Độc đáo nghề săn voi của người dân Tây Nguyên

Mảnh đất Tây Nguyên được mọi người nhớ đến với hình ảnh những chú voi Bản Đôn hiền lành, chăm chỉ. Nhưng ít ai biết được, để thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà, những Gru (thợ săn voi) phải trải qua biết bao khó khăn, vất vả.

Chinh phục voi dữ

doc dao nghe san voi cua nguoi dan tay nguyen
Ông Ama Đăng nhớ lại những ngày săn và thuần dưỡng voi.

Để hiểu hơn về nghề săn voi của người dân Tây Nguyên, chúng tôi tìm về buôn Trí A (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) để gặp ông Ama Đăng (SN 1945) là một thợ săn voi nổi tiếng.

Ông Ama Đăng, dù đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy nhưng thân hình vẫn còn rắn rỏi, tinh thần minh mẫn và trí nhớ tuyệt vời. Trong căn nhà sàn của mình ông bắt đầu kể về những chuyến săn voi đầy nguy hiểm và hành trình thuần dưỡng voi vô cùng gian nan.

Để săn được voi rừng, các Gru phải thịt 5-6 con trâu lấy phần da rồi đem phơi khô. Sau đó, da được cắt thành các sợi nhỏ tết thành từng sợi dây thừng. Các Gru phải thực hiện nghi lễ của làng trước khi bắt đầu cuộc hành trình săn voi. Đặc biệt, nếu trong ngày đó ở buôn có người chết hoặc sinh đẻ thì bắt buộc chuyến đi phải dời lại. Đến khi nào việc ma chay hoàn tất và sản phụ mẹ tròn con vuông, các Gru làm lễ cúng Giàng rồi lên đường.

doc dao nghe san voi cua nguoi dan tay nguyen
Những dụng cụ để săn voi giờ chỉ được treo ở gác bếp.

Từ buôn làng, các Gru phải băng qua cánh rừng bạt ngàn thú dữ, lội qua vô vàn suối độc và vượt nhiều con dốc cao cheo leo... Ngoài đồ nghề săn voi, Gru phải mang theo rất nhiều lương thực vì mỗi chuyến săn có khi kéo dài cả tháng.

“Chuyến đi bắt buộc phải mang theo những chú voi nhà được tuyển chọn kĩ lưỡng. Những chú voi được mang theo là voi đực to lớn, khỏe mạnh, đặc biệt phải có ngà dài để chống trả lại bầy voi rừng hung dữ. Cùng với đó, chiếc dây thừng để trói voi đưa về phải được làm từ da trâu để bảo đảm tính chắc chắn, không sợ voi quật đứt”, ông Ama Đăng cho biết.

Kiêu hùng nghề săn voi

Khi đến khu vực voi rừng thường xuyên lui tới, bằng mắt quan sát, các Gru có thể biết được đàn voi có bao nhiêu con để tính toán các phương án săn bắt. Khi xác định được vị trí chính xác của đàn voi, các Gru mai phục và chọn con voi ưng ý nhất.

“Khi săn voi, chúng tôi lựa chọn chú voi còn ít tuổi, cao dưới 2m, vì nếu voi quá lớn sẽ hung dữ, khi đưa về buôn thì khó thuần dưỡng”, ông Ama Đăng chia sẻ.

Sau khi tính toán chi tiết, dây thừng đặt bẫy sẽ được đặt ở vị trí voi thường xuyên lui tới ăn cỏ. Khi chú voi bị mắc bẫy, các Gru dùng voi nhà để xua đuổi bầy voi rừng đi nơi khác. Gặp đàn voi dữ, chúng tấn công voi nhà và các Gru để giải cứu voi con. Trong những lúc nguy hiểm, các Gru phải gióng tróng khua chiên làm đàn voi sợ và cầm vũ khí để đáp trả khi đàn voi trở nên hung hăng. Không ít lần, các Gru và những con voi nhà khỏe nhất phải tháo chạy vì đàn voi rừng tấn công liên tục.

“Nghề săn voi rất nguy hiểm, ngoài chuyện bị voi tấn công, nhiều người còn bỏ mạng vì bị thú dữ tấn công, bệnh tật khi băng rừng. Tôi không ít lần bị voi quật, nhiều lần ngã từ lưng voi nhà xuống đất làm gãy chân, gãy tay. Nhưng cứ lành bệnh là chúng tôi lại lên đường vì không phải ai cũng được tuyển chọn để săn voi”, mắt Ama Đăng hừng hực ngạo khí khi nhắc lại chuyện xưa.

doc dao nghe san voi cua nguoi dan tay nguyen
Những chú voi rừng sau khi được thuần hóa đã trở thành voi nhà.

Sau khi đi săn về các Gru thực hiện nghi lễ gồm một ché rượu cần, một con gà để xin phép Giàng đưa con thú ở rừng về bản. Nghi lễ chỉ kết thúc khi voi rừng được thuần hóa.

Từ khi mới bắt đầu làm Gru đến nay ông Ama Đăng đã bắt được 20 con voi rừng đưa về buôn làng thuần dưỡng. Bên cạnh đó, nhiều loại thú khác như bò tót cũng được ông đưa về buôn để làm giàu số lượng động vật ở Buôn Đôn.

Bỗng lặng người, ông Ama Đăng với ánh mắt buồn phiền nói: “Trước kia voi nhiều lắm nên chúng tôi dùng voi làm sức kéo, chứ không bao giờ giết. Giờ lâm tặc hoành hành, cùng với đó là nạn săn bắt voi lấy ngà khiến voi rừng ngày càng cạn kiệt. Mỗi con voi ở đây chết lại thêm một người bỏ nghề. Hiện nay, cả Buôn Đôn chỉ còn vỏn vẹn 14 con voi để phục vụ du lịch. Chính vì vậy, nghề săn bắt voi dần trở thành một truyền thuyết”.

doc dao nghe san voi cua nguoi dan tay nguyen
Hiện nay chỉ còn lại một vài cá thể voi còn sót lại để phục vụ khách du lịch.

Ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Buôn Đôn cho biết, trước đây săn bắt và thuần dưỡng voi rừng được xem là nghề truyền thống của một số đồng bào dân tộc tại Buôn Đôn. “Đến năm1995, quyết định cấm săn bắt động vật hoang dã, trong đó có loài voi được ban hành thì người dân mới không săn bắt nữa. Hiện nay, nghề săn bắt voi đã trở thành một truyền thuyết của người dân Tây Nguyên”, ông Thoại thông tin.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/5 - 17/5): Hà Nội chốt giảm 61 xã phường, khởi công cao tốc TP HCM - Chơn Thành vào 2/9
Hà Nội sẽ giảm 61 xã phường; Bắc Giang giảm 7 đô thị so với quy hoạch duyệt năm 2022; Sở GTVT TP HCM đề xuất xây dựng thêm hàng loạt tuyến metro; Đăk Lắk đề xuất làm đường kết nối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.