Đồi núi tan hoang vì khai thác đất trái phép

Từ khi các doanh nghiệp ồ ạt khai thác đất trái phép tại Hóc Giản, những hộ dân sống cạnh quốc lộ 19B luôn bất an.

Ngày 22/6, ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Định, cho biết đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương phối hợp UBND H.Phù Cát và chính quyền cơ sở kiểm tra, chấn chỉnh ngay tình trạng khai thác đất trái phép tại núi Hóc Giản.

avatar_1561253793922

Khu vực Hóc Giản đang bị khai thác đất trái phép. (Ảnh: Bảo Thao).

“Tại sao chính quyền không xử lý?”

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại khu vực đồi núi Hóc Giản (thôn Chánh Liêm, xã Cát Tường, H.Phù Cát) thường xuyên có 3 máy múc hoạt động đào bới, múc đất đổ lên các xe tải vận chuyển ra bên ngoài. Hàng chục lượt xe tải chở đất gây bụi mù mịt. Cả một khu đồi núi ở Hóc Giản bị đào bới nham nhở.

Theo người dân thôn Chánh Liêm, từ khi các doanh nghiệp (DN) ồ ạt khai thác đất trái phép tại Hóc Giản, nhiều gia đình sống ven quốc lộ 19B rất bất an do phải hứng chịu bụi đất, tiếng ồn và tình trạng xe tải chở đất phóng nhanh vượt ẩu gây nguy hiểm cho người đi đường. 

Thậm chí, tuyến đường dân sinh dành cho người dân thôn Chánh Liêm cũng bị đoàn xe tải khai thác đất trái phép tại Hóc Giản “chiếm dụng”. “Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải vận chuyển đất khai thác trái phép chạy trên đường, đồi núi ở Hóc Giản thì bị đào bới tan hoang cả. Tình trạng này diễn ra ngay trước mắt, nhiều người dân địa phương chúng tôi biết, thậm chí đã phản ánh lên UBND xã Cát Tường. Tại sao chính quyền không xử lý?”, ông T.H.V (ở thôn Chánh Liêm) bức xúc.

“Cấp xã chúng tôi cũng khổ lắm”

Chủ tịch UBND xã Cát Tường, ông Nguyễn Đức Hoàng, khẳng định chưa có DN nào được cấp phép khai thác đất trên địa bàn xã, chỉ có Công ty TNHH TPV đang làm đường đi vào khu vực này để chuẩn bị khai thác đất. 

Ông Hoàng cho rằng do dự án đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài trên địa bàn đang rất cần đất để đẩy nhanh tiến độ thi công, nhưng việc cấp phép khai thác đất lại quá chậm nên mới xảy ra tình trạng các DN lén lút khai thác đất trái phép. 

“Chúng tôi đã báo vụ việc lên UBND H.Phù Cát đề nghị giải quyết chứ cấp xã chúng tôi cũng khổ lắm rồi”, ông Hoàng nói.

Theo UBND H.Phù Cát, tại xã Cát Tường có 5 đơn vị là các công ty TNHH TPV, Trường Sơn 98, Nam Ngân, Thuận Đức, An Kim đang xin chủ trương của tỉnh Bình Định để cấp phép khai thác đất. 

Hiện chỉ có TPV và Nam Ngân đã gửi hồ sơ hoàn chỉnh, đang trình UBND tỉnh để chuẩn bị cấp phép. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Định chưa cấp phép cho bất kỳ DN nào khai thác đất tại xã Cát Tường. 

“Tôi đã giao cho chính quyền xã Cát Tường và các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, quản lý để ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác đất trái phép tại địa phương”, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND H.Phù Cát, cho biết.

Trong khi đó, ông Lê Văn Tùng cho rằng việc để xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép ở cơ sở, trách nhiệm trước tiên thuộc về chính quyền địa phương.

Suối cũng tan hoang vì "cát tặc"

Con suối A Lin bắt nguồn từ chân dãy Trường Sơn, chảy qua các xã Hồng Trung, Hồng Vân, Hồng Bắc rồi đổ vào sông A Sáp (H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế) gần công trình Nhà máy thủy điện A Lin B1 (do Công ty CP thủy điện Trường Phú làm chủ đầu tư) cũng đang bị "băm nát" để khai thác cát, sỏi.
Theo tin báo của người dân, PV đã lội bộ nhiều giờ liền mới vào đến "công trường cát lậu", có vô số hố sâu in hằn dấu vết máy múc, xe bánh xích... Khi PV cung cấp thông tin, hình ảnh, ông Trần Phước Hùng, Phó trưởng phòng TN-MT H.A Lưới, cùng cán bộ phòng tỏ ra "ngạc nhiên". Ông Hùng lấy lý do lực lượng của phòng ít người, nhiều việc nên có thể đã không kiểm tra, giám sát để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, trong khi chính quyền địa phương lại không thông tin sự việc (?!). Ông Hùng hứa sẽ tiến hành kiểm tra hiện trường để có thông tin chính xác cho báo chí.
Trong khi đó, ông Lê Văn Chanh, Chủ tịch UBND xã, và ông Hồ Văn Khuých, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Trung, khẳng định đoạn suối nói trên chưa được cấp phép khai thác cho bất cứ đơn vị, DN nào. Sau khi nhận được thông tin của PV cung cấp, lãnh đạo xã đã kiểm tra, bước đầu xác nhận có tình trạng vi phạm trong khai thác cát, sỏi trên suối A Lin.
Đình Toàn
chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.