Hỏi đáp pháp luật: Tôi năm nay 35 tuổi, làm nghề tự do. Bây giờ tôi muốn đóng BHXH tự nguyện với mức thu nhập tháng kê khai như sau: 1 triệu mỗi tháng dự kiến trong 30 năm. Vậy xin hỏi cách tính lương hưu của tôi thế nào?
Phan Hữu Hà
Ảnh minh họa. (Nguồn: Văn Mẫn/Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam). |
Trả lời: Bạn là lao động tự do nên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Do đó bạn sẽ được tham gia BHXH tự nguyện theo đối tượng tại Khoản 4 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau: Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên.
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định BHXH tự nguyện có các chế độ hưu trí và tử tuất, không có chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như BHXH bắt buộc. Mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
Theo Điều 87, mức đóng BHXH tự nguyện của người lao động hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn. Trong đó, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức cơ sở.
Người lao động được chọn một trong những phương thức đóng: Đóng hàng tháng; 03 tháng một lần; 06 tháng một lần; 12 tháng một lần; 01 lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hàng tháng hoặc 01 lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hàng tháng.
Điều kiện để hưởng chế độ hưu trí khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tại Khoản 1 Điều 73 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
1. Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
b) Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Theo đó, khi bạn đủ 60 tuổi và đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên thì bạn sẽ được nhận lương hưu. Khi bạn đã đủ 60 tuổi và đóng bảo hiểm được 30 năm thì lương hưu của bạn sẽ được tính theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 73 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 79 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
- Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm.
- Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.”
Bạn sẽ nghỉ hưu sau năm 2022 nên tỷ lệ lương hưu của bạn được tính như sau:
+ 20 năm đầu tham gia sẽ được hưởng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội
+ Từ năm thứ 21 đến năm thứ 30 là 10 năm được hưởng thêm: 10 x 2% = 20%
+ Tổng 2 tỷ lệ là: 45% + 20% = 65% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng mức bình quân tiền lương của toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản 1 Điều 79 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau: Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng.
Nếu bạn dự định đóng bảo hiểm với mức 1.000.000 đồng trong suốt 30 năm thì mức bình quân tiền lương của bạn sẽ là 1.000.000 đồng. Vì vậy, mức lương hưu bạn sẽ được nhận là 1.000.000 x 65% = 650.000 đồng.
Như vậy, với mức tiền lương làm căn cứ đóng bỏa hiểm của bạn trong 30 năm là 1.000.000 đồng/tháng thì khi đủ 60 tuổi bạn sẽ được hưởng lương hưu với mức 650.000 đồng/tháng.
Các mức đóng BHXH bắt buộc năm 2019
Năm 2019, sẽ có một số thay đổi về tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc của người lao động. |
Chính sách mới nổi bật về tiền lương, BHXH có hiệu lực từ năm 2019
Từ ngày 1/1/2019, Nghị định 157/2018/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Mức lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng từ 160.000 - 200.000 đồng/tháng so ... |
Tăng lương tối thiểu vùng, mức đóng BHXH có tăng không?
Khi mức lương tối thiểu vùng tăng, người lao động trong các doanh nghiệp cũng sẽ bị tác động như thế nào? |