐS giảm, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp lao dốc

Thống kê trong top 15 doanh nghiệp giảm lãi sâu nhất, phần lớn các doanh nghiệp báo nguồn thu từ bất động sản giảm mạnh, thậm chí không có doanh thu trong quý I/2022.

Đối với 4 doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp trong nhóm này, tăng trưởng doanh thu thuần trong quý chủ yếu ghi nhận tại mảng dịch vụ.

Doanh nghiệp báo lãi giảm sâu nhất quý I là CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (PXL) với lãi sau thuế thu được gần 129 triệu đồng, giảm 97% so với con số hơn 3 tỷ đồng cùng kỳ. 

Trong quý, doanh thu thuần của công ty tăng 29%, song, doanh thu tài chính giảm, đồng thời giá vốn hàng bán, chi phí tăng cao dẫn đến lãi sau thuế giảm. Chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu của công ty là mảng cung cấp dịch vụ và hoạt động tài chính. Bên cạnh đó, trong quý I cả hai năm 2021 và 2022, công ty không ghi nhận doanh thu bán bất động sản và bán vật liệu xây dựng.   

Tương tự PXL, CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 76% mặc dù doanh thu thuần tăng 5% do giảm doanh thu tài chính cùng với việc chi phí quản lý tăng cao. 

Nguồn thu chính của VRG, doanh thu kinh doanh bất động sản, bao gồm cho thuê lại đất và cho thuê cơ sở hạ tầng giảm 18% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng doanh thu trong quý chủ yếu đến từ doanh thu cung cấp dịch vụ cao gấp 3 lần so với cùng kỳ. 

Trái ngược với PXL và VRG, một doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp khác, Tín Nghĩa (TIP) có doanh thu thuần giảm 60%, từ đó kéo lãi sau thuế giảm 85% trong quý I/2022. Theo Tín Nghĩa, do công ty con Tín Khải chưa có sản phẩm đất nền kinh doanh, mảng doanh thu chuyển nhượng đất nền ghi nhận hơn 3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 62,4 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, doanh thu cung cấp nước, cung cấp dịch vụ, thu gom rác, nước thải của công ty giảm do Covid-19, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa hoạt động hết công suất do tình trạng thiếu hụt lao động sau tết, đồng thời, một số nền đất còn lại khu dân cư 18 phải xây nhà nên chưa ghi nhận doanh thu trong quý I.

CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D) cũng ghi nhận doanh thu thuần lao dốc 75%, “trắng” doanh thu bất động sản, nguồn thu chính của công ty trong quý I/2021. Lãi sau thuế D2D qua đó giảm 87% còn 6,1 tỷ đồng. 

 

Đối với các doanh nghiệp bất động sản dân dụng, doanh thu mảng bất động sản có sự phân hóa lớn, song, hoạt động tài chính, chi phí cao khiến lợi nhuận “đi ngược dòng” doanh thu.  

Quý I, Intresco (ITC) ghi nhận hơn 939 triệu đồng lãi sau thuế, trong khi cùng kỳ là gần 22,5 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu đến từ việc giá trị bất động sản bàn giao sụt giảm trong quý khiến doanh thu từ mảng này của công ty “bốc hơi” gần 70%. 

Tính đến cuối quý I, Intresco đang có gần 1.800 tỷ đồng tồn kho tại các dự án như dự án Khu 6A, Khu 6B, dự án Bình Trưng Đông, dự án Lý Chính Thắng,...

Tương tự Intresco, doanh thu kinh doanh bất động sản giảm mạnh khiến lãi sau thuế Năm Bảy Bảy (NBB) giảm 95% so với cùng kỳ xuống 32,4 tỷ đồng. Năm Bảy Bảy cho biết, doanh thu ghi nhận trong quý này chủ yếu phát sinh từ dự án Sơn Tịnh - Quảng Ngãi. 

