Doanh thu chỉ 1 tỉ đồng, startup tự định giá doanh nghiệp đến 1.000 tỉ khiến cá mập nổi giận, gọi là ‘ngáo’

Lịch sử Shark Tank Việt Nam lần đầu tiên chứng kiến màn gọi vốn lên đến 5 triệu USD của một startup kinh doanh khung xếp tập thể dục đa năng. Màn gọi vốn này bị “cá mập” mới - Shark Bình cho rằng nhà sáng lập đang “ngáo giá”.

Trong tập 6 của Thương vụ bạc tỉ (Shark Tank Việt Nam) mùa thứ 3, cả 3 startup đều đến gọi vốn với số tiền khủng. Nhưng chỉ có startup ứng dụng hỗ trợ bữa ăn gia đình Tối nay ăn gì gọi vốn thành công. Riêng thương vụ gọi vốn nghìn tỉ của Công ty cổ phần Khánh Trình gây sốt trường quay vì bị cá mập cho rằng "ngáo giá".

Gọi vốn 100 tỉ đồng để được quảng cáo trên truyền hình Mỹ

Lê Nguyễn Khánh Trình, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty cổ phần Khánh Trình, đến Shark Tank gọi số vốn lên đến 5 triệu USD đổi 10% cổ phần. CEO này mong muốn có được số tiền lớn để đẩy mạnh xuất khẩu khung xếp đa năng Khánh Trình do chính anh sáng chế, vươn ra thị trường thế giới.

Theo Trình, khung xếp đa năng Khánh Trình có thể giúp khách hàng luyện tập kéo dãn cột sống để phòng ngừa đau lưng và điều trị một số bệnh cột sống. Với trẻ em và thanh thiếu niên, sản phẩm này hỗ trợ tăng chiều cao hiệu quả, giúp người tiêu dùng tập luyện thể thao ngay tại nhà. 

Ngoài ra, với kết cấu linh hoạt, sản phẩm còn có thể trở thành khung treo đa năng cho xích đu, võng,…

KHANH TRINH (4)

Shark Liên cho rằng sản phẩm của Khánh Trình đơn giản, thị trường có nhiều. (Ảnh: Ngọc Diễm).

CEO Khánh Trình tự tin tính sản phẩm có tính linh hoạt, có thể thay đổi độ cao phù hợp với mọi lứa tuổi, sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh nổi bật.

Số tiền gần 100 tỉ đồng gọi vốn tại Shark Tank, Trình cho biết sẽ dùng vào việc đẩy mạnh marketing tại thị trường Mỹ và Nhật Bản trong năm đầu tiên. Trong đó, startup sẽ trích 20-30% quảng bá thương hiệu, chủ yếu đánh mạnh vào quảng cáo truyền hình. Phần còn lại được đầu tư sản xuất. 

Nhà sáng lập tự tin 3-5 năm tới, các nhà đầu tư có thể thu hồi vốn.

Khánh Trình giải thích: "Đã có 5 quốc gia mà tôi nhận bằng sáng chế cho sản phẩm này, gồm Việt Nam, Mỹ, Nigeria, Nam Phi và Australia. Dân số 5 quốc gia này là 670 triệu người. Dự tính nếu chiếm được 1% thị trường thì chúng tôi có thể đạt doanh thu 670 triệu USD".

Ra mắt thị trường vào năm 2010, khung xếp đa năng Khánh Trình đã xuất khẩu hàng nghìn sản phẩm đến hơn 40 quốc gia qua website và sàn thương mại điện tử Amazone. Hiện tại, giá bán đang ở mức 7 triệu đồng/bộ sản phẩm.

KHANH TRINH (2)

Phần gọi vốn của CEO Khánh Trình bị Shark Dzung cho rằng không xác đáng ngay cả việc tính quy mô thị trường. (Ảnh: Ngọc Diễm).

Nhà sáng lập cho biết doanh thu trong nước chỉ khoảng 300 triệu đồng/tháng, thị trường nước ngoài mới là trọng điểm với 1 tỉ đồng/tháng. Trong đó, tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử Amazon chiếm đến 80%, biên độ lãi gộp vào khoảng 70%.

"Starup Việt Nam bây giờ bị ngáo giá"

Nhận xét về mức định giá doanh nghiệp, Shark Bình, cá mập mới vừa gia nhập chương trình Thương vụ bạc tỉ, và tham gia với vai trò nha đầu tư tập đầu tiên, thẳng thắn cho rằng: "Starup Việt Nam bây giờ bị ngáo giá". Ông quyết định không đầu tư.

Shark Bình chỉ ra điểm phi lí khi startup này định giá doanh nghiệp đến 1.000 tỉ đồng: "Lợi nhuận của em hiện nay một năm khoảng 6 tỉ đồng. Tính tối đa thì doanh nghiệp của em định giá cao nhất chỉ được 30 tỉ đồng. Đó còn chưa kể tính các chi phí rủi ro khác. Đừng 'ngáo giá'!".

Cả 4 nhà đầu tư còn lại là Shark Hưng, Shark Liên, Shark Việt và Shark Dzung cũng đều từ chối đầu tư vì mức định giá bất hợp lí 1.000 tỉ đồng của nhà sáng lập này.

Shark Dzung dù từ chối đầu tư nhưng có cái nhìn nhẹ nhàng hơn. Cá mập này khuyên: "Anh nghĩ sản phẩm của em rất hợp thị trường Mỹ, em nên tập trung bán ở thị trường đấy và không cần gọi số vốn lớn như thế".

Ưng ý với mô hình "đơn giản mà kiếm ra tiền", Shark Việt động viên: "Tốt nhất em nên làm từng bước, không nên làm to quá. Đôi khi làm to, trách nhiệm mà mình phải chịu với chính số tiền ấy rất lớn".

SHARK HOA BINH (1)

Shark Bình thằng thừng lên tiếng: "Starup Việt Nam bây giờ bị ngáo giá". (Ảnh: Ngọc Diễm).

Trong tập này, cả ba startup đều mang sản phẩm gọi vốn được đánh giá là có thị trường tuy nhiên các nhà sáng lập cùng mắc chung sai lầm về định giá. Ứng dụng hỗ trợ bữa ăn gia đình Tối nay ăn gì đến gọi 2,5 tỉ đồng cho 1% cổ phần, tương đương giá trị doanh nghiệp non trẻ này lên đến 250 tỉ đồng.

Cũng tương tự mức định giá doanh nghiệp "trên trời" là ứng dụng Cộng đồng công nghệ sức khỏe DrExpedia, đến gọi vốn 5,5 tỉ đồng đổi 5,5% trái phiếu chuyển đổi.

Mắc lại sai lầm của các startup mùa đầu, do các nhà sáng lập không có phương pháp nên thiếu thuyết phục, thậm chí đưa ra những mức giá không tưởng, phí lí khiến các cá mập "nổi giận". 

2 startup DrExpedia và Khánh Trình có mô hình kinh doanh còn "xanh" và "non" chưa được chứng thực nên không nhận được đầu tư.

Riêng Tối nay ăn gì được Shark Việt rót 2,5 tỉ đồng nhưng đổi lấy 36% cổ phần, vì ông tin tưởng vào nhà sáng lập Thùy Linh và đội ngũ sẽ làm nên chuyện.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.