Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thì được hưởng lương hưu. Trường hợp người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH giải quyết thế nào?
Ảnh minh họa. (Nguồn: Đài Truyền hình TP HCM).
Theo Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động được hưởng lương hưu khi có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và lao động nam từ đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Trường hợp nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
Lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đù 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò. Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Theo quy định trên để được hưởng lương hưu hàng tháng thì người lao động phải tham gia BHXH từ đủ 20 trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu.
Trường hợp người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì có thể hưởng BHXH một lần hoặc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Cụ thể, theo khoản 6 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa 06 tháng thì người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu để đủ thời gian 20 năm.
Trường hợp, người lao động đã đủ điều kiện về tuổi nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu được tham gia bảo đóng BHXH tự nguyện theo phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu (với điều kiện thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu (theo điểm e khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP).
Theo khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
Trường hợp lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đủ 55 tuổi nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
Về mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014. Hai tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Theo quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lương hưu của người lao động tham gia BHXH được tính theo công thức sau:
Lương hưu = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Đối với lao động nam:
- Nghỉ hưu từ 1/1/2019: 45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 17 năm đóng BHXH. Sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%;
- Nghỉ hưu từ 1/1/2020: 45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 18 năm đóng BHXH. Sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%;
- Nghỉ hưu từ 1/1/2021: 45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 19 năm đóng BHXH. Sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%;
- Nghỉ hưu từ năm 1/1/2022 trở đi: 45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 20 năm đóng BHXH. Sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%.
Đối với lao động nữ:
Lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 mà có từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu, mức lương hưu được điều chỉnh bằng mức lương hưu tính theo quy định tại khoản 2 Điều 56 hoặc khoản 2 Điều 74 Luật BHXH năm 2014 cộng với mức điều chỉnh.
Mức điều chỉnh được tính bằng mức lương hưu tính tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu.
Cụ thể như sau:
Thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội | Tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu: | |||
Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | |
20 năm | 7,27% | 5,45% | 3,64% | 1,82% |
20 năm 1 tháng - 20 năm 6 tháng | 7,86% | 5,89% | 3,93% | 1,96% |
20 năm 7 tháng - 21 năm | 8,42% | 6,32% | 4,21% | 2,11% |
21 năm 1 tháng - 21 năm 6 tháng | 8,97% | 6,72% | 4,48% | 2,24% |
21 năm 7 tháng - 22 năm | 9,49% | 7,12% | 4,75% | 2,37% |
22 năm 1 tháng - 22 năm 6 tháng | 10,00% | 7,50% | 5,00% | 2,50% |
22 năm 7 tháng - 23 năm | 10,49% | 7,87% | 5,25% | 2,62% |
23 năm 1 tháng - 23 năm 6 tháng | 10,97% | 8,23% | 5,48% | 2,74% |
23 năm 7 tháng - 24 năm | 11,43% | 8,57% | 5,71% | 2,86% |
24 năm 1 tháng - 24 năm 6 tháng | 11,88% | 8,91% | 5,94% | 2,97% |
24 năm 7 tháng - 25 năm | 12,31% | 9,23% | 6,15% | 3,08% |
25 năm 1 tháng - 25 năm 6 tháng | 10,91% | 8,18% | 5,45% | 2,73% |
25 năm 7 tháng - 26 năm | 9,55% | 7,16% | 4,78% | 2,39% |
26 năm 1 tháng - 26 năm 6 tháng | 8,24% | 6,18% | 4,12% | 2,06% |
26 năm 7 tháng - 27 năm | 6,96% | 5,22% | 3,48% | 1,74% |
27 năm 1 tháng - 27 năm 6 tháng | 5,71% | 4,29% | 2,86% | 1,43% |
27 năm 7 tháng - 28 năm | 4,51% | 3,38% | 2,25% | 1,13% |
28 năm 1 tháng - 28 năm 6 tháng | 3,33% | 2,50% | 1,67% | 0,83% |
28 năm 7 tháng - 29 năm | 2,19% | 1,64% | 1,10% | 0,55% |
29 năm 1 tháng - 29 năm 6 tháng | 1,08% | 0,81% | 0,54% | 0,27% |
Lưu ý, mức hưởng lương hưu tối đa của người lao động tối đa là 75% mức bình quân lương tháng đóng BHXH.
Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.
Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.