Theo chia sẻ của lãnh đạo công ty tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa tổ chức, dự án này sẽ là nguồn thu chính trong năm nay của Năm Bảy Bảy. Năm 2022, những sản phẩm đủ điều kiện ghi nhận doanh thu của công ty không vượt quá 1.000 tỷ đồng. Còn lại, doanh thu từ các dự án khác phải qua giai đoạn 2023-2024.

Ở chiều ngược lại, đối với Nam Long (NLG), doanh thu từ bán đất, căn hộ, nhà phố và biệt thự tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ dẫn đến doanh thu thuần tăng mạnh. Song, do không ghi nhận lãi từ giao dịch mua rẻ như cùng kỳ, lãi sau thuế của công ty giảm 91% còn 32,7 tỷ đồng. 

Nhờ mở rộng hoạt động kinh doanh thêm các mảng thương mại và tư vấn quản lý dự án, doanh thu thuần của Vinahud (VHD) tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước lên 135 tỷ đồng. Giá vốn, chi phí trong kỳ tăng mạnh, đồng thời, công ty cũng ghi nhận thêm khoản lỗ khác khiến lãi sau thuế còn gần 109 triệu đồng, giảm 83% so với cùng kỳ. 

Bên cạnh đó, top 15 doanh nghiệp giảm lãi sâu nhất còn có các doanh nghiệp như Nam Mê Kông (VC3), Hudland (HLD), Vimeco (VMC),... 

FLC, Becamex TDC... xuất hiện trong nhóm lỗ đậm 

 

Trong thống kê 19 doanh nghiệp báo lỗ sau thuế, 16 doanh nghiệp ghi nhận lỗ đậm hơn so với cùng kỳ hoặc trong khi cùng kỳ báo lãi. Nhóm doanh nghiệp này cũng chiếm 80% trong top 15 doanh nghiệp lỗ đậm nhất quý I/2022. 

Đơn cử như FLC với khoản lỗ 465 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 42,6 tỷ đồng. Trong quý, doanh thu thuần hợp nhất của công ty đạt 1.085 tỷ đồng, giảm 56%. 

Theo giải trình, kết quả này là do công ty đã thu hẹp mảng kinh doanh thương mại, đồng thời, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến mảng kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, bất động sản của công ty sụt giảm.

Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận khoản lỗ 265 tỷ đồng từ các công ty liên doanh, liên kết trong khi cùng kỳ lãi 18 tỷ đồng.

Becamex TDC (TDC) cũng báo lỗ gần 109 tỷ đồng trong quý I/2022 trong khi cùng kỳ lãi 9,8 tỷ đồng. Trong quý, tất cả nguồn thu của công ty bao gồm kinh doanh vật liệu xây dựng, bán thành phẩm, bất động sản và cung cấp dịch vụ đều giảm so với cùng kỳ. 

Tương tự Becamex TDC, tất cả nguồn thu của Tổng công ty 36 (G36) đều ghi nhận doanh thu sụt giảm trong quý I/2022, đồng thời không có doanh thu từ mảng kinh doanh bất động sản. Do đó, doanh thu thuần giảm 63%, kéo công ty báo lỗ 8,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 13,3 tỷ đồng.  

Bên cạnh đó, xuất hiện trong nhóm này còn có các doanh nghiệp khác như Louis Land (BII), KCN Hiệp Phước (HPI), Saigonres (SGR), Vinaconex - ITC (VCR),...

Ở chiều ngược lại, khoản lỗ sau thuế tại ba doanh nghiệp gồm BOT Cầu Thái Hà (BOT), Xây lắp Sông Đà (SDD) Victory Capital (PTL) đã giảm so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ doanh thu thuần tăng trên 120%. Song, tương tự cùng kỳ, các khoản chi phí, giá vốn tại ba doanh nghiệp này đều ở mức cao dẫn đến khoản lỗ sau thuế trong quý I năm nay. 

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.