Cần là có – ngó là thấy
Chợ hiện có khoảng 50 - 60 gian hàng. |
Gọi chợ nhưng đó là khoảng 50- 60 hộ bán bù loong – con tán nằm trên hai con đường Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Văn Sừng mà dân địa phương quen gọi là chợ trời (TP.Long Xuyên – An Giang). Chợ mở cửa khá sớm, chỉ khoảng hơn 6 giờ đã nghe tiếng trao đổi, trả giá, lục tìm phụ tùng, đinh ốc náo nhiệt.
Ở mỗi gian hàng, những món đồ như bù loong, con tán, dây xích, nhông, dĩa, bạc đạn, cốt, phốt, heo dầu, béc dầu, đầu bò, đầu máy, hộp số cũ... được treo và bày biện rất đa dạng. Thoạt nhìn, có thể khiến người xem hoa mắt với ngổn ngang trăm thứ đồ, nhưng thật ra chúng đã được chủ nhân của nó sắp xếp rất gọn gàng theo thứ tự riêng để tiện việc tìm kiếm.
Theo nhiều chủ hàng, ngày đầu chỉ có vài hộ lẻ tẻ kinh doanh tự phát mặt hàng bù loong, phụ tùng máy móc cũ nằm ở đường Phan Thanh Giản. Về sau, chính quyền địa phương dời các hộ về bán tại điểm họp chợ hiện tại cho đến ngày nay.
Chợ tồn tại gần 40 năm qua và được xem là chợ trời lớn nhất miền Tây. |
Ông Trần Thôi, một người gắn bó với chợ từ những ngày đầu cho biết, nghề này bắt đầu thịnh từ sau năm 1980, bởi lúc này máy móc đã được nông dân sử dụng, nên nhu cầu mua phụ tùng về sửa chữa cũng tăng lên. Phần vì nông dân ĐBSCL còn sử dụng khá nhiều các loại máy dầu, máy cày, máy xới đời cũ, nên khi máy hư các cửa hàng nông ngư cơ bình thường đa số không có hàng thay thế.
“Máy chiếc máy cày cũ như MTZ (nhập từ Liên Xô), Mitsubishi (Nhật Bản)... đang chạy trên đồng mà lỡ bị hư con heo dầu hoặc lỏng cái ốc thì chỉ đến chợ trời mới có đồ thay vì chỉ ở đây mới còn hàng phù hợp lại bền rẻ”, ông Thôi khẳng định.
Điều thú vụ là ở khu chợ này đồ cũ luôn “thịnh” hơn đồ mới dù các cửa hàng cũng không thiếu máy móc mới. Và lý do làm chợ bù loong đắt hàng cũng bởi từ lâu các loại máy nông ngư nghiệp mới không còn hàng của các nước Nhật Bản hay Liên Xô mà chủ yếu là hàng Trung Quốc, Đài Loan...
Phụ tùng ở chợ được rã từ các máy cũ. |
Ông Nguyễn Văn Khanh (70 tuổi) - một trong những người mua bán lâu đời nhất ở đây cho biết: “Tôi gắn bó với nghề từ cái thời chợ vừa manh nha hình thành. Hình ảnh bà con nông dân quần áo còn dính dầu nhớt vội vàng tìm phụ tùng để kịp thay cho chiếc máy cày bị hư giữa chừng, hay khệ nệ xách một món nông cụ đến chợ tìm phụ tùng... đã trở nên quá đỗi quen thuộc với những người hay đến khu chợ này. Một món hàng giá thấp nhất chỉ vài ngàn đồng và có khi cũng có giá vài ba triệu đồng”.
Chợ của nông dân
Chợ tuy nhỏ nhưng cũng phân chia “thị trường” theo nhiều phân khúc. Có hộ chỉ bán các loại máy sản xuất nông ngư mới, cũng có hộ trung thành với bù loong, con tán và cũng có hộ chỉ kinh doanh phụ tùng máy cày cũ đáp ứng đủ mọi yêu cầu của nhà nông...
Theo dân trong nghề, chợ trời tồn tại đến nay còn một phần nhờ vào đội ngũ “vệ tinh” ở xa, chuyên đi tìm kiếm và thu mua máy móc hư, cũ. Hễ nghe nơi nào rao bán máy cày, máy xới, những người này đi ngay.
Khách chủ yếu là nông dân. |
Họ mua máy hư, cũ về rã ra thành từng món, món nào còn nguyên thì lau chùi sạch, đem bán lại cho các chủ cửa hàng ở chợ trời, nếu món nào không xài được nữa thì bán ve chai. Nhưng cũng không ít người mua phải máy quá “nát” khi tháo các bộ phận của máy ra, nhông, dĩa đã sứt mẻ, không sử dụng được...Nhưng niềm vui “tầm” thật nhiều hàng độc cho cửa hàng vẫn thôi thúc họ mua bán, kiếm tìm.
Anh Quang Thanh, một chủ cửa hàng trẻ chuyên buôn phụ tùng kể: “Khi ra nghề, tôi phải mày mò, học hỏi khá lâu mới có được kinh nghiệm, tốn không ít công, mua cả chiếc máy cày cũ về tự tháo ra, nghiên cứu, vật nào còn dùng được thì giữ lại, không sẽ bán phế liệu nên “lên tay” rất nhanh. Nhiều món phải “săn” tận các tỉnh khác”. Và cũng nhờ những chuyến “săn” hàng xa xôi của các chủ tiệm mà nhiều nông dân như có được nụ cười mãn nguyện khi “cứu” được cái mày.
Nhiều người đã cứu được cả 'gia tài' nhờ tìm được đồ thay thế ở chợ. |
Nếu trước đây, các loại phụ tùng cũ bán chạy theo mùa lúa, thì nay bán được quanh năm do nông dân sản xuất lúa ba vụ nên nhờ nghề này mà nhiều hộ có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, nhưng năm gần đây người ta cũng đã bắt đầu mua mới các dòng máy nông ngư cơ. Trong khi máy cũ ngày càng ít và cũng khó kiếm phụ tùng thay thế hơn.
“Cứ cái đà này, những món phụ tùng của dòng máy cũ sẽ không còn ai sử dụng. Tới lúc đó, dân chợ trời tụi tui phải tính tới chuyện buôn hàng mới dẹp đồ cũ thôi”, ông Thôi lo lắng.
Ở miền Tây, có thể nói không nơi nào bán phụ tùng máy móc đã qua sử dụng nhiều như chợ trời này và chợ chính là một thế giới đầy ắp những món hàng nhiều khi độc nhất vô nhị, chỉ hữu ích cho vài người hay chỉ là nơi lui tới quen thuộc của nhiều nông dân giản dị